Người tiêu dùng cẩn trọng với phí không chính thức khi mua xe ô tô

Theo Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia, thời gian qua cơ quan này đã ghi nhận nhiều thông tin phản ánh từ người tiêu dùng về việc phải trả thêm các khoản chi phí không chính thức khi mua xe ô tô.

Theo Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia (Bộ Công Thương), thời gian qua cơ quan này đã ghi nhận nhiều thông tin phản ánh từ người tiêu dùng về việc phải trả thêm các khoản chi phí không chính thức khi mua xe ô tô, đặc biệt đối với những dòng xe khan hiếm trên thị trường.

Nhân viên gợi ý trả thêm tiền để được ưu tiên giữ chỗ mua xe

Cụ thể, tình trạng các đơn vị kinh doanh ô tô thu thêm những khoản phí không chính thức đối với các mẫu xe được ưa chuộng hoặc khan hiếm đang diễn ra khá phổ biến dưới nhiều hình thức.

Theo đó, sau khi thông báo về tình trạng khan hiếm xe, nhân viên bán hàng có thể trực tiếp gợi ý khách hàng trả thêm một khoản chi phí đáng kể để được ưu tiên giữ chỗ hoặc nhận xe sớm.

Trong một số trường hợp, nhân viên có thể yêu cầu khách hàng đặt cọc một khoản tiền với hứa hẹn hỗ trợ đăng ký mua xe sớm. Tuy nhiên, nhân viên thường không giải thích rõ bản chất của khoản đặt cọc này dẫn đến việc khách hàng nhầm lẫn.

Theo Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia, khách hàng cần lưu ý tất cả các khoản chi phí giao dịch nêu trên thường là giao dịch trực tiếp giữa nhân viên bán hàng và khách hàng, không có hóa đơn, chứng từ hợp lệ và không có xác nhận pháp lý của đơn vị bán hàng.

Đối với người tiêu dùng, việc thực hiện các giao dịch không chính thức, không có hóa đơn chứng từ với nhân viên bán hàng tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Cụ thể, đã có tình trạng nhân viên chiếm đoạt tiền của người tiêu dùng. Trường hợp thường gặp hơn là khách hàng gặp khó khăn khi muốn nhận lại tiền đặt cọc do nhân viên cố tình trì hoãn hoặc gây khó dễ.

Quan trọng hơn, khi phát sinh tranh chấp mà người tiêu dùng và nhân viên đại lý không thể tự giải quyết, người tiêu dùng thường không có đủ bằng chứng để bảo vệ quyền lợi của mình.

Ngay cả đại lý bán hàng cũng có thể từ chối tiếp nhận và giải quyết vấn đề của khách hàng do không có bằng chứng liên quan đến trách nhiệm của đại lý.

 Giao dịch mua bán xe ô tô. Ảnh Bộ Công thương

Giao dịch mua bán xe ô tô. Ảnh Bộ Công thương

Cảnh giác với đề nghị giao dịch không có hóa đơn, chứng từ

Cũng theo Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia, trong giao dịch mua bán ô tô cũng thường xảy ra tình trạng nhân viên bán hàng gợi ý hoặc ép buộc khách hàng mua thêm các gói phụ kiện, dịch vụ như bảo hiểm để được ưu tiên nhận xe sớm. Chi phí cho các gói mua thêm này thường cao hơn đáng kể so với giá thị trường.

Hành vi giao dịch nhưng không cung cấp bằng chứng giao dịch hoặc ép buộc, yêu cầu người tiêu dùng mua thêm phụ kiện, dịch vụ là hành vi vi phạm luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Trường hợp có đủ căn cứ xác định tổ chức, cá nhân kinh doanh thực hiện các hành vi vi phạm trên, cơ quan chức năng sẽ xem xét, có thể xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Xuất phát từ thực trạng trên, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia khuyến cáo người tiêu dùng cần thận trọng, cảnh giác với các đề nghị giao dịch trực tiếp, không có hóa đơn, chứng từ hợp lệ từ nhân viên bán hàng.

Người tiêu dùng nên yêu cầu nhân viên bán hàng cung cấp các thông tin chi phí bằng văn bản rõ ràng; xác định cụ thể thời gian dự kiến giao xe trước khi đặt cọc hoặc thanh toán; yêu cầu giải thích chi tiết về bất kỳ khoản phí nào phát sinh ngoài giá niêm yết...

Đối với các đại lý phân phối ô tô cần xây dựng và triển khai chính sách bán hàng minh bạch. Trong đó, phải quy định rõ việc nhân viên không được tự ý yêu cầu, ép buộc hay dụ dỗ người tiêu dùng thanh toán các khoản phí ngoài hợp đồng hoặc trái với ý chí của họ

Đại lý ô tô cũng cần có cơ chế quản lý, giám sát chặt chẽ nhân viên trong quá trình giao dịch với khách hàng.

TÚ UYÊN

Nguồn PLO: https://plo.vn/nguoi-tieu-dung-can-trong-voi-phi-khong-chinh-thuc-khi-mua-xe-o-to-post849377.html
Zalo