10 sự kiện kinh tế thế giới nổi bật tuần qua

Giá vàng thế giới tăng mạnh nhất gần hai năm qua, đồng bitcoin tăng giá khoảng 130%, đồng USD áp sát mức cao nhất trong 13 tháng... là trong những sự kiện kinh tế thế giới nổi bật trong tuần qua.

Vàng trang sức được bày bán tại cửa hàng ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: THX/TTXVN

Vàng trang sức được bày bán tại cửa hàng ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: THX/TTXVN

1. Giá vàng thế giới chứng kiến một tuần tăng mạnh nhất trong gần hai năm qua. Cuối phiên 22/11, giá vàng thế giới đã vượt ngưỡng 2.700 USD/ounce, tăng giá hơn 5,7% trong tuần này - mức tăng mạnh nhất kể từ tháng 3/2023. Xu hướng phục hồi của giá vàng được thúc đẩy khi cuộc khủng hoảng Nga-Ukraine ngày càng trầm trọng.

Hình ảnh minh họa đồng tiền điện tử bitcoin. Ảnh: REUTERS/TTXVN

Hình ảnh minh họa đồng tiền điện tử bitcoin. Ảnh: REUTERS/TTXVN

2. Đồng bitcoin tăng giá khoảng 130% tính từ đầu năm tới nay. Đồng bitcoin đã chạm mức cao kỷ lục mới trong phiên ngày 22/11, hướng tới mốc 100.000 USD, trong bối cảnh thị trường tiền điện tử được dự báo sẽ thuận lợi hơn dưới thời chính quyền của ông Donald Trump.

Đồng 100 USD. Ảnh: AFP/TTXVN

Đồng 100 USD. Ảnh: AFP/TTXVN

3. Đồng USD áp sát mức cao nhất trong 13 tháng tại phiên 22/11. Đồng USD đã tăng giá khoảng 3% tính từ đầu tháng này, nhờ kỳ vọng rằng các chính sách của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump có thể làm tăng lạm phát và hạn chế khả năng hạ lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).

Giàn khoan dầu tại Luling, Texas, Mỹ. Ảnh: THX/TTXVN

Giàn khoan dầu tại Luling, Texas, Mỹ. Ảnh: THX/TTXVN

4. Giá dầu chạm đỉnh của hai tuần, giữa bối cảnh xung đột Nga-Ukraine leo thang. Phiên 22/11, giá dầu Brent Biển Bắc tăng 94 xu Mỹ (1,3%) lên 75,17 USD/thùng, trong khi giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) cũng tăng 1,14 USD (1,6%) lên 71,24 USD/thùng. Ngân hàng Goldman Sachs dự báo giá dầu Brent sẽ duy trì quanh ngưỡng 70-85 USD/thùng trong những tháng tới.

Một cơ sở khai thác khí đốt ở gần thành phố Novy Urengoi, Nga. Ảnh: Getty Images/TTXVN

Một cơ sở khai thác khí đốt ở gần thành phố Novy Urengoi, Nga. Ảnh: Getty Images/TTXVN

5. Nga trở lại vị trí nhà cung cấp khí đốt chính cho Liên minh châu Âu (EU) sau hai năm. Tháng 9/2024 ghi dấu lần đầu tiên kể từ năm 2022, Nga trở lại vị trí nhà cung cấp khí đốt chính cho EU. Theo Cơ quan Thống kê châu Âu, trong tháng 9/2024, các công ty châu Âu đã mua khí đốt trị giá 1,4 tỷ euro (1,47 tỷ USD) từ Nga.

Giá trị thị trường của tập đoàn Adani do tỷ phú Gautam Adani kiểm soát "bốc hơi" hơn 20 tỷ USD. Ảnh: A.N/BNEWS

Giá trị thị trường của tập đoàn Adani do tỷ phú Gautam Adani kiểm soát "bốc hơi" hơn 20 tỷ USD. Ảnh: A.N/BNEWS

6. Giá trị thị trường của tập đoàn hàng đầu châu Á "bốc hơi" hơn 20 tỷ USD. Giá trị thị trường của tập đoàn Adani do tỷ phú Ấn Độ Gautam Adani kiểm soát đã giảm hơn 20 tỷ USD, sau khi các cáo buộc hối lộ của Mỹ nhằm vào ông Gautam Adani đã khiến giá cổ phiếu của các doanh nghiệp trong tập đoàn lao dốc.

Gạo Nhật Bản được bày bán tại siêu thị. Ảnh: Kyodo/TTXVN

Gạo Nhật Bản được bày bán tại siêu thị. Ảnh: Kyodo/TTXVN

7. Giá gạo Nhật Bản thiết lập kỷ lục mới. Số liệu mới nhất do Chính phủ Nhật Bản công bố cho thấy giá gạo Nhật Bản dành cho các nhà bán buôn trong tháng 10/2024 đã đạt mức cao kỷ lục, chủ yếu do chi phí sản xuất tăng. Giá gạo mới thu hoạch trung bình ở mức khoảng 23.820 yen (153,8 USD) cho mỗi bao 60 kg, tăng 57% so với cùng kỳ năm ngoái.

Các đại biểu chụp ảnh chung tại Hội nghị lần thứ 29 các bên tham gia Công ước khung của LHQ về biến đổi khí hậu (COP29) ở Baku, Azerbaijan ngày 12/11/2024. Ảnh: THX/TTXVN

Các đại biểu chụp ảnh chung tại Hội nghị lần thứ 29 các bên tham gia Công ước khung của LHQ về biến đổi khí hậu (COP29) ở Baku, Azerbaijan ngày 12/11/2024. Ảnh: THX/TTXVN

8. Nỗ lực loại bỏ điện than đạt được bước tiến mới. Ngày 20/11, tại Hội nghị lần thứ 29 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP29), 25 quốc gia đã cam kết không xây dựng thêm nhà máy điện than nếu không có biện pháp kiểm soát khí thải. Tuy nhiên, nhiều quốc gia sản xuất điện than lớn nhất thế giới - bao gồm Trung Quốc, Ấn Độ và Mỹ - đã không ký vào "lời kêu gọi hành động" được đưa ra tại COP29.

Biểu tượng của công ty sản xuất pin Northvolt. Ảnh: Reuters

Biểu tượng của công ty sản xuất pin Northvolt. Ảnh: Reuters

9. "Siêu nhà máy" pin của châu Âu nộp đơn xin phá sản. Northvolt, nhà sản xuất pin xe điện của Thụy Điển, đã nộp đơn xin bảo hộ phá sản theo Chương 11 tại Mỹ. Tổng số nợ của công ty lên tới 5,8 tỷ USD. Lực lượng lao động của Northvolt vào khoảng 6.600 nhân viên tại 7 quốc gia.

Các công ty AI ở châu Âu đã huy động được 10,7 tỷ USD tính đến ngày 30/9/2024. Ảnh minh họa: TTXVN

Các công ty AI ở châu Âu đã huy động được 10,7 tỷ USD tính đến ngày 30/9/2024. Ảnh minh họa: TTXVN

10. Vốn đầu tư cho các công ty khởi nghiệp trí tuệ nhân tạo (AI) tại châu Âu đạt mức cao kỷ lục trong năm 2024. Tuy nhiên, con số này vẫn chưa bằng một phần tư so với Mỹ. Theo báo cáo của công ty đầu tư mạo hiểm Atomico, các công ty AI ở châu Âu đã huy động được 10,7 tỷ USD tính đến ngày 30/9/2024, tăng 52% so với năm 2023.

Hương Giang/TTXVN(Tổng hợp)

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/10-su-kien-kinh-te-the-gioi-noi-bat-tuan-qua/354384.html
Zalo