Người thơ hạnh phúc Phạm Thu Yến

Nhiều người cho rằng thơ ca cất lên bởi đau khổ, thất tình, bởi những ẩn ức xuất phát từ bản năng chứ ít khi xuất phát từ lý trí và sự thông tuệ. Thậm chí, có người cho rằng người thông minh, có cuộc sống hạnh phúc viên mãn thì ít hoặc khó làm thơ.Vì thế, hôm nay tôi muốn viết về nhà thơ Phạm Thu Yến, muốn chứng minh một trong những hiện tượng ngược lại.

Nhóm chúng tôi có 6 chị em, chơi với nhau đã lâu, mỗi người mỗi vẻ góp vào đời sống văn hóa nghệ thuật nước nhà những tiếng nói sinh động. Đó là các nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn, Đoàn Thị Lam Luyến, Kim Nhũ, Phạm Thu Yến, Nguyễn Thị Hồng Ngát (biên kịch điện ảnh) và tôi (văn xuôi cùng hội họa).

Nhiều người cho rằng thơ ca cất lên bởi đau khổ, thất tình, bởi những ẩn ức xuất phát từ bản năng chứ ít khi xuất phát từ lý trí và sự thông tuệ. Thậm chí, có người cho rằng người thông minh, có cuộc sống hạnh phúc viên mãn thì ít hoặc khó làm thơ.Vì thế, hôm nay tôi muốn viết về nhà thơ Phạm Thu Yến, muốn chứng minh một trong những hiện tượng ngược lại.

Phạm Thu Yến là PGS.TS, Nhà giáo ưu tú, Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam (từ 2006). Chị là một chuyên gia nghiên cứu về văn học và văn hóa dân gian của Việt Nam, từng tham gia quản lí và giảng dạy tại Khoa Văn, Đại học Sư phạm Hà Nội và hiện nay là chuyên gia giảng dạy ở Trường Đại học Trà Vinh. Người đã có những chuyên luận, giáo trình: “Thế giới nghệ thuật ca dao”; “Giáo trình văn học dân gian”; “Phân tích tác phẩm văn học dân gian theo đặc trưng thể loại”; “Truyện cổ tích về loài vật”; “Truyện kể về phong tục, địa danh”…

Nhà thơ Phạm Thu Yến

Nhà thơ Phạm Thu Yến

Chị giảng dạy các chuyên đề: “Thi pháp thể loại văn học dân gian”, “Truyền thuyết và lễ hội”; “Địa văn hóa và các vùng văn hóa Việt Nam”, “Văn hóa dân gian Việt Nam”, chủ nhiệm đề tài nghiên cứu khoa học các cấp và nhiều bài viết công bố trên tạp chí khoa học, trong các hội thảo khoa học. Hiện đang là giảng viên đồng hành và hướng dẫn nhiều thế hệ nghiên cứu sinh trong lĩnh vực văn hóa dân gian...

Phạm Thu Yến từng là nghiên cứu sinh tại Nga một môi trường học thuật nghiêm cẩn có truyền thống và phương pháp lý luận cao cấp. Thời gian học tập, sinh sống và tiếp xúc với nền văn hóa xứ Bạch Dương đã giúp cho Phạm Thu Yến có tầm nhìn rộng mở và khả năng tiếp cận văn hóa dân gian Việt Nam một cách sâu sắc hơn.

Là một gương mặt tiêu biểu trong giới nghiên cứu văn hóa dân gian nhưng Phạm Thu Yến đồng thời là một cây bút thơ giàu chiều sâu nội tâm. Từ những góc nhìn đa chiều liên văn hóa, không chỉ là nhà nghiên cứu Phạm Thu Yến còn là một nhà thơ, người viết bằng sự cảm nhận tinh tế bằng cái nhìn nhân văn, ngôn từ có khả năng khái quát cao. Nhờ giàu trải nghiệm tập thơ “Biết mình trong mắt ai” là minh chứng rõ nét những đặc điểm đó, nó là một hành trình lắng nghe/ đối thoại với chính mình cũng như với cuộc đời.

Trong tập thơ ấy bạn đọc bắt gặp một Phạm Thu Yến sâu sắc lặng lẽ và chân thành nơi mỗi câu chữ như một lần tự vấn, một cách nhìn lại chính mình qua những mối tương quan với người khác và thế giới xung quanh. Thơ của chị không ồn ào, không tìm cách gây ấn tượng tức thì mà chậm rãi thủ thỉ như lời kể của một người hiểu đời, hiểu người, hiểu mình. Chất liệu dân gian truyền thống đôi khi cũng len lỏi vào thơ, tạo nên những tầng nghĩa sâu thẳm cho người đọc. Thơ của chị là sự chiêm nghiệm bằng cả hai vai trò: một giảng viên nghiêm túc trong học thuật và một thi sĩ giàu cảm xúc.

Phạm Thu Yến là cầu nối giữa truyền thống và hiện đại giữa nghiên cứu và sáng tạo. Những đóng góp của chị cả trong giảng dạy hướng dẫn nghiên cứu sinh và trong thi ca đều là những cống hiến âm thầm mà sâu sắc cho nền văn hóa Việt.

*

Bài thơ “Người đàn ông của em” của Phạm Thu Yến trong tập là ví dụ, một bản tình ca lặng lẽ mà sâu lắng, mang đậm hơi thở nữ tính, dịu dàng và thủy chung. Bài thơ không chỉ là lời yêu mà còn là lời tri ân, một hồi tưởng và khẳng định về sự bền chặt, gắn bó giữa hai con người trong hành trình chung sống. Bài thơ mở ra trong không khí mùa thu, một mùa thường gợi đến sự dịu nhẹ, sâu lắng và thi vị. Mùa thu là biểu tượng của những cảm xúc chín, những hoài niệm êm đềm. Không gian mùa thu ở đây gợi nhớ về buổi đầu của tình yêu, nơi hai con người còn ngượng ngùng, vụng về.

Hình ảnh “lần đầu cầm tay, như đất lở dưới chân mình” là một ví von rất độc đáo, cho thấy sức mạnh của cảm xúc, tưởng nhẹ nhàng mà rung chuyển cả tâm hồn. Tình yêu gắn bó, thủy chung qua thời gian. Trọng tâm bài thơ là sự trưởng thành của tình yêu qua “hai mươi mùa thu ở trong nhau”. Đây là thời gian của một đời sống vợ chồng, của tình yêu đã đi qua thử thách, gắn bó trong đời sống thường nhật. “Anh thân thuộc như khí trời em thở” - một cách diễn đạt giản dị nhưng sâu sắc. Người đàn ông không còn là đối tượng của những khao khát xa vời, mà là phần không thể thiếu trong cuộc sống, như hơi thở, như một phần của chính mình.

Tình yêu ấy vừa đằm sâu, vừa nhẹ nhàng, đầy tin cậy. “Em tự tin đi giữa bao người/ Bởi luôn biết có tình anh chân thật”.Bài thơ đối sánh hai tính cách: “Em khao khát đam mê, nồng nhiệt/ Anh đằm sâu neo bến giữa gió lành”. Người phụ nữ thường sống bằng cảm xúc mạnh mẽ, nhưng luôn cần một bờ vai vững chãi, người đàn ông của đời mình. Đó là sự bù trừ tuyệt đẹp trong hôn nhân, trong đời sống lứa đôi. Phạm Thu Yến có đời sống vợ chồng hạnh phúc. Hôn nhân như một hành trình cùng vượt qua: “Ta nắm tay nhau qua những thác ghềnh/ Những vất vả nhọc nhằn không kể hết”.

Tình yêu trong thơ Phạm Thu Yến không phải là điều mơ hồ mà gắn với thực tế, với cuộc sống có “hờn giận”, có “xao lòng”, nhưng trên tất cả là sự tha thứ, gìn giữ. Đó là tình yêu đã “thành vợ thành chồng”, đã hóa thành niềm tin và điều thiêng liêng. Bài thơ là lời thì thầm của hạnh phúc. Câu kết “Người đàn ông của em” là một lời gọi giản dị, không cần mỹ từ, nhưng lại cô đọng toàn bộ cảm xúc bài thơ. Nó là sự khẳng định chủ quyền yêu thương, là tiếng gọi riêng, không cần cao giọng, chỉ cần đủ để người kia hiểu và lặng lẽ mỉm cười. “Người đàn ông của em” là một bài thơ đầy nữ tính, thể hiện vẻ đẹp của một tình yêu bền bỉ, bao dung và chín chắn….

Thơ Phạm Thu Yến nhẹ nhàng mà không nhạt nhòa, đằm sâu mà không nặng nề, có sự hòa quyện giữa trải nghiệm sống và cảm xúc chân thành. Đây không chỉ là bài thơ về tình yêu, mà còn là một minh chứng cho vẻ đẹp của đời sống hôn nhân khi được gìn giữ bởi yêu thương và thấu hiểu:

NGƯỜI ĐÀN ÔNG CỦA EM

Thế là anh ơi, mùa thu lại về
Trăng lại sáng dịu dàng như thuở ấy.
Anh vụng dại, còn em bối rối.
Lần đầu cầm tay, như đất lở dưới chân mình.

Lấp ngượng ngùng em nói huyên thuyên
Lời bất chợt không đầu không cuối.
Và heo may dịu dàng hương cốm mới.
Mặt trời sao thuần khiết ở trên đầu.

Đã hai mươi mùa thu ở trong nhau.
Anh thân thuộc như khí trời em thở.
Mỗi ban mai chim gù bên cửa sổ.
Vẫn rưng rưng điều huyền diệu cuộc đời.

Em tự tin đi giữa bao người.
Bởi luôn biết có tình anh chân thật.
Em khao khát đam mê, nồng nhiệt.
Anh đằm sâu neo bến giữa gió lành.

Ta nắm tay nhau qua những thác ghềnh.
Những vất vả nhọc nhằn không kể hết.
Một thoáng xao lòng, đôi khi hờn giận.
Nhưng có hề chi, khi thu mãi vẫn thu đầu.

Điều thiêng liêng ta trao gửi cho nhau.
Hoa ngày cưới tươi trên bình gốm sẫm.
Anh rạng rỡ nghe tiếng em thầm lặng
“Người đàn ông của em”.

*

Cuộc hôn nhân hạnh phúc ấy đến giờ đã đi qua hành trình gần 40 năm. Tôi hỏi Yến, giàu cảm xúc và rất tinh tế như em, chả lẽ trong suốt thời gian đó không khi nào có một giây xao xuyến một gương mặt khác ngoài chồng? Yến cười. Cái cười của một người phụ nữ hiền hậu và hóm hỉnh: “Tránh sao được chị ơi, nhưng phải cầm lòng thôi, và nhất là, khó ai có thể hơn được người mình đã chọn. Nói thật, số phận đã mang đến cho em một người đàn ông quá xứng đáng. Em không dại gì mà đánh đổi…”.

Nghe thế, tôi chợt nhớ đến bài “Hát với ca dao” của Yến:

Ngập ngừng… hát với ca dao.
Người dưng mà chẳng thế nào dửng dưng
Nói rằng thôi, bảo rằng đừng.
Ai ngăn được gió, ai dừng được mây.
Thôi chào nhé, cánh chim bay.
Bao nhiêu mơ mộng trả cây ngô đồng.
Xin đừng thương nửa, nhớ chừng.
Để cho rồi rối những bòng bong nỗi người.
Lời ca giã bạn hát rồi.
Cầm lòng thôi
Kẻo đò xuôi
Lỡ làng.

Trong 6 chị em, Yến và Kim Nhũ ít tuổi hơn cả. Nhưng hai người này lại thường chăm sóc cả nhóm chúng tôi, chỉ bằng những việc rất nhỏ nhưng chất đầy thương yêu, làm nên nhân tố gắn kết cả nhóm. Không chỉ với chúng tôi, cả hai còn thường âm thầm giúp đỡ những văn nghệ sĩ có hoàn cảnh khó khăn… Cả hai đều có giọng hát hay. Cứ mỗi lần gặp gỡ là họ lại cất tiếng hát. Phạm Thu Yến có gương mặt xinh đẹp, nụ cười tươi tắn luôn nở trên môi, nói năng nhỏ nhẹ, ăn mặc thướt tha, sang trọng. Đặc biệt là nhớ thơ của rất nhiều người. Gặp nhau là Yến đọc thơ.

Phụ nữ chơi được với nhau lâu đã khó, những người có tên tuổi, có tài mà nhường nhịn để ở được bên nhau thì không dễ chút nào. Nhưng chúng tôi đã và đang gắn bó, ấy là bởi chúng tôi biết trân trọng nhau, và hôm nay, khi Yến đang cùng chồng đi Mỹ thăm cháu nội mới sinh, lâu chưa về, tôi bỗng nhớ đến Phạm Thu Yến.

Trần Thị Trường

Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/ly-luan/nguoi-tho-hanh-phuc-pham-thu-yen-i769207/
Zalo