Không để gián đoạn công việc khi tiến hành sáp nhập cấp tỉnh, xã ở Tuyên Quang

Thực hiện quyết định hợp nhất hai tỉnh Hà Giang và Tuyên Quang lấy tên là tỉnh Tuyên Quang. Hiện, tỉnh Tuyên Quang đang gấp rút tiến hành các công việc nhằm đáp ứng các yêu cầu tiêu chí Trung ương đã đặt ra.

Phóng viên VOV đã có cuộc phỏng vấn Bí thư tỉnh ủy Tuyên Quang Hà Thị Nga về nội dung này.

PV: Thưa bà, tới đây 2 tỉnh Hà Giang và Tuyên Quang sẽ tiến hành sáp nhập, dự kiến sau sắp xếp, Hà Giang từ 193 đơn vị hành chính cấp xã giảm còn 74 đơn vị, trong đó, có 2 phường và 72 xã, đạt tỷ lệ giảm 61,66%. Tỉnh Tuyên Quang từ 137 sẽ còn 52 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 47 xã và 5 phường, đạt tỷ lệ giảm trên 62%. Thực hiện Nghị quyết 18, sau sáp nhập chỉ còn chính quyền 2 cấp, cấp tỉnh và cấp xã. Vậy tỉnh Tuyên Quang đã có kế hoạch như thế nào để đảm bảo vừa sắp xếp tinh gọn bộ máy nhưng vẫn đảm bảo công việc được thông suốt, hiệu quả?

Bà Hà Thị Nga: Chủ trương thực hiện sắp xếp, tinh gọn bộ máy, đặc biệt là tổ chức chính quyền 2 cấp đã nhận được sự đồng thuận của cán bộ đảng viên, đặc biệt là của nhân dân với mong muốn hướng tới phục vụ người dân tốt hơn.

Trong thời gian vừa qua, trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang, chúng tôi phải tăng cường công tác tuyên truyền để tạo sự đồng thuận, nâng cao cho người dân và cả cho cán bộ ở tất cả các cấp. Cùng với đó một mặt tiếp tục sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã theo chủ trương của Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Mặt khác, chúng tôi cũng tiếp tục động viên, khích lệ đội ngũ cán bộ. Bởi trong quá trình sắp xếp thì chắc chắn sẽ có những tác động về mặt tư tưởng, tâm lý của cán bộ. Mặc dù vừa thực hiện việc tinh gọn, sắp xếp bộ máy nhưng anh em cán bộ vẫn vững tin, yên tâm công tác.

Có thể nói, đến giờ phút này, các cấp, các ngành, đặc biệt là các cơ quan tham mưu, giúp việc cho tỉnh và các sở, ngành của tỉnh đang rất nỗ lực xây dựng các kế hoạch rất cụ thể cho việc sắp xếp, bố trí đội ngũ cán bộ. Với một tinh thần như vậy cán bộ, đảng viên, nhân dân và doanh nghiệp của Tuyên Quang thì đang rất kỳ vọng vào một chính quyền phục vụ người dân, doanh nghiệp tốt hơn, hiệu hơn.

Bà Hà Thị Nga, Bí thư Tỉnh ủy Tuyên Quang

Bà Hà Thị Nga, Bí thư Tỉnh ủy Tuyên Quang

PV: Như bà vừa chia sẻ, công việc tinh gọn bộ máy, sẽ có những tác động về mặt tư tưởng, tâm lý của cán bộ, vậy thưa bà, tới đây, việc sắp xếp tổ chức bộ máy; bố trí cán bộ, công chức, viên chức, người lao động 2 tỉnh Tuyên Quang và tỉnh Hà Giang sẽ không tránh khỏi những khó khăn, vướng mắc. Bài toán này đã được lãnh đạo tỉnh Hà Giang thực hiện như nào để đảm bảo phù hợp với thực tiễn, hợp với lòng dân, thưa bà?

Bà Hà Thị Nga: Việc thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính, có thể nói đứng trước nhiều thách thức. Trước hết, làm sao để đội ngũ cán bộ yên tâm công tác, về mặt tư tưởng là phải thông.

Việc này, trong thời gian vừa qua rất nỗ lực trong việc nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của đội ngũ cán bộ, đồng thời chủ động trong việc rà soát đội ngũ cán bộ để chuẩn bị cho một bước bố trí cán bộ phù hợp nhất để họ có thể phát huy tốt năng lực, sở trường, trình độ chuyên môn được đào tạo.

Chúng tôi đã phối hợp với tỉnh Hà Giang, hiện chúng tôi đã thành lập Ban chỉ đạo có sự tham gia lãnh đạo của các cơ quan ban ngành của 2 tỉnh, thành lập 5 tổ giúp việc sẽ trực tiếp tham mưu từng nội dung một như xây dựng đề án, nhân sự, cơ sở vật chất, đảm bảo an ninh trật tự, về tuyên truyền . Các tổ công tác đã bắt đầu hoạt động. Chúng tôi đã tổ chức cuộc họp làm việc giữa 2 Ban Thường vụ, công việc của Ban chỉ đạo để thống nhất các công việc chúng tôi phải làm. Mặc dù trong khoảng thời gian ngắn nhưng 2 tỉnh đã phối hợp với nhau hết sức trách nhiệm, nhịp nhàng. Đến thời điểm này, chúng tôi thấy đề án hợp nhất 2 tỉnh cơ bản đã hoàn thiện. Việc lấy ý kiến nhân dân về sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã cũng như chủ trương của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về hợp nhất 2 tỉnh Hà Giang và Tuyên Quang thành tỉnh Tuyên Quang mới, có thể nói rất nhiều khó khăn trước mắt nhưng chúng tôi tin với sự chỉ đạo kịp thời của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, sự cố gắng nỗ lực và nhận thức vai trò, trách nhiệm của cấp ủy chính quyền, các ngành các cấp trong cả tỉnh thì chúng tôi nghĩ, chủ trương này, cuộc cách mạng này chắc chắn sẽ được thực hiện một cách tốt nhất.

PV: Một trong những vấn đề được Tổng bí thư Tô Lâm đã nhiều lần nhấn mạnh là không để lãng phí tài sản, trụ sở dôi dư sau sáp nhập. Vậy Tuyên Quang đã thực hiện chủ trường này như thế nào thưa bà?

Bà Hà Thị Nga: Tỉnh Tuyên Quang tới đây sẽ trở thành trung tâm của tỉnh Tuyên Quang khi hợp nhất 2 tỉnh là Hà Giang và Tuyên Quang, một số lượng hàng ngàn cán bộ từ Hà Giang chuyển về thì chắc chắn là điều kiện làm việc, nơi ăn chốn ở giai đoạn đầu sẽ có những khó khăn.

Để khắc phục việc này, chúng tôi đã thực hiện ra soát toàn bộ hệ thống trụ sở, các cơ sở vật chất khác, chủ động xây dựng, lên kế hoạch cụ thể để sắp xếp, bố trí cơ quan làm việc khi có cả cán bộ của Hà Giang về, sắp xếp như thế nào cho thật hợp lý, kể cả nơi làm việc, nơi ăn nghỉ để cán bộ yên tâm nhất trong thực hiện nhiệm vụ.

Đồng thời, việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã trong thời gian tới sẽ dôi dư nhiều công trình trụ sở, cơ sở vật chất. Hiện chúng tôi cũng đang chủ động rà soát và xây dựng kế hoạch cụ thể để tới đây sử dụng lại các trụ sở làm việc này như thế nào để không lãng phí và vẫn phát huy được công năng sử dụng trong các hoạt động của cộng đồng. Hiện chúng tôi có hướng là có những công trình chúng tôi tiếp tục mở rộng cho các cơ sở giáo dục hoặc trở thành các nhà sinh hoạt cộng đồng, những nơi nào phù hợp với địa giới hành chính của các xã và nhu cầu sử dụng của công an xã chẳng hạn thì chúng tôi sẽ phục vụ cho các nhiệm vụ về an ninh, quốc phòng.

Việc sắp xếp thế nào để hiệu quả nhất trong việc sử dụng tài sản công là một trong những nhiệm vụ rất quan trọng trong thời gian tới để làm sao có thể sử dụng một cách hiệu quả, không gây lãng phí tài sản công từ việc chúng ta sắp xếp đơn vị hành chính.

PV: Việc hợp nhất các đơn vị cấp xã, nhất là địa bàn xã miền núi đất rộng, người thưa và địa hình phức tạp sẽ gặp không ít khó khăn. Vậy, tỉnh Tuyên Quang đã có cách làm như thế nào để tạo sự đồng thuận trong nhân dân, nhất là các dân tộc miền núi về chủ trương này?

Bà Hà Thị Nga: Hà Giang và Tuyên Quang có tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số rất cao. Chúng tôi rất tự hào vì Tuyên Quang là vùng đất có truyền thống cách mạng lâu đời. Thời gian vừa qua, bên cạnh việc các cơ quan truyền thông của tỉnh, các cơ quan tuyên giáo từ tỉnh đến xã đã rất nỗ lực, tích cực trong việc tuyên truyền, giới thiệu, phổ biến về những chủ trương lớn của Đảng. Chúng tôi rất phấn khởi khi cán bộ đảng viên, đặc biệt là nhân dân, trong đó thì có đồng bào các dân tộc thiểu số đều hiểu được những nội dung rất cốt lõi và cơ bản của chủ trương, cuộc cách mạng về sắp xếp tinh gọn bộ máy.

Trong thời gian tới, chúng tôi tiếp tục tăng cường, các kênh sóng của Đài PT-TH tỉnh sẽ tiếp tục tăng thời lượng chương trình phát thanh bằng tiếng dân tộc, phát huy vai trò của các đồng chí Bí thư chi bộ, trưởng thôn, tổ trưởng dân phố hay trưởng ban công tác mặt trận, các tổ chức xã hội như Mặt trận tổ quốc, các tổ chức đoàn thể cùng nhau thực hiện nhiệm vụ là ở cấp nào thì tuyên truyền ở cấp đó, ngành nào tuyên truyền ở ngành đó. Các đoàn thể tích cực tuyên truyền để nâng cao nhận thức cho đoàn viên, hội viên của mình.

Bên cạnh đó thì chúng tôi cũng phát huy vai trò của những người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số, những chức sắc trong tôn giáo để làm sao chủ trương của Đảng được phổ biến và được đông đảo người dân, trong đó có đồng bào các dân tộc thiểu số có nhận thức và hiểu biết cơ bản nhất về những chủ trương hết sức quan trọng của cuộc cách mạng của Đảng và Nhà nước ta về thực hiện sắp xếp, tinh gọn bộ máy.

PV: Vâng, xin trân trọng cảm ơn bà!

Kim Thanh VOV1

Nguồn VOV: https://vov.vn/chinh-tri/khong-de-gian-doan-cong-viec-khi-tien-hanh-sap-nhap-cap-tinh-xa-o-tuyen-quang-post1194485.vov
Zalo