Tết đầu tiên sau chiến tranh

Tết Bính Thìn 1976, nằm trong đội hình của Trung đoàn 9, Sư đoàn 968, Tiểu đoàn 2 của chúng tôi về đóng quân ở xã Tình Thương (nay thuộc phường Tân Hòa), TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk để làm nhiệm vụ tiễu trừ FULRO.

Ngày chiến tranh, nơi này thuộc quyền kiểm soát của địch. Người dân trong xã đa phần là người vùng Quảng Nam, Quảng Ngãi lên đây lập nghiệp từ những năm 1955-1958. Đất nước thống nhất, chính quyền các cấp ở đây được thành lập, có cả đội du kích xã dù quân số chưa đến chục người. Về đây đóng quân, chúng tôi dành nhiều ngày tổ chức quét dọn, sửa lại đường đi trong xã, phát quang các bụi cây rậm, rồi giúp người dân làm nhà tắm, nhà vệ sinh. Chúng tôi làm đủ mọi việc, từ tuyên truyền, vận động đến trực tiếp giúp dân sửa nhà, dạy thanh, thiếu niên hát những bài ca cách mạng. Tình cảm quân dân ngày càng gắn bó, thân thiết. Ngoài việc cho bộ đội ở nhờ, mỗi thôn còn dành một khu đất vườn rộng cho đơn vị làm bếp và hội trường. Xã Tình Thương còn có một sân bóng rộng để bộ đội tập trung khi hành quân hoặc tổ chức giao lưu bóng đá, bóng chuyền cùng thanh niên địa phương.

Tết Bính Thìn đến gần, những người lính chúng tôi rất háo hức chờ đón được ăn Tết với người dân miền Nam. Chúng tôi được nghỉ trọn vẹn hai ngày để ăn Tết cùng bà con. Đơn vị tổ chức gói bánh chưng. Nơi đây gần rừng nên việc tìm kiếm lá dong, lạt giang và củi gộc đối với chúng tôi không khó. Thùng phuy lấy ở căn cứ cũ của địch đem về đánh rửa sạch để làm nồi nấu bánh. Chúng tôi được cấp mứt Tết và thuốc lá Tam Đảo đưa vào từ miền Bắc.

Nhà văn Vũ Công Chiến trong lần về thăm lại xã Tình Thương (nay thuộc phường Tân Hòa), TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk, năm 2015. Ảnh: VŨ VĂN

Nhà văn Vũ Công Chiến trong lần về thăm lại xã Tình Thương (nay thuộc phường Tân Hòa), TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk, năm 2015. Ảnh: VŨ VĂN

Đơn vị tổ chức gói bánh chưng vuông, tiêu chuẩn mỗi người một chiếc. Đêm Giao thừa, chúng tôi vừa canh gác vừa đi tuần và nổi lửa luộc bánh chưng. Người dân địa phương gói bánh tét tròn dài và đêm ấy cũng nhiều nhà làm bánh. Khắp xóm bập bùng ánh lửa, củi nổ tí tách trong màn sương đêm. Sáng mồng Một, đơn vị chúc Tết, phát bánh chưng rồi sau đó chúng tôi về nhà người dân ăn Tết. Bữa cơm sáng hôm ấy, chúng tôi được phép ăn cùng người dân. Bánh chưng, bánh tét đem nhập chung cùng mứt và chè, thuốc. Lúc này, chúng tôi đã được phát chút tiền phụ cấp nên có thể lì xì cho các cháu nhỏ. Bữa ăn sáng ấy thật vui, chúng tôi được thưởng thức món ăn hai miền Nam-Bắc. Sau đó, chúng tôi cũng rồng rắn cùng thanh niên và đám trẻ trong xóm đi chúc Tết các nhà và lì xì cho trẻ em.

Buổi chiều, đơn vị tổ chức chơi cướp cờ ngay trên con đường làng chính. Người lớn, trẻ em ra xem bộ đội chơi rất đông, cùng hò reo cổ vũ. Vui tới mức hôm sau, bộ đội chúng tôi và thanh niên trong thôn cùng rủ nhau chia phe chơi cướp cờ có thưởng. Phần thưởng là những gói bánh kẹo nhỏ, nhưng cuối cùng bên thắng bên thua lại cùng nhau chia sẻ. Tất nhiên, phần bánh kẹo là dành cho lũ trẻ con luôn ríu rít xung quanh.

Buổi tối, chi đoàn thanh niên đại đội tổ chức giao lưu với thanh niên trong thôn. Chiến sĩ Thịnh (người Phú Thọ) trong trung đội tôi còn tự làm được sáo và thổi mấy bài dân ca rất hay. Tôi có cảm giác những đồng đội biết chơi đàn guitar và thổi sáo trong đại đội chiếm hết ánh nhìn ngưỡng mộ của các cô gái trong thôn. Những tiết mục hát được nhiều người tham gia hơn. Cánh lính chúng tôi chủ yếu hát những bài ca cách mạng, còn thanh niên trong thôn ca những bài cải lương, vọng cổ. Đại đội trưởng Chèo của chúng tôi là người Bắc Ninh, góp thêm hai bài dân ca quan họ khiến mọi người ngạc nhiên và thích thú. Người dân trong thôn tới xem rất đông, vây kín xung quanh bãi đất. Bà con rất vui khi thấy chúng tôi không có khoảng cách giữa chỉ huy với chiến sĩ.

Chiều mồng Hai Tết, vẫn trong thời gian được nghỉ, tôi nhận lời cùng Khanh, con gái bác chủ nhà ra khu vườn cà phê phía bên kia Quốc lộ 21 chơi. Khi đó, chiến sĩ được đơn vị cho phép gặp gỡ và trò chuyện với thiếu nữ trong thôn, nhưng phải giữ đúng mực. Chúng tôi vào vườn cà phê, chọn một gốc cây to ngồi nói chuyện. Trong những câu chuyện "trên trời dưới bể" có chuyện về những hạt cà phê. Lần đầu tiên tôi nghe tới “cà phê chồn”, được Khanh giải thích mới biết những hạt cà phê rơi dưới gốc cây đó là do những con sóc chuột tìm quả cà phê chín nhằn ăn rồi nhả hạt. Mẻ cà phê muốn ngon phải chọn những hạt đều nhau từ những quả cà phê thật chín và những con sóc chuột đã làm giúp điều đó... Cái Tết hòa bình đầu tiên đến với tôi bình dị như thế...

Cách đây 10 năm, tôi có dịp trở lại chốn xưa. Xã Tình Thương đã chuyển thành phường. Cảnh quan thay đổi nhiều nhưng những trục đường chính trong thôn vẫn thế, dù đã được bê tông hóa. Tôi tìm đến ngôi nhà nơi trung đội tôi ở nhờ năm xưa, nhưng cả gia đình đã chuyển về quê ở Quảng Ngãi từ lâu. Tôi đứng mãi ở chỗ ngày xưa là cổng của ngôi nhà, nhớ về cái Tết năm xưa, nhớ hương vị ly cà phê “sóc chuột” của Khanh, chợt thấy lòng mênh mang, bâng khuâng!

Nhà văn VŨ CÔNG CHIẾN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/bao-xuan-at-ty-2025/tet-dau-tien-sau-chien-tranh-812826
Zalo