8 đường sắt liên vùng sẽ thay đổi bộ mặt hạ tầng của TP HCM
Trong bức tranh tổng thể quy hoạch đô thị, những tuyến đường sắt không chỉ là giải pháp giao thông chiến lược, mà còn là động lực định hình tương lai hạ tầng và không gian đô thị.
Nếu như metro đại diện cho giao thông nội đô, thì các tuyến đường sắt liên vùng và quốc gia chính là "huyết mạch" mới, đưa TP HCM vượt ra khỏi ranh giới của một đô thị lớn để trở thành trung tâm kết nối kinh tế toàn khu vực phía nam và quốc gia.
Những dự án đường sắt liên vùng không chỉ đơn thuần là các hành lang vận tải mà còn là chìa khóa để kết nối đô thị vệ tinh, khu công nghiệp, cảng biển, và các tỉnh thành lân cận.
Khi hoàn thiện, những tuyến đường này sẽ góp phần tái cấu trúc toàn bộ mạng lưới giao thông, đưa TP HCM thành trung tâm logistic hiện đại, giảm chi phí vận tải và thời gian lưu thông hàng hóa, đồng thời tạo điều kiện cho các khu vực lân cận bứt phá.
Theo quy hoạch, dự kiến trong thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, TP HCM sẽ có 8 tuyến đường sắt liên vùng đi qua địa bàn được nâng cấp, xây mới. Trong đó, ga đầu mối hàng hóa là ga Tân Kiên, ga An Bình; ga đầu mối hành khách là ga Bình Triệu, Thủ Thiêm, Tân Kiên.
Đầu tiên là tuyến đường sắt Bắc - Nam hiện hữu sẽ được nâng cấp, hiện đại hóa đạt tiêu chuẩn đường sắt từ cấp I, đường đôi, khổ 1.000 mm, vận tốc bình quân đạt 80 - 90 km/h với tàu khách và 50 - 60 km/h đối với tàu hàng.
Tuyến đường sắt này bao gồmđoạn Trảng Bom - Hòa Hưngsẽ xây dựng mới tuyến tránh TP Biên Hòa về phía Nam và đoạn Bình Triệu - Hòa Hưng thành đường sắt trên cao, chiều dài khoảng 41 km.
Tuyến Trảng Bom - Hòa Hưng có đoạn tuyến từ Trảng Bom đến Phước Tân, tuyến đi song song với tuyến đường tránh TP Biên Hòa; đoạn tuyến từ Phước Tân về Dĩ An, tuyến cắt qua QL 51 rồi về ga Biên Hòa mới, đi tiếp bên trái và song song QL 51 về phía TP HCM vượt qua sông Đồng Nai tại vị trí cách cầu đường bộ Đồng Nai hiện tại 30 m về phía hạ lưu.
Tuyến sau đó tiếp tục đi song song với xa lộ Hà Nội, rẽ phải vượt qua xa lộ Hà Nội, sau đó đi song song về bên phải tỉnh lộ 743 đến Km1703+500 tuyến rẽ trái và cắt qua ĐT 743 về ga Dĩ An.
Đoạn tuyến từ ga Dĩ An về ga Sài Gòn tuyến đi theo hướng tuyến của đường sắt Hà Nội - TP HCM. Chiều dài tuyến từ ga Phước Tân đến ga Hòa Hưng (TP HCM) là hơn 39 km.
Tiếp đến là tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, đoạn qua địa bàn thành phố có chiều dài khoảng 13 km. Hướng tuyến sau khi vượt sông Đồng Nai về phía hạ lưu cầu Long Thành của cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây, tuyến đi vào địa phận TP HCM.
Tuyến dự kiến sẽ chạy qua các nút giao vành đai 3, đường Nguyễn Duy Trinh, đường Vành đai 2, đường Đỗ Xuân Hợp, nút giao An Phú và về ga Thủ Thiêm.
Từ ga Thủ Thiêm, tuyến đi song song về bên phải cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây, sau đó chạy song song bên phải tuyến cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết, kết thúc tại ga Nha Trang (Khánh Hòa).
Chiều dài toàn tuyến là 370 km, đường sắt đôi, khổ 1435 mm, đường sắt tốc độ trên 300 km/h, điện khí hóa. Cùng với đó, kết nối đường sắt TP HCM - Cần Thơ thông qua đoạn tuyến trên cao dọc đường Nguyễn Văn Linh. Đoạn này được dự kiến khởi công vào năm 2027.
Nói thêm về tổng thể tuyến đường sắt cao tốc Bắc - Nam, tuyến bắt đầu tại TP Hà Nội (ga Ngọc Hồi) và kết thúc tại TP HCM (ga Thủ Thiêm), đi qua địa phận 20 tỉnh, thành phố; chiều dài tuyến khoảng 1.541 km.
Về quy mô đầu tư của dự án, xây dựng mới tuyến đường sắt đôi, khổ 1.435 mm, điện khí hóa, tốc độ thiết kế 350 km/h. Sơ bộ tổng mức đầu tư của dự án khoảng 1.713.548 tỷ đồng. Dự kiến hoàn thành toàn tuyến vào năm 2037.
Tuyến đường sắt TP HCM - Mỹ Tho - Cần Thơ do Ban Quản lý dự án đường sắt (Bộ GTVT) làm chủ đầu tư. Sơ bộ tổng mức đầu tư của dự án khoảng 220.000 tỷ đồng (khoảng 9,3 tỷ USD).
Tuyến đường sắt có điểm đầu tại ga An Bình (phường An Bình, TP Dĩ An, tỉnh Bình Dương), điểm cuối tại ga Cần Thơ (phường Phú Thứ, quận Cái Răng, TP Cần Thơ).
Tổng chiều dài toàn tuyến là 175,2 km với 13 ga toàn tuyến. Dự án qua địa phận 6 tỉnh, thành phố: Bình Dương, TP HCM, Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long và Cần Thơ. Đường sắt đầu tư theo tiêu chuẩn đường đôi, khổ 1.435 mm, sức kéo điện, tàu khách có tốc độ tối đa là 200 km/h, tàu hàng 120 km/h.
Công nghệ được lựa chọn cho tuyến đường sắt này là đoàn tàu động lực phân tán cho tàu khách, đoàn tàu động lực tập trung cho tàu hàng. Dự án hiện nay đã hoàn thành báo cáo cuối kỳ.
Bộ GTVT đang lấy ý kiến các địa phương hoàn thành báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, dự kiến, hoàn thành trong năm nay. Sau đó, dự án sẽ được hoàn thiện trình Thủ tướng, Quốc hội trong năm 2025; xem xét thông qua chủ trương đầu tư dự án, khởi công trước năm 2030 và hoàn thành trước năm 2035.
Tiếp đến là tuyến đường sắt TP HCM - Lộc Ninh, tuyến đường sắt này nằm ở vị trí giao hội giữa hai hệ thống sông lớn là sông Sài Gòn - sông Bé và thuộc lưu vực sông Mê Kông - sông Sài Gòn. Tổng chiều dài của tuyến là 128,5 km, khởi điểm từ ga Dĩ An (thuộc tuyến đường sắt Bắc - Nam) đi qua các thị trấn Thủ Dầu một, Chơn Thành, Lộc Ninh đến ga Hoa Lư tiếp giáp biên giới Campuchia.
Toàn tuyến có tổng cộng 13 ga gồm ga Dĩ An, Phù Trung, Thủ Dầu Một, Chánh Lu, Bàu Bảng, Chơn Thành, Minh Hưng, Tân Khai, An Lư, Tân Phúc, Đồng Tâm, Lộc An, Hoa Lư.
Cự ly bình quân giữa các ga là 11,7 km; cự ly dài nhất là giữa ga Bàu Bảng và Chơn Thành 14 km và cự ly ngắn nhất là giữa ga Minh Hưng và Tân Khai 7,8 km. Toàn tuyến có bề rộng khổ đường là 1.435 mm, trong đó, đoạn Dĩ An - Chơn Thành đường đôi, đoạn Chơn Thành - Lộc Ninh đường đơn. Dự án được quy hoạch giai đoạn đến năm 2030.
Tuyến TP HCM – Tây Ninh (định hướng kéo dài lên cửa khẩu Mộc Bài và Xa Mát) sẽ kết nối với đường sắt TP HCM - Mỹ Tho - Cần Thơ tại ga Tân Chánh Hiệp, chiều dài khoảng 139 km, trong đó đoạn từ ga Tân Chánh Hiệp kết nối ga Trảng Bàng với đường đôi, khổ 1.435 mm, chiều dài khoảng 40 km. Hiện chưa có lộ trình đầu tư cụ thể cho dự án này.
Tuyến đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành được liên danh tư vấn đề xuất đầu tư có chiều dài 41,8 km, trong đó, đoạn qua TP HCM dài hơn 11,7 km và qua Đồng Nai dài hơn 30 km.
Về hướng tuyến, theo phương án đề xuất trong báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, tuyến bắt đầu từ ga Thủ Thiêm, đi song song về bên phải cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây và đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam.
Sau khi giao cắt với đường Vành đai 3 TP HCM, tuyến rẽ phải đi song song về bên trái tuyến đường này và tiếp tục vượt sông Đồng Nai tại vị trí cách tim cầu Nhơn Trạch khoảng 62,5 m về phía thượng lưu.
Sau khi vượt sông Đồng Nai, tuyến vẫn bám sát đường Vành đai 3 - TP HCM và đi vào giải phân cách bên trái của tuyến đường này theo quy hoạch của huyện Nhơn Trạch. Đến khu vực giao cắt với đường tỉnh 25B, hướng tuyến rẽ trái và đi vào giải phân cách giữa của đường tỉnh 25B.
Đến địa phận xã Long An, huyện Long Thành, hướng tuyến rẽ phải, sau khi giao cắt với QL 51 tuyến sẽ đi ngầm cùng hàng lang của tuyến đường sắt tốc độ cao vào bên trong Cảng hàng không quốc tế (sân bay) Long Thành là điểm cuối của dự án.
Với phương án hướng tuyến này, trên tuyến sẽ bố trí 20 nhà ga gồm 16 ga trên cao và 4 ga ngầm. Cùng với đó, dự án cũng bố trí một khu depot rộng hơn 21 ha tại xã Cẩm Đường, huyện Long Thành và một depot nhỏ khoảng 1,2 ha tại Thủ Thiêm, TP Thủ Đức phục vụ đỗ tàu, trạm chỉnh sửa nhỏ, vệ sinh tàu.
Theo quy mô đầu tư được đề xuất, dự án có sơ bộ tổng mức đầu tư gần 85.000 tỷ đồng, tương đương hơn 3,4 tỷ USD (không bao gồm lãi vay). Thời gian khởi công dự án dự kiến trong năm 2026, hoàn thiện đưa vào khai thác năm 2030.
Tuyến đường sắt chuyên dụng ra cảng Hiệp Phước với điểm đầu từ ga Long Định của đường sắt tốc độ cao TP HCM - Mỹ Thơ - Cần Thơ, đi song song với đường vành đai 4, giao cắt với QL 50, vượt sông Cần Giuộc đi vào ga Tiền Cảng Hiệp Phước.
Từ đây tuyến rẽ hai nhánh đi vào cảng Hiệp Phước thuộc huyện Nhà Bè và khu cảng Đông Nam Á của tỉnh Long An. Chiều dài tuyến từ ga Long Định đến ga Cảng Hiệp Phước và ga Cảng Long An là khoảng 38 km… Dự án được quy hoạch giai đoạn từ nay đến năm 2030.
Cuối cùng là tuyến đường sắt kết nối các tỉnh khu vực Tây Nguyên (Đà Nẵng - Kon Tum - Gia Lai - Đắk Lắk - Đắk Nông - Bình Phước (Chơn Thành), dài 550 km. Dự án này chưa có lộ trình đầu tư cụ thể.