Người trẻ thể hiện tình yêu với tết cổ truyền
Hiện nay, người trẻ có nhiều xu hướng đón tết cổ truyền theo cách riêng như đi du lịch, chụp ảnh ngày xuân... Nhưng dù theo cách nào thì họ cũng đều hướng về cội nguồn và trân trọng những giá trị truyền thống tốt đẹp hàng nghìn năm của cha ông.
"Mỗi năm hoa đào nở/ Lại thấy ông đồ già/ Bày mực tàu giấy đỏ/ Bên phố đông người qua”, hình ảnh cho chữ đầu xuân của những ông đồ từ lâu đã gắn liền với vẻ đẹp tết cổ truyền của người Việt. Và đến nay, hình ảnh ấy vẫn luôn được những “ông đồ” trẻ bảo tồn và phát huy.
Lê Ngọc Thành (sinh năm 1996, huyện Thường Xuân), một thanh niên trẻ đang làm nghề viết thư pháp, cho biết: “Mong muốn đầu tiên của mình khi chọn nghề viết thư pháp quốc ngữ là bảo tồn và phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc, đặc biệt là giữ gìn nét đẹp ngày xuân của người Việt”. Thành còn cho biết thêm rằng, ngày càng có nhiều người trẻ quan tâm và theo học về nghệ thuật viết thư pháp. Bởi chữ thư pháp không chỉ xuất hiện trên những tấm thiệp tặng bạn bè vào dịp xuân, trên lịch, trên các sản phẩm trang trí, hay trong các hội chữ dịp tết, tranh thư pháp chữ quốc ngữ được sử dụng khá phổ biến trong các không gian mang hơi hướng hoài cổ như các quán trà đạo, câu lạc bộ nghệ thuật dân gian... Nhiều gia đình cũng lựa chọn treo tranh thư pháp như một hình thức trang trí, tạo sự hài hòa cho ngôi nhà. Không những thế, rất nhiều ứng dụng viết thư pháp sử dụng trên điện thoại được bạn trẻ hào hứng đón nhận, cho thấy giới trẻ ngày càng quan tâm đến các giá trị văn hóa dân tộc.
Với những thầy đồ trẻ như Thành thì tết cổ truyền gắn liền với nhiều phong tục đẹp, trong đó có phong tục cho chữ đầu xuân. Tục cho chữ, tặng chữ không phải là hình ảnh mới mẻ nhưng lại mang hương vị tết không thể thiếu. Đến nay, Thành đã có hơn 10 năm gắn bó với nghề. Công việc của anh chủ yếu tại Hà Nội, tuy nhiên cứ vào dịp đầu xuân anh thường bày “mực tàu, giấy đỏ” tại đền Cửa Đặt để cho chữ, tặng chữ du khách đến viếng, tham quan đền.
Nhiều bạn trẻ chọn cho mình những cách đón tết khác nhau với hình thức khác nhau, tuy nhiên các bạn vẫn luôn kết hợp hài hòa giữa truyền thống và hiện đại, vừa phù hợp với cuộc sống năng động nhưng vẫn giữ được nét đẹp truyền thống, để “hòa nhập chứ không hòa tan”. Đây cũng là cách suy nghĩ của Lâm Bảo Anh, sinh viên Trường Đại học Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa. Trước khi bước vào những tuần cuối năm đón tết, Bảo Anh và mẹ đã dành thời gian đi chụp bộ ảnh tết cùng áo dài truyền thống tại những địa điểm, như: làng cổ Đông Sơn, vườn hoa Tiên Sơn, cầu Hàm Rồng, Thiền viện Trúc Lâm...
Bảo Anh chia sẻ: “Với mình, tết cổ truyền vẫn là một điều gì đó rất liêng thiêng, trang trọng, nó hàm chứa trong đó những giá trị văn hóa độc đáo của dân tộc. Mình chọn chụp ảnh áo dài truyền thống và cả hiện đại, cùng phụ kiện mới mẻ nhưng không làm mất đi giá trị. Bởi với người trẻ như mình sẽ luôn có cách riêng để thể hiện tình yêu với tết, với truyền thống dân tộc”. Xu hướng chụp ảnh áo dài tết ngày xuân đã và đang được nhiều gia đình hưởng ứng.
Còn với Nguyễn Thị Nga, sau quãng thời gian một năm làm việc và sinh sống tại TP Hồ Chí Minh, cô càng trân quý và mong ngóng đến khoảnh khắc được trở về đón tết cùng gia đình thân yêu.
Cô tâm sự: “Mình nhớ thanh âm của những ca khúc xuân rộn ràng. Mình nhớ giây phút được cùng ông bà ngồi trông nồi bánh chưng. Nhớ khoảnh khắc đi chợ tết cùng mẹ để thưởng thức mùi vị mùa xuân trước thềm năm mới. Mình nhớ cả những bữa cơm đầm ấm và cả những tình cảm ấm áp, những lời chúc mà mọi người dành cho nhau khi cùng đón năm mới dưới bầu trời rực rỡ pháo hoa”.
Đã rất nhiều năm, cách gia đình Nga đón tết không có quá nhiều sự thay đổi. Với Nga, tết vẫn là thời điểm lý tưởng để chúng ta trở về quây quần bên gia đình hay gặp gỡ bạn bè sau những tháng ngày đi học, đi làm vất vả. Nga quan niệm, những giá trị của tết cổ truyền Việt Nam thông qua các phong tục như làm mứt, gói bánh chưng, bánh tét, tảo mộ; cúng giao thừa... vẫn sẽ được người trẻ lưu giữ và phát triển. Vì hơn hết, đây là cách để mọi người gần gũi, xích lại bên nhau sau một năm xa cách.
Cuộc sống hiện đại, những giao thoa văn hóa, thay đổi trong suy nghĩ, lối sống, tư duy, khiến những bạn trẻ như Bảo An, Thành và Nga có những cách riêng để thể hiện tình yêu với tết cổ truyền. Với họ, tết cổ truyền không nhất nhất là “ăn tết ở nhà” cùng các hoạt động mang tính lễ nghi mà có sự hiện diện của những điều mới mẻ, hiện đại của cuộc sống ngày nay. Nhiều gia đình đã không ngần ngại “xách vali” đón tết ở một nơi xa, vừa là để nghỉ dưỡng vừa khám phá những điều thú vị về tết cổ truyền. Họ biết kết hợp hài hòa các yếu tố hiện đại và truyền thống, họ khám phá những cái hay, độc đáo làm cho phong vị tết cổ truyền thêm thú vị và trọn vẹn ý nghĩa. Bởi họ vẫn luôn dành tình yêu cho tết cổ truyền dân tộc.