Theo dấu Cơ Hạ
Cơ Hạ - vườn ngự uyển nổi tiếng của Kinh đô Huế thời Nguyễn, gần như mất dấu các kiến trúc qua thời gian và thời cuộc. Tuy nhiên, nhờ việc sưu tầm, số hóa và phân tích ảnh tư liệu, một Cơ Hạ vẹn nguyên đang dần hiện ra đúng nghĩa của 'đẳng cấp'.
Nguyễn Tấn Anh Phong – thành viên của nhóm Tân Đô Thành Hiếu Cổ (nhóm gồm 6 thành viên có chung niềm đam mê khai thác, sưu tầm và phân tích, số hóa ảnh tư liệu) nói về Cơ Hạ với những gì đã “thấy” một cách say sưa. Cơ duyên để Phong và các thành viên của Tân Đô Thành Hiếu Cổ “gặp” được Cơ Hạ là những bức ảnh tư liệu không tên mà nhóm “săn” được năm 2022.
Cơ Hạ được bắt đầu xây dựng từ năm 1837, vốn là Cơ Hạ Đường được vua Minh Mạng làm nơi nghỉ ngơi khi rảnh rỗi. Đến năm Quý Mão, vua Thiệu Trị cho đem các tòa kiến trúc từ vườn Thư Quang vào dựng, đổi tên thành vườn Cơ Hạ - tên Cơ Hạ được nhà Nguyễn lấy từ chữ “vạn cơ thanh hạ” (sự thanh nhàn trong muôn vàn cơ sự). Trong Hoàng cung Huế, vườn Cơ Hạ tọa lạc ở góc đông bắc, rộng gần 2,3ha; trước giáp phủ Nội vụ, sau giáp Hậu Hồ, hai mặt đông tây giáp tường Hoàng thành và Tử cấm thành. Theo Trung tâm Lưu trữ Quốc gia 1, Cơ Hạ là một trong năm vườn ngự uyển nổi tiếng của Kinh đô Huế thời Nguyễn, cùng với Thiệu Phương, Ngự Viên, Hậu Hồ và cung Trường Ninh. Đầu thế kỷ XX, do không còn điều kiện để chăm sóc, Triều Nguyễn đã cho triệt giải các công trình chính, Cơ Hạ dần hoang tàn và rơi vào quên lãng…
Năm 2022, nhóm của Phong “săn” được một cuốn album ảnh tư liệu của Việt Nam không có tên, do người Pháp bán; trong đó, có khoảng 12 tấm ảnh liên quan đến Huế. Trong 12 tấm ảnh đó, nhóm đã “soi” ra Cơ Hạ. Chơi ảnh tư liệu, tha thiết ban đầu của Tân Đô Thành Hiếu Cổ đơn giản là đi tìm đáp án cho những câu hỏi kiểu như: Vùng đất ấy/công trình ấy trước kia là cái gì? Có công năng gì? Đã từng hoạt động ra sao và có liên kết như thế nào với nhà Nguyễn…? Nhưng càng dấn thân càng mê. Như Cơ Hạ, những gì khám phá được về Cơ Hạ là một kết quả "quá khủng khiếp" với các thành viên. Quy mô cho thấy, Cơ Hạ đúng là khu vườn đẳng cấp của hoàng gia như những gì Hội điển mô tả với một chuỗi công trình cực kỳ đẳng cấp, không thua gì điện Thái Hòa và Cần Chánh.
“Trong ba năm trở lại đây, Tân Đô Thành Hiếu Cổ đã tương tác với rất nhiều công trình thuộc Quần thể di tích Cố đô Huế thông qua việc sưu tầm và phân tích ảnh tư liệu. Các thành viên trong nhóm đều hiểu rất rõ đặc trưng của kiến trúc nhà Nguyễn. Nhờ đó, khi nhìn thấy hình ảnh về một công trình nào đó rất lạ, chúng em sẽ nghĩ đến tình huống rất có thể đó là công trình trong quá khứ nhưng nay đã mất. Vì vậy, chúng em đã quyết định mua cuốn album có những hình ảnh nghi ngờ có liên quan đến Triều Nguyễn. Bản thân bên bán là người Pháp không biết những tấm hình đó chụp công trình gì của Việt Nam. Người ta cũng không nhìn ra được giá trị của chúng nên mới bán với giá mà chúng em có thể mua được”, Phong nói.
Đối với Tân Đô Thành Hiếu Cổ, khi chưa tiếp cận được những hình ảnh tư liệu thì Cơ Hạ là một khu vườn ngự hoàn toàn bí ẩn. Một Cơ Hạ hoàn chỉnh cũng chưa từng xuất hiện trong những hình ảnh đã được công bố trước đó. Thông tin về Cơ Hạ mà nhóm biết được chỉ là những gì được ghi lại trong Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, như “khi điện Cần Chánh được tu sửa thì vua Đồng Khánh tạm thời chuyển sang làm việc ở điện Khâm Văn của Cơ Hạ; vua Tự Đức rất thích làm việc ở Khâm Văn…”. Còn chi tiết của các công trình như thế nào thì chưa có nguồn tư liệu nào thể hiện một cách thuyết phục.
Với những gì "thấy" được, nhóm đã có thể tự tin nhấn mạnh rằng, khoảng 80% thông tin về Cơ Hạ đã được giải mã. “Thậm chí, từ những thông tin có được, đồng thời kết hợp với việc kiểm chứng qua Châu bản và kết quả khảo cổ do Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế thực hiện trước đó, chúng em có thể minh chứng rằng, điện Khâm Văn của Cơ Hạ xưa vẫn còn tồn tại cho đến ngày nay, nhưng ở một vị trí khác, có tên gọi khác và vị vua nào đã thực hiện việc di chuyển này, chính xác đến... 100%. Điều đó cho thấy những bức ảnh tư liệu có giá trị lớn lao!” - Phong khẳng định.
Minh chứng về độ đẳng cấp của Cơ Hạ, Phong nói thêm: “Ngay cái cầu qua đảo Hải Tỉnh Liên Phong, các vua Nguyễn không làm cầu vòm như thường thấy ở Trung Quốc mà là cầu kéo. Nghĩa là khi thuyền vua đi qua, có lính ở hai đầu cầu kéo ròng rọc nâng lên, thuyền qua xong thì thả xuống, đóng lại. Và tất cả các hồ trong Đại Nội đều được thông nhau bởi một hệ thống thủy lang. Thậm chí, nhà thuyền Thanh Tước Lâu cũng được tổ chức như một cái ga-ra. Thuyền cập về là có hệ thống ròng rọc nâng thuyền lên, tách hẳn thuyền với mặt nước nhằm bảo vệ tuổi thọ cho đáy thuyền.
“Vì di sản và vì những công trình đã mất, Tân Đô Thành Hiếu Cổ xác định sẵn sàng tham gia các dự án trùng tu, phục hồi di tích nếu cơ quan chức năng cần tương tác về thông tin tư liệu” - Phong chia sẻ. Và anh cũng bày tỏ: Với những thông tin giải mã được, hy vọng một ngày nào đó Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế có thể mở được dự án đầu tư cho Cơ Hạ. Tin rằng, một khi khu vườn tuyệt phẩm này được phục dựng thì tất cả những dịch vụ, những chương trình dạ tiệc, đêm hoàng cung… hoàn toàn có thể được tổ chức ở đây – nơi khu vườn ngự đúng nghĩa của vui chơi, nghỉ dưỡng. Ấy cũng là tâm niệm tha thiết của Tân Đô Thành Hiếu Cổ.