Người tìm kiếm việc làm cần cảnh giác với thủ đoạn lừa đảo 'việc nhẹ lương cao'
Các đối tượng dùng vũ lực khống chế, ép buộc nạn nhân ra nước ngoài làm việc trả nợ, sau đó liên lạc với các 'đại lý' ở nước ngoài phụ trách tìm kiếm, dẫn người từ Việt Nam sang làm nguồn lao động cho các trung tâm lừa đảo trực tuyến và nhận số tiền lớn lên đến hàng trăm triệu đồng 'tiền giới thiệu' từ các đại lý...

Ảnh minh họa.
Qua thực tiễn khám phá các vụ án mua bán người cho thấy thủ đoạn lừa đảo “việc nhẹ lương cao” khiến nhiều người sập bẫy, đặc biệt là các lao động trẻ…
Mới đây, Viện Kiểm sát nhân dân TP Hà Nội đã hoàn tất cáo trạng truy tố bị can Nguyễn Thanh Sáng (sinh năm 1979, ở xã Kỳ Tây, huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh) và các đồng phạm về tội “Mua bán người”.
Hồ sơ vụ án thể hiện, nhóm của Sáng quen biết nhau khi làm việc cho một công ty người Trung Quốc ở Campuchia. Hàng ngày, cả nhóm làm việc theo chỉ đạo của đối tượng người Trung Quốc là ngồi máy tính, đóng giả làm con gái để làm quen thanh niên ở Việt Nam thông qua mạng xã hội nhằm dụ dỗ, hướng dẫn họ đầu tư tài chính, nộp tiền vào tài khoản để được hưởng tiền "hoa hồng", rồi chiếm đoạt.
Đến năm 2023, Sáng và đồng phạm bàn nhau tìm người để dụ dỗ họ đưa sang Campuchia với mục đích lấy tiền công môi giới. Nhóm này dụ dỗ cháu Nguyễn Văn Q. (SN 2007, ở Bắc Giang) sang Campuchia làm việc máy tính, tạo các tài khoản Facebook đóng giả làm con gái nói chuyện, làm quen với những người đàn ông Việt Nam, được hưởng lương 25 triệu đồng/ tháng.
Theo lời tư vấn, cháu Q. đồng ý sang Campuchia làm việc. Cháu Q. bị các đối tượng đưa sang Campuchia bằng đường sông rồi đưa vào làm cho một công ty ở đây.
Cuối tháng 1/2024, cháu Q. không thực hiện công việc do công ty giao, muốn về Việt Nam nhưng các đối tượng của công ty bên Campuchia không đồng ý và yêu cầu phải trả 200 triệu đồng mới được về nước. Do bị bắt ép nên Q. đã gọi video call cho anh trai thông báo nội dung sự việc.
Khi Q. đang nói chuyện với anh trai thì một số đối tượng đánh đập, chích điện vào người để ép người nhà sớm chuyển tiền. Sau đó, bố cháu Q. đã phải chuyển 45 triệu đồng cho các đối tượng ở Campuchia.
Do không trả đủ số tiền theo yêu cầu của các đối tượng nên ngày 30/1/2024 cháu Q. bị đưa sang một công ty khác tại Thủ đô Phnôm Pênh, tiếp tục bị ép làm công việc lừa đảo trên mạng xã hội. Q. tiếp tục liên hệ với gia đình bảo chuyển 131 triệu đồng để chuộc về.
Ngày 21/2/2024, bố của Q. tiếp tục nhờ người chuyển 131 triệu đồng, sau đó Q mới được ra khỏi công ty về Việt Nam bằng đường tiểu ngạch. Ngày 29/2/2024, bố cháu Q đến Công an thành phố Hà Nội tố giác hành vi phạm tội của các đối tượng...
Theo Bộ Công an, năm 2024, lực lượng công an đã điều tra, xử lý 163 vụ mua bán người với 455 đối tượng và 500 nạn nhân. Tội phạm mua bán người với phương thức, thủ đoạn diễn ra ngày càng tinh vi, đa dạng.
Các đối tượng tìm kiếm, dụ dỗ “việc nhẹ lương cao”, lấy chồng nước ngoài hưởng cuộc sống giàu sang hoặc lợi dụng khó khăn về kinh tế và lệ thuộc của nạn nhân (vay tiền, không có khả năng trả nợ).
Các đối tượng dùng vũ lực khống chế, ép buộc nạn nhân ra nước ngoài làm việc trả nợ, sau đó liên lạc với các “đại lý” ở nước ngoài phụ trách tìm kiếm, dẫn người từ Việt Nam sang làm nguồn lao động cho các trung tâm lừa đảo trực tuyến và nhận số tiền lớn lên đến hàng trăm triệu đồng “tiền giới thiệu” từ các đại lý.
Các đối tượng tổ chức đưa nạn nhân xuất cảnh bất hợp pháp qua các đường mòn, lối mở khu vực biên giới và bán sang nước ngoài làm việc, làm vợ bất hợp pháp để thu lợi bất chính. Trong nước, nổi lên tình hình mua bán người vào các cơ sở kinh doanh có điều kiện và mua bán trẻ sơ sinh trên không gian mạng thông qua thủ đoạn cho, nhận con nuôi, làm giả giấy tờ, hợp pháp hóa các thủ tục cho, nhận con nuôi có yếu tố nước ngoài để trục lợi bất chính.
Bộ Công an tham mưu Thủ tướng Chính phủ đề xuất Quốc hội khóa XV thông qua Luật Phòng, chống mua bán người năm 2024; nội dung Luật bảo đảm tương thích, phù hợp với các Điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên: Nghị định thư về phòng ngừa, trừng trị trấn áp tội phạm mua bán người, đặc biệt là phụ nữ, trẻ em; Công ước ASEAN về phòng, chống buôn bán người, Công ước quốc tế về quyền dân sự và chính trị, Công ước về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử chống lại phụ nữ…
Đồng thời tuyên truyền, phổ biến pháp luật, các phương thức, thủ đoạn phạm tội mới để nhận diện, phòng ngừa, đấu tranh, qua đó, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của từng cá nhân, cơ quan, tổ chức xã hội, cơ quan thực thi pháp luật với công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm…