Người Việt Nam, hàng Việt Nam
Trong bối cảnh hàng giá rẻ đang tràn lan và cạnh tranh gay gắt với hàng trong nước khi mà thương mại điện tử xuyên biên giới khiến người tiêu dùng có thể được 'ship' hàng tới tận nhà thì càng thấy cần phải đẩy mạnh hơn nữa Cuộc vận động 'Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam'.
Cắt nghĩa thế nào khi tăm tre, chuối, nấm, cám gạo, thậm chí cả miếng rửa bát, chùi nồi xoong cũng… nhập từ Trung Quốc? Quy luật cung - cầu của nền kinh tế hàng hóa thị trường có thể ví như nước chảy chỗ trũng. Người tiêu dùng, thấy rẻ thì ham, thấy tốt là mua. Những lời vận động hoặc những bài học đạo đức “dùng hàng Việt là yêu nước” có vẻ cũng không thắng nổi sự xâm nhập của hàng giá rẻ qua các kênh bán lẻ trực tuyến đang làm mưa làm gió. Hàng nước ngoài tự đến tận tay người tiêu dùng bằng con đường ngắn nhất là một sự thật buồn nản và xót xa cho sản xuất và cả hệ thống bán lẻ trong nước.
Bài học về người Việt dùng hàng Việt
Khát vọng “Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam” đã xuất hiện cách đây hàng thế kỷ, từ thời Đông kinh nghĩa thục với những ý tưởng của cụ cử Lương Văn Can, của doanh nhân Bạch Thái Bưởi...
Khoảng hơn 10 năm trước, tinh thần người Việt dùng hàng Việt đã lên khá cao. Ghi nhận bằng sự ra đời của hàng loạt cửa hàng, cửa hiệu, các chuỗi bán lẻ với tên gọi “Made in Việt Nam”. Đã có những thời kỳ người Việt quay lưng với hàng ngoại giá rẻ và chỉ ưa chuộng hàng Việt Nam.
Đầu thế kỷ 20 người Việt rất yêu thích dùng hàng nội địa sau cuộc “Chấn hưng nội hóa, bài trừ ngoại hóa” của phong trào Đông kinh nghĩa thục năm 1919. Xà bông thương hiệu “Cô Ba” của doanh nhân Trương Văn Bền, đánh bại xà bông Marseille của Pháp. Từ các ông ký, ông lục, đến chánh tổng, lý trưởng, ông bá hộ, điền chủ… và người lao động Đông Dương dùng xà bông “Cô Ba”, lại xuất sang Hương Cảng, châu Phi, Tân Cảng. Còn ở miền Bắc thì khách hàng chọn đi tàu khách đường thủy của ông vua sông biển miền bắc Bạch Thái Bưởi…
Trong lịch sử kinh tế nước nhà đã từng có chuyện tẩy chay hàng vải mặc của Ấn Độ. Câu chuyện về hàng Việt Nam cho người Việt Nam không phải đến bây giờ mới đặt ra.
Thời đầu thế kỷ 20, xà bông cô Ba xuất hiện trên khắp các báo chí với lời kêu gọi: “Dùng xà bông xấu, mục quần áo” và “Người Việt Nam nên xài xà bông của Việt Nam”.
Thật ra không phải chỉ có người Việt Nam quan tâm đến việc ưu tiên dùng hàng do bà con lao động và doanh nghiệp đất nước mình sản xuất. Ở Hoa Kỳ có “Buy American”, ở Nhật Bản thì có “Buy Japanese”. Các dân tộc khác cũng có tinh thần bảo vệ và nâng cao lợi thế cho hàng hóa nội địa họ sản xuất.
Hàng nội chất lượng vì sao người tiêu dùng vẫn thờ ơ?
Người Việt Nam hiện nay ra nước ngoài sẽ thấy rất nhiều sản phẩm hàng hiệu bày bán sang trọng có nhãn “Made in Vietnam”. Đó là những mặt hàng thời trang gia công tại Việt Nam nhưng sở hữu thuộc về các thương hiệu lớn.
Nhưng để giữ chân người tiêu dùng thì không phải chỉ hàng gia công hay hàng xuất khẩu, mà phải nâng cao chất lượng hàng nội địa. Điều mà nhiều nước trong khu vực đã làm được. Nhiều thương hiệu nội địa của Trung Quốc, Hàn Quốc giá thành rẻ mà chất lượng không thua kém các hãng lớn.
Tuy nhiên, câu chuyện bây giờ không chỉ là vấn đề chất lượng. Hiện nay, Việt Nam đã sản xuất được nhiều mặt hàng tốt không kém gì nước ngoài. Nhưng, cái hàng tốt ấy người tiêu dùng có biết hay không? Hàng tốt rồi khi khâu phân phối bán lẻ thế nào? Sản xuất là một chuyện, bán hàng lại là câu chuyện quan trọng gấp 10 lần sản xuất.
Và sự đổ bộ của hệ thống bán lẻ trực tuyến giá rẻ đang “ép” hàng Việt trên mọi nhẽ. Vừa cả với các nhà sản xuất, vừa cả ở kênh phân phối. Câu chuyện Temu cũng cho thấy việc mua hàng ngoại cũng không hẳn vì tâm lý sính ngoại, mà đối với đại đa số người tiêu dùng thích hàng rẻ, và bắt mắt, không cứ gì nó là nội địa sản xuất hay ngoại nhập, chưa kể lại nhiều chiêu trò khuyến mại.
Trong khi đó, thông tin về hàng Việt Nam lại không được chú trọng khâu quảng bá và phân phối. Các nhà sản xuất Việt Nam ít quan tâm đến lưu thông hàng hóa trên thị trường. Hàng Việt có chỗ thì ế ẩm, có nơi thì không có mà mua. Một mặt khác, hệ thống bán lẻ Việt Nam không đủ mạnh, lại cũng chưa đặt quyền lợi của hàng Việt ở mức độ ưu tiên trong kênh phân phối. Về mặt chính sách cũng chưa tạo ra môi trường thông thoáng cho hàng Việt đến tay người tiêu dùng. Trong khi rõ ràng, lưu thông là vấn đề quyết định để người tiêu dùng yêu thích hàng Việt Nam. Và người tiêu dùng đang rất thiếu thông tin để lựa chọn mua hàng.
Nhất là ở khu vực nông thôn, người tiêu dùng không quan tâm đến thương hiệu, nếu biết thì biết qua quảng cáo trên ti vi, mà quan tâm đến giá cả hàng hóa và thấy phù hợp nhu cầu.
Khoảng hơn 10 năm trước, tinh thần người Việt dùng hàng Việt đã lên khá cao. Ghi nhận bằng sự ra đời của hàng loạt cửa hàng, cửa hiệu, các chuỗi bán lẻ với tên gọi “Made in Việt Nam”. Đã có những thời kỳ người Việt quay lưng với hàng ngoại giá rẻ và chỉ ưa chuộng hàng Việt Nam.
Tuy nhiên, đến giai đoạn hiện nay, bán lẻ trực tuyến đã khiến tinh thần “người Việt dùng hàng Việt” đi xuống. Người tiêu dùng không mặn mà với hàng nội là một sự thật xót xa. Những điều ám ảnh cả người tiêu dùng lẫn kinh doanh là không biết và chẳng quan tâm thế nào là hàng Việt.
Giải pháp nào cho người tiêu dùng yêu hàng Việt Nam?
Muốn người tiêu dùng không thờ ơ với hàng Việt, thâm nhập vào đời sống của người dân, thì các doanh nghiệp bán lẻ, từng người bán lẻ phải hiểu biết về sản phẩm mình giới thiệu, tự tin với những sản phẩm Việt có chất lượng, có giá trị và thích hợp với người tiêu dùng Việt. Theo một chuyên gia kinh tế, nếu một cô nhân viên siêu thị, một anh bán hàng lại giới thiệu với khách là: “Bác ơi, đừng có mua chiếc áo này, cái chăn này, nên mua đồ của Pháp, Mỹ hay của Trung Quốc vừa rẻ, vừa đẹp, mẫu mã bắt mắt luôn". Thế thì chúng ta hỏng luôn cuộc vận động ưu tiên dùng hàng Việt này.
Doanh nghiệp Việt Nam cần có sự liên kết, chia sẻ với nhau, để cùng nhau lớn mạnh, bởi chỉ có đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau, hình thành các chuỗi cung ứng trong nước để chống chọi với các khó khăn từ bên ngoài.
Hội nhập kinh tế đã đem lại bước phát triển rất ngoạn mục. Chưa bao giờ Việt Nam lại có quan hệ thương mại với nhiều nước như thế. Chưa bao giờ người Việt Nam được dùng hàng của nước khác nhiều và phong phú như thế. Cũng chưa bao giờ nhân dân thế giới tiếp cận hàng Việt Nam nhiều như vậy. Đó là sự phát triển vĩ đại. Tuy nhiên, nếu không có sự điều tiết từ chính sách thì sản xuất trong nước và hệ thống bán lẻ nội địa của chúng ta chưa đủ sức cạnh tranh với làn sóng hàng giá rẻ hiện nay.
Giải pháp trước hết phải bắt đầu từ các nhà quản lý. Một điều chắc chắn là nhà nước nào và thời nào cũng phải đánh thuế hàng ngoại nhập. Thuế vừa thu tiền cho ngân khố quốc gia, vừa bảo hộ hàng sản xuất trong nước.
Rồi tiếp đến là vai trò của các doanh nghiệp. Chừng nào hàng Việt Nam chất lượng không tốt, không có giá phải chăng thì dân không mua. Rồi sản xuất hàng tốt vẫn chưa đủ mà còn khâu bán hàng, tổ chức mạng lưới phân phối, tiếp thị sản phẩm đến người tiêu dùng.
Cuối cùng mới đến vận động, thay đổi nhận thức người tiêu dùng. Người tiêu dùng nhiều khi thiếu kiến thức và thông tin nên không biết phân biệt hàng thật với hàng giả, hàng tốt với hàng xấu. Chưa kể các chính sách khuyến mại đang vô cùng hấp dẫn người tiêu dùng.
Có một chuyên gia kinh tế cho rằng ngay cả với khu vực mua sắm và đầu tư công, bản thân các cơ quan nhà nước cần gương mẫu trong việc sử dụng vật tư, hàng hóa sản xuất trong nước, cũng như việc chọn nhà thầu các dự án đầu tư sử dụng vốn nhà nước, các doanh nghiệp và hàng hóa nước ngoài thường được ưu tiên và thắng thầu.
Trong khi đáng lẽ khi đấu thầu mua sắm hàng hóa, chỉ tổ chức đấu thầu quốc tế khi hàng hóa, vật tư, thiết bị trong nước không đáp ứng được yêu cầu của gói thầu, hoặc trong nước chưa đủ khả năng sản xuất, hoặc theo yêu cầu của nhà tài trợ đối với những gói thầu thuộc các dự án sử dụng vốn ODA.
Việt Nam hiện nay cũng đã có nhiều nhà sản xuất có kênh phân phối trải rộng khắp cả nước, đến cả vùng sâu vùng xa như các doanh nghiệp sữa, mỹ phẩm, đồ uống... Hàng made in Việt Nam có chất lượng ổn định, giá bán phải chăng, đa số có quảng cáo trên ti vi thường xuyên, có mạng lưới phân phối rộng khắp và có sự giám sát, chăm sóc, hỗ trợ thương mại tốt.
Tuy nhiên, vẫn phải thấy tính tổ chức và liên kết của các nhà sản xuất và nhà lưu thông yếu. Hiện nay, các siêu thị nước ngoài vào Việt Nam bán đến 90% hàng Việt Nam chứ không phải hoàn toàn hàng nhập ngoại. Nhưng đáng tiếc chính ở các cửa hàng tạp hóa, các chợ cóc trong hẻm phố, chợ xép ở xóm vắng lại không bán được hàng của Việt Nam. Hệ thống sàn bán lẻ trực tuyến của Việt Nam cũng vậy, rất tiếc khi để cho hàng ngoại giá rẻ hoành hành. Và đến giờ khi đến cả kênh phân phối của nước ngoài chi phối, thì đến lượt sàn thương mại điện tử của Việt Nam cũng không còn chiếm được sân nhà.
Tóm lại, thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” là lương tâm, trách nhiệm của nhà quản lý, nhà sản xuất, lưu thông, của người tiêu dùng, của hệ thống truyền thông. Nó không phải chỉ là cuộc vận động chỉ đối với người tiêu dùng, mà cần hành động từ chính sách đến nhà sản xuất và doanh nghiệp bán lẻ.