Người tiên phong trong ngành phẫu thuật thẩm mỹ

Trong Thế chiến thứ Nhất (1914 – 1918), nhiều người lính bị những vết thương nghiêm trọng ở mặt do các loại vũ khí và khí độc gây ra.

Bác sĩ Harold Gillies (1882 –1960).

Bác sĩ Harold Gillies (1882 –1960).

Trở về đời thường, họ sống trong mặc cảm dị dạng. Sau đó, nhờ tài năng của một bác sĩ phẫu thuật người New Zealand, những khuôn mặt ấy đã được trả lại gần như diện mạo ban đầu. Công trình của ông đánh dấu sự ra đời của phẫu thuật thẩm mỹ ngày nay.

Bước đột phá

Chấn thương mặt rất khó điều trị ở chiến tuyến. Đôi khi, các bác sĩ quân y khâu những vết thương mà không tính đến lượng mô đã mất. Khi sẹo lành, phần thịt căng ra khiến khuôn mặt nạn nhân bị biến dạng.

Lúc trở về nhà, những người bị thương thường phải đối mặt với sự kỳ thị và cô lập, khó tìm được việc làm, một số phải lao động vào ban đêm, tránh tiếp xúc với người xung quanh.

Thật may mắn, những người bất hạnh này nhận được sự quan tâm từ Harold Gillies, một bác sĩ phẫu thuật sinh ra ở New Zealand và học ngành Y ở Anh. Được điều đến Pháp vào năm 1915, ông đã chứng kiến sự gia tăng các vết thương khủng khiếp trên khuôn mặt binh lính. Quyết tâm tìm ra giải pháp hiệu quả, Gillies đã dành hết tâm huyết phát triển, cải tiến các kỹ thuật nhằm tái tạo khuôn mặt.

Trở về Anh, ông thành lập một khoa chuyên điều trị tổn thương mặt tại Bệnh viện Quân y Cambridge ở Aldershot. Tuy nhiên, khoa này không đủ đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng. Để ứng phó, một cơ sở mới ra đời ở Bệnh viện Queen vào tháng 6/1917, với hơn 1.000 giường bệnh. Đây là được xem là bệnh viện đầu tiên trên thế giới chuyên điều trị chấn thương vùng mặt.

Tại đây, Gillies và nhóm của ông đã phát triển nhiều kỹ thuật cơ bản của phẫu thuật tái tạo hiện đại. Ông hiểu rằng, việc chữa lành khuôn mặt bị tổn thương không chỉ đơn thuần là che phủ vết thương, mà còn phải phục hồi cả cấu trúc và chức năng của mặt.

Phương pháp của ông bao gồm việc phục hồi mô khỏe mạnh vào vị trí ban đầu. Sau đó, khoảng trống do vết thương để lại có thể được lấp đầy bằng mô cấy ghép từ các bộ phận khác của cơ thể. Sau khi hoàn thành công việc trên cấu trúc xương của khuôn mặt, các bác sĩ sẽ tiến hành tái tạo các mô mềm.

Một trong những kỹ thuật hiệu quả nhất do Gillies và nhóm của ông tiến hành liên quan đến ghép “pedicle”. Theo đó, một vạt da lớn được tách ra một phần từ vị trí gần vết thương. Một đầu của vạt da vẫn được kết nối với nguồn cung cấp máu, trong khi đầu tự do được định vị cẩn thận trên vùng bị thương. Sự kết nối liên tục này đảm bảo da ghép vẫn được nuôi dưỡng, làm tăng đáng kể khả năng tích hợp thành công với mô bị tổn thương.

Bước đột phá quan trọng đã đến trong một ca phẫu thuật trên Willie Vicarage, một thủy thủ bị bỏng nặng trong trận chiến. Những vết thương trên khuôn mặt khiến anh không thể nhắm mắt hoặc mở miệng.

Để tái tạo phần dưới khuôn mặt của Willie, Gillies nâng một vạt da trên ngực của anh. Trong quá trình thực hiện, ông quan sát thấy các cạnh của vạt da khi bị kéo căng có xu hướng cong vào trong. Để khắc phục điều này, ông đã khâu các cạnh da lại với nhau, tạo thành một ống.

Hình dạng này làm giảm nguy cơ nhiễm trùng và đảm bảo nguồn cung cấp máu ổn định hơn trong suốt quá trình chuyển giao. Sau khi cuống ống đã được cố định chắc chắn gần vị trí chấn thương, nó có thể được cắt rời an toàn khỏi vị trí cho, mở ra và trải rộng khắp vùng bị tổn thương, cho phép bác sĩ phẫu thuật che phủ các vết thương lớn hơn nhiều so với trước đây.

Những tiến bộ này của Gillies và nhóm của ông không chỉ thay đổi cuộc sống của hàng ngàn người lính bị biến dạng khuôn mặt, mà còn đặt nền tảng cho lĩnh vực phẫu thuật thẩm mỹ hiện đại.

 Tranh vẽ một người lính trước và sau ca phẫu thuật tái tạo khuôn mặt do Harold Gillies và nhóm của ông thực hiện.

Tranh vẽ một người lính trước và sau ca phẫu thuật tái tạo khuôn mặt do Harold Gillies và nhóm của ông thực hiện.

Phát triển phẫu thuật thẩm mỹ

Gillies tiếp tục mở rộng ranh giới từ những gì phẫu thuật tái tạo có thể đạt được và trong Thế chiến thứ Hai, ông một lần nữa dẫn đầu các nỗ lực điều trị cho những người lính bị thương. Tuy nhiên, có lẽ một trong những chương đáng chú ý nhất trong sự nghiệp của ông đã đến sau này, khi ông lặng lẽ khai phá lĩnh vực phẫu thuật khẳng định giới tính.

Năm 1946, Gillies thực hiện một trong những ca phẫu thuật khẳng định giới tính đầu tiên được ghi nhận trên thế giới, giúp Michael Dillon - được chỉ định là nữ khi sinh ra - chuyển đổi thành nam. Vài năm sau, ông cũng hỗ trợ một trong những ca phẫu thuật chuyển đổi từ nam sang nữ sớm nhất.

Vào thời điểm mà những can thiệp như vậy vừa cấm kỵ vừa chưa được biết đến về mặt y khoa, Gillies đã tiếp cận những ca bệnh này với sự cẩn thận, hiếu kỳ và lòng trắc ẩn. Khi làm điều này, ông đã giúp đặt nền tảng y khoa và đạo đức cho việc khẳng định giới tính ngày nay.

Từ khuôn mặt của những người lính bị chiến tranh tàn phá đến cuộc sống của những người chuyển giới tìm kiếm cuộc sống đích thực, di sản của Gillies là sự chữa lành, đổi mới và nhân đạo. Công trình của ông nhắc nhở chúng ta rằng, y học, ở mức tốt nhất, không chỉ là một khoa học, mà còn là một nghệ thuật bắt nguồn sâu sắc từ sự đồng cảm.

Ngày nay, Gillies thường được gọi là “cha đẻ của phẫu thuật thẩm mỹ”. Nhiều kỹ thuật mà ông phát triển trong Thế chiến thứ Nhất vẫn được sử dụng trong các ca phẫu thuật tái tạo hiện đại.

Harold Gillies sinh ở Dunedin, New Zealand ngày 17/6/1882, là con trai của một thành viên Quốc hội tại Otago, Robert Gillies. Ông theo học tại Trường Đại học Whanganui (New Zealand) và học ngành Y tại Gonville and Caius College (Cambridge, Anh). Gillies kết hôn với Kathleen Margaret Jackson ngày 9/11/1911, tại London. Họ có bốn người con.

Gillies bị đột quỵ nhẹ ở tuổi 78 khi đang thực hiện một ca phẫu thuật ở chân của cô gái 18 tuổi vào 3/8/1960. Ông mất ngày 10/9/1960 tại Phòng khám London, số 20 Devonshire Place, Marylebone.

Theo Amusingplanet

Lê Du

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/nguoi-tien-phong-trong-nganh-phau-thuat-tham-my-post730301.html
Zalo