Khám phá vẻ đẹp động Gốc Găng
Động Gốc Găng nằm trong lòng núi đá thuộc xã Lùng Vai, huyện Mường Khương. Trong lòng hang động không chỉ có nhiều nhũ đá đẹp mà còn có những dấu tích mang giá trị quan trọng về khảo cổ học. Hành trình khám phá động Gốc Găng đem lại cho chúng tôi những trải nghiệm khó quên.


Động Gốc Găng nằm trong lòng núi đá thuộc khu vực giáp ranh giữa thôn Lùng Vai và thôn Giáp Cư, xã Lùng Vai, huyện Mường Khương. Động cách đường lớn khoảng 50 m nên việc đi lại khá thuận tiện.

Từ đường chính phải đi qua một nương ngô của người dân, sau đó dễ dàng nhìn thấy cửa động phía ngoài rất rộng, phía trong có khe hẹp dẫn vào lòng động.


Vào trong lòng động khoảng 10 m đã thấy có rất nhiều nhũ đá to và đẹp được thiên nhiên tạo ra. Mặc dù ngoài trời nắng gắt và nóng nhưng trong động rất mát.

Trên trần động có vô số thạch nhũ với hình dáng phong phú, nhiều màu sắc.

Động Gốc Găng có chiều dài hơn 150 m, đoạn rộng nhất khoảng 9 m, độ cao từ mặt động tới trần động khoảng 7 m. Càng vào sâu trong lòng động càng có nhiều nhũ đá đẹp, khi soi đèn vào thấy nhiều màu óng ánh.

Để khám phá vẻ đẹp của hang động không thể thiếu những chiếc đèn pin.

Trong lòng động chia ra 4 cung chính được ngăn cách tự nhiên bởi những vách đá, trong mỗi cung lại có nhiều ngóc ngách, thạch nhũ. Đoạn phía cuối động chỉ rộng khoảng 2 m đủ 1 người chui lọt.

Động Gốc Găng là động cạn nhưng trong lòng vẫn có mạch nước chắt lọc trong lòng núi đá nhỏ giọt xuống, tiếp tục hình thành những nhũ đá mới.

Ở phía cửa động có nhiều vỏ ốc núi bị phong hóa. Năm 2019, đoàn khảo sát của Bảo tàng tỉnh Lào Cai đã phối hợp với Viện Khảo cổ học Việt Nam đào 1 hố thám sát, qua đó phát hiện hàng trăm mảnh ốc núi và một số mảnh sắt. Theo kết luận của Viện Khảo cổ học Việt Nam, các hiện vật tìm được cho thấy có khả năng động là nơi cư trú của người cổ xưa.

Hiện nay, động Gốc Găng đang được Bảo tàng tỉnh Lào Cai lập hồ sơ đề nghị UBND tỉnh công nhận là Di tích danh lam thắng cảnh cấp tỉnh để thuận lợi trong công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích, gắn với phát triển du lịch của địa phương.