Người trưởng thôn vượt qua nỗi sợ hãi cứu sống cả trăm con người

'Với tôi, sống đẹp là không ngần ngại vượt qua nỗi sợ của bản thân để làm việc tốt, giúp đỡ người khác' - đó là chia sẻ của anh Ma Seo Chứ, Trưởng thôn Kho Vàng, xã Cốc Lầu, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai - người đã giúp đỡ 115 người lánh nạn trên núi, tránh được vụ sạt lở đất chết người do ảnh hưởng của hoàn lưu siêu bão Yagi (cơn bão số 3).

Nỗi ám ảnh siêu bão Yagi

Bão số 3 (siêu bão Yagi) tràn vào miền Bắc Việt Nam (đầu tháng 9-2024) đã gây ra sự tàn phá khủng khiếp chưa từng thấy. Các vùng tâm bão đi qua như Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội… bị thiệt hại rất lớn về người và tài sản. Đặc biệt, hoàn lưu của bão số 3 đã gây mưa lớn tại các tỉnh như Hòa Bình, Yên Bái, Lào Cai, Hà Giang… dẫn tới sạt lở đất, lũ quét nghiêm trọng, cuốn trôi hàng trăm căn nhà, tuyến đường, quốc lộ; hàng trăm người chết và mất tích. Trong đó, lũ quét đã san phẳng thôn Làng Nủ tại tỉnh Lào Cai dẫn tới cảnh tang thương chưa từng thấy... Những thiệt hại về vật chất có thể khắc phục được phần nào nhưng mất mát về con người thì không gì có thể bù đắp được. Nó sẽ trở thành nỗi đau, nỗi ám ảnh lâu dài cho người còn sống sót.

Rất nhiều những câu chuyện đau thương trong siêu bão Yagi được tuyên truyền rộng rãi trên các kênh truyền thông, báo chí, mạng xã hội, thu hút sự quan tâm đặc biệt của người dân, trong đó, câu chuyện về gương một Trưởng thôn đưa ra quyết định “táo tạo” khi đưa hàng trăm người lên núi tránh sạt lở đất khiến nhiều người cảm động, nể phục - đó chính là anh MaSeo Chứ (33 tuổi), Trưởng thôn Kho Vàng, xã Cốc Lầu, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai.

Lực lượng Công an xã và chính quyền địa phương tìm thấy anh Ma Seo Chứ và người dân trong thôn còn sống trên núi

Lực lượng Công an xã và chính quyền địa phương tìm thấy anh Ma Seo Chứ và người dân trong thôn còn sống trên núi

Linh cảm của người cán bộ trẻ

Chia sẻ lại câu chuyện, anh Ma Seo Chứ nhớ lại, sáng 9-9-2024, tại khu vực anh đang sinh sống liên tục xảy ra mưa lớn. Anh và một vài người rất sốt ruột nên đi kiểm tra khu vực đồi phía sau và phát hiện vết nứt khoảng 20cm, cả quả đồi có nguy cơ bị sạt xuống. Nếu xảy ra sạt lở, cả thôn bản sẽ bị vùi lấp. Nhận thấy nguy hiểm rình rập, anh Chứ bàn với anh em đi cùng tìm một quả đồi hoặc núi có vị trí cao hơn, an toàn hơn, sau đó quay về vận động bà con trong thôn di dời.

“Khoảng 8h30 sáng cùng ngày, tôi gọi điện để báo cáo Ủy ban xã Cốc Lầu về tình hình sau khi phát hiện vết nứt nhưng điện thoại bị mất sóng không liên lạc được. Đến 9h, mưa như trút nước, không có dấu hiệu giảm, tôi liền quyết định di tản toàn bộ 17 hộ dân với 115 người trong thôn lên một quả núi cao cách đó 1km. Việc di tản diễn ra rất nhanh do người dân trong thôn đã được tuyên truyền trước đó và đều đồng tình ủng hộ với phương án của tôi” - anh Ma Seo Chứ kể lại.

Ngay trong sáng 9-9, toàn bộ dân được di tản đến nơi an toàn. Tại đây, Trưởng thôn Ma Seo Chứ cùng các thanh niên khỏe mạnh dựng 14 chiếc lán, được che chắn bằng bạt và lá; phụ nữ và trẻ em có nhiệm vụ dọn dẹp và nấu ăn. Sáng hôm sau, anh cử một số người quay về nhà lấy gạo để bà con lánh nạn có đồ ăn cầm cự.

Anh Ma Seo Chứ cho biết thêm, ngay phía dưới khu dân cư anh ở khoảng 4km, là một khu dân cư khác cùng thôn. Do khu dân cư này nằm sát bờ sông Chảy, đường đi bị sạt lở nghiêm trọng, lại không có sóng điện thoại nên anh không thể tiếp cận và thông báo về kế hoạch di dời của mình cho bà con. Đến ngày 10-9, nước lũ đổ về gây sạt lở, làm thay đổi dòng chảy rồi tràn vào khu dân cư này làm 3 người mất tích, 3 người bị thương; lũ cuốn trôi hoàn toàn 7 ngôi nhà. Điều này khiến anh Chứ day dứt và đau xót vô cùng.

Hình ảnh người dân làm lán lánh nạn trên núi

Hình ảnh người dân làm lán lánh nạn trên núi

Sống đẹp là không ngần ngại vượt qua nỗi sợ

Ngày 10-9, chính quyền xã Cốc Lầu nhận được thông tin thôn Kho Vàng xảy ra sạt lở khiến nhiều người mất tích. Ông Nguyễn Văn Tuấn, Chủ tịch UBND xã tìm mọi cách liên hệ với Trưởng thôn Kho Vàng nhưng “bặt vô âm tín”. Đến ngày 11-9, chính quyền địa phương mới tìm thấy 115 người dân đang trú trên núi.

“Khi cán bộ Công an xã và chính quyền tìm thấy người dân còn sống trên núi, ai cũng mừng rỡ và nói cứ tưởng cả thôn đã bị lũ cuốn, sạt lở mất tích rồi. Ngay sau đó, chúng tôi được lệnh tiếp tục cho người dân tạm ổn định cuộc sống trên núi đến khi có thông báo an toàn mới đưa dân trở về. Chính quyền xã đã cử lực lượng vận chuyển lương thực lên hỗ trợ người dân” - anh Ma Seo Chứ kể lại.

Ông Nguyễn Văn Tuấn, Chủ tịch UBND xã Cốc Lầu cho biết, hoàn toàn bất ngờ trước quyết định của anh Ma Seo Chứ. Ông Tuấn cũng khẳng định, đây là quyết định táo bạo, nhanh nhạy trong hoàn cảnh thiên tai “ngàn cân treo sợi tóc” bởi sạt lở, lũ quét có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Đây là việc làm rất đáng biểu dương của Trưởng thôn Ma Seo Chứ. Hành động của anh Ma Seo Chứ đã được Huyện ủy Bắc Hà, tỉnh Lào Cai đề xuất tỉnh khen thưởng. Anh cũng đã trở thành 1 trong 20 tấm gương thanh niên được Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam trao giải thưởng “Thanh niên sống đẹp” vào tháng 10-2024.

Tại buổi tuyên dương, anh Ma Seo Chứ chia sẻ: “Với tôi, sống đẹp là không ngần ngại vượt qua nỗi sợ của bản thân để làm việc tốt, giúp đỡ người khác. Bản thân anh cũng bất ngờ khi được ghi nhận và cộng đồng biết đến bởi anh cho rằng, việc làm đó là nhiệm vụ, trách nhiệm của anh với người dân, với xã hội”.

Phương Hà

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/nguoi-truong-thon-vuot-qua-noi-so-hai-cuu-song-ca-tram-con-nguoi-post601697.antd
Zalo