Người uy tín góp sức xây dựng quê hương
Với những đóng góp âm thầm, bền bỉ, đội ngũ già làng, người uy tín trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã góp sức xây dựng cộng đồng đoàn kết, vững mạnh, ngày càng khởi sắc.

Già Hmrik (bìa phải) trò chuyện cùng ông R'Cơm Hmyơk cũng là người có uy tín của làng Ia Nueng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku. Ảnh: A.H
Hình ảnh già Hmrik cầm chiếc điện thoại smartphone lướt mạng xã hội không còn xa lạ với người dân làng Ia Nueng (xã Biển Hồ, TP. Pleiku). Không muốn tụt hậu trong thời đại công nghệ số, già Hmrik đã chủ động tìm tòi, học hỏi. Nhờ vậy, ông có thêm một kênh để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân; đồng thời, qua đó kịp thời tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với bà con. Vì luôn tận tâm, trách nhiệm với cộng đồng nên lúc nào già Hmrik cũng nhận được sự kính trọng từ dân làng.
Bước sang tuổi 77, già Hmrik vẫn giữ thói quen rảo bước quanh làng mỗi ngày. Trên những con đường bê tông phẳng lì, ông lặng lẽ quan sát, lắng nghe để hiểu thêm cuộc sống của từng gia đình. Gần 20 năm qua, ông đã góp phần quan trọng vào những đổi thay tích cực của ngôi làng có gần 98% dân cư là người Jrai. Làng có 225 hộ dân, đến nay chỉ còn 1 hộ cận nghèo.
Đặc biệt, với những lợi thế sẵn có về cảnh quan và bản sắc văn hóa truyền thống, Ia Nueng được UBND TP. Pleiku lựa chọn để triển khai thực hiện Đề án xây dựng làng văn hóa du lịch cộng đồng. Phát huy vai trò hạt nhân đoàn kết, già Hmrik vận động người dân cùng chung tay bảo tồn và giới thiệu bản sắc văn hóa truyền thống đến với du khách gần xa. Cuối năm 2024, Ia Nueng chính thức được công nhận là làng văn hóa du lịch cộng đồng.

Già Puih Hin (làng Tang, xã Ia Chía, huyện Ia Grai) dù mang trong mình di chứng của bệnh phong song vẫn tích cực trong lao động sản xuất. Ảnh: A.H
Tại xã biên giới Ia Pnôn (huyện Đức Cơ), già Rơ Mah En (làng Chan) cũng ghi dấu ấn bằng việc tích cực phối hợp cùng lực lượng chức năng trong việc giữ gìn an ninh trật tự, bảo vệ đường biên cột mốc, góp phần giữ vững chủ quyền biên giới quốc gia.
Trước mỗi buổi họp dân, già En luôn cẩn thận sắp xếp từng nội dung cần truyền đạt, từ việc tuyên truyền, vận động bà con tập trung phát triển sản xuất, nuôi dạy con cái đến giữ gìn an ninh trật tự trong làng, rộng hơn là bảo vệ bình yên biên giới. Đặc biệt, ông luôn dành thời gian để phân tích, vạch trần âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, giúp bà con nâng cao cảnh giác, không nghe theo lời xúi giục, chia rẽ khối đại đoàn kết.
“Làng Chan có 2 hộ dân làm nương rẫy sát đường biên. Mình thường xuyên vận động các hộ không cơi nới, lấn chiếm và trong quá trình canh tác phải luôn nêu cao tinh thần cảnh giác, góp phần bảo vệ vững chắc đường biên, mốc giới”-ông En cho hay.
Bên cạnh đó, ông En còn tuyên truyền, vận động người dân tích cực hưởng ứng phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa; thực hiện nếp sống văn hóa mới trong việc cưới, việc tang, lễ hội phù hợp với điều kiện kinh tế và các quy định của pháp luật; phát huy truyền thống đại đoàn kết các dân tộc...
Năm 2024, ông En là 1 trong 6 già làng, người uy tín tiêu biểu khu vực biên giới của tỉnh được tôn vinh là “điểm tựa của bản làng”. Chương trình do Bộ Biên tập Tạp chí Cộng sản, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng phối hợp tổ chức nhằm tôn vinh người có uy tín tiêu biểu khu vực biên giới, hải đảo.

Ông Rơ Mah En (làng Chan, xã Ia Pnôn, huyện Đức Cơ) trao đổi công việc với cán bộ Đồn Biên phòng Ia Pnôn. Ảnh: A.H
Ở làng Tang (xã Ia Chía, huyện Ia Grai), già Puih Hin dù mang trong mình di chứng của bệnh phong nhưng vẫn tích cực lao động sản xuất, trở thành tấm gương sáng cho cộng đồng noi theo. Ông tự tay chăm sóc 400 cây cà phê sau nhà, duy trì năng suất ổn định; đồng thời dành nhiều thời gian tuyên truyền, vận động người dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong sản xuất nông nghiệp và chăn nuôi bò.
Theo đó, ông hướng dẫn bà con đưa giống cà phê, điều mới năng suất cao vào trồng thay giống cũ, áp dụng kỹ thuật chăm sóc, tưới nước, bón phân hợp lý để tăng hiệu quả kinh tế. Trong chăn nuôi, ông cũng vận động bà con từ bỏ tập quán thả rông bò, chuyển sang nuôi nhốt, chủ động làm chuồng trại, dự trữ thức ăn. Nhờ vậy, đàn gia súc khỏe mạnh, ít dịch bệnh, mang lại thu nhập ổn định hơn cho người dân.
Không dừng lại ở đó, ông còn khuyến khích thanh niên trong làng đi làm công nhân ở các khu công nghiệp để có thêm thu nhập, từng bước nâng cao đời sống gia đình. Đặc biệt, ông luôn nhắc nhở bà con giữ gìn tình làng nghĩa xóm, sống đoàn kết. Mỗi khi trong làng xảy ra mâu thuẫn, ông đều đứng ra hòa giải hợp tình, hợp lý. Những việc làm thiết thực của già Hin đã góp phần quan trọng vào việc nâng cao đời sống và giữ gìn đoàn kết trong cộng đồng.
Theo thống kê, toàn tỉnh có 967 già làng, người uy tín trong cộng đồng. Họ là biểu tượng cho sự kiên trì, bền bỉ, giàu lòng yêu thương. Bằng uy tín, trách nhiệm và sự nêu gương, đội ngũ già làng, người uy tín đã có những đóng góp quan trọng trong việc củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc; tạo chuyển biến trong nếp nghĩ, cách làm của cộng đồng; thúc đẩy các phong trào, cuộc vận động tại địa phương đi vào cuộc sống, tạo sức lan tỏa sâu rộng.
Nhằm phát huy vai trò nòng cốt của già làng, người uy tín, thời gian qua, các cấp, ngành và địa phương đã thực hiện có hiệu quả các chế độ, chính sách hỗ trợ; đồng thời động viên, khen thưởng kịp thời những cá nhân có đóng góp thiết thực. Các cấp, ngành cũng quan tâm đến công tác tập huấn, bồi dưỡng, phổ biến pháp luật, tạo điều kiện để đội ngũ này nâng cao năng lực, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ và niềm tin mà cộng đồng gửi gắm.
Trao đổi với P.V, ông Siu Trung-Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh-cho biết: Mặt trận các cấp tiếp tục phối hợp trong việc chăm lo xây dựng và phát huy vai trò già làng, người uy tín; đảm bảo các chế độ, chính sách chu đáo, kịp thời; cung cấp và định hướng thông tin giúp họ nắm bắt, tuyên truyền sâu rộng trong Nhân dân. Đồng thời, tiếp tục khuyến khích, tạo điều kiện để đội ngũ này tham gia vào công tác giám sát, phản biện xã hội và đóng góp ý kiến xây dựng các chương trình phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.
Mặt khác, Mặt trận cũng tiếp tục phối hợp nghiên cứu, tham mưu, đề xuất các chế độ, chính sách phù hợp nhằm phát huy tối đa vai trò của đội ngũ này trong việc đồng hành cùng địa phương xây dựng Đảng, chính quyền và củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc.