Người S'tiêng ở Bình Phước có thêm hai di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

Trong quá trình sinh sống, cộng đồng người S'tiêng ở Bình Phước đã tạo cho mình bản sắc văn hóa độc đáo, đặc sắc, trong đó có nghề đan gùi và nghề dệt thổ cẩm.

Ngày 15/5, tỉnh Bình Phước đã tổ chức Lễ công bố Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đối với Nghề thủ công truyền thống Nghề đan gùi và Nghề dệt thổ cẩm của người S’tiêng.

Bình Phước được biết đến là vùng đất có nhiều dân tộc cùng sinh sống. Trong đó, dân tộc S’tiêng có tỷ lệ dân số đứng thứ hai, với gần 97.000 người, sinh sống tại 11 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh.

 Người S’tiêng gọi hoạt động đan gùi là “tanh”, hình thức trao truyền nghề đan gùi được thực hiện theo cách thức truyền miệng. Ảnh: Bảo tàng tỉnh Bình Phước

Người S’tiêng gọi hoạt động đan gùi là “tanh”, hình thức trao truyền nghề đan gùi được thực hiện theo cách thức truyền miệng. Ảnh: Bảo tàng tỉnh Bình Phước

Với quy mô dân số và lịch sử cư trú lâu đời, cộng đồng người S’tiêng đã tạo cho mình bản sắc văn hóa độc đáo, đặc sắc, trong đó có nghề đan gùi và nghề dệt thổ cẩm.

Gùi của người S’tiêng được đan từ cây lồ ô. Công việc đan gùi trải qua nhiều công đoạn. Trong đó, quan trọng nhất là chọn cây lồ ô thẳng, lóng dài, không được non và không được già quá.

Khi đã chọn được cây lồ ô vừa ý, thì dùng dao cạo lớp vỏ bên ngoài, chẻ mỏng theo kích cỡ mong muốn, rồi vót trơn bề mặt mỗi nan và tẩm màu cho nan nhằm tạo hoa văn theo ý muốn rồi đan gùi.

Khi đan, người thợ phải đan phần đáy trước, sau đó mới làm khung để đan thân gùi rồi đến miệng, đan xong chiếc gùi được đưa lên gác bếp nhằm tăng độ bền.

 Hoa văn trang trí hình đầu gà trên quai gùi của người S’tiêng. Ảnh: Bảo tàng tỉnh Bình Phước

Hoa văn trang trí hình đầu gà trên quai gùi của người S’tiêng. Ảnh: Bảo tàng tỉnh Bình Phước

Nghề dệt thổ cẩm là nghề truyền thống của phụ nữ S’tiêng. Ngày xưa, các thiếu nữ S’tiêng tuổi từ 13-15 sẽ được bà, mẹ dạy dệt thổ cẩm. Nguyên liệu dệt làm từ cây rừng, phải tách lấy vỏ ngoài của cây, tước thành sợi nhỏ, se lại thành sợi dệt. Nếu làm từ bông, phải trồng bông, chờ thu hoạch để se sợi, nhuộm màu rồi mới tiến hành dệt.

Để có các màu tạo ra hoa văn, người S’tiêng lấy nguyên liệu từ tự nhiên để nhuộm màu. Muốn tạo được các hoa văn tinh xảo, độc đáo, người dệt phải có hoa tay, óc thẩm mỹ, sự am tường về các đường nét, màu sắc, hình khối. Ngày nay, hoa văn trên vải thổ cẩm cũng được một số phụ nữ S’tiêng sáng tạo, bổ sung cho phù hợp cuộc sống hiện đại và thị hiếu người tiêu dùng.

Theo “Địa chí Bình Phước”, thổ cẩm là loại vải dệt thủ công, có họa tiết xen kẽ, nổi lên trên bề mặt vải giống như thêu. Những hoa văn màu sắc này đem lại sự nổi bật cho tấm vải.

 Phụ nữ đồng bào S'tiêng ở huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước trình diễn dệt thổ cẩm. Ảnh: K.Thắng

Phụ nữ đồng bào S'tiêng ở huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước trình diễn dệt thổ cẩm. Ảnh: K.Thắng

Các sản phẩm thổ cẩm cũng như gùi của người S’tiêng Bình Phước ngoài được sử dụng để phục vụ nhu cầu cuộc sống thường ngày, còn là sản phẩm được sử dụng làm vật trao tặng nhằm thể hiện tình cảm quý trọng, thiêng liêng giữa các thế hệ, gắn kết trong cộng đồng xã hội. Hiện trong dân tộc S’tiêng còn khá ít người theo những nghề này, thường là người người lớn tuổi.

Nghề thủ công dệt thổ cẩm của người S’tiêng tỉnh Bình Phước được Bộ VHTT&DL đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia vào tháng 2/2024. Trước đó vào tháng 3/2023, nghề đan gùi của người S’tiêng cũng được đưa vào danh mục này.

Việc Nghề dệt thổ cẩm và Nghề đan gùi của người S’tiêng tỉnh Bình Phước được đưa vào Danh mục văn hóa phi vật thể quốc gia không chỉ là sự tôn vinh và khẳng định những giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học của nghề truyền thống mà còn là sự ghi nhận những nỗ lực của các nghệ nhân và cộng đồng người S’tiêng đối với việc duy trì, bảo tồn và phát huy giá trị đối với những nghề truyền thống này.

 Khu vực trưng bày sản phẩm dệt thổ cẩm của huyện Phú Riềng. Ảnh: K.Thắng

Khu vực trưng bày sản phẩm dệt thổ cẩm của huyện Phú Riềng. Ảnh: K.Thắng

Như vậy, đến nay tỉnh Bình Phước có 7 di sản được ghi vào Danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia, gồm: Lễ hội Miếu Bà Rá ở thị xã Phước Long; Tri thức dân gian, nghề thủ công truyền thống Kỹ thuật chế biến rượu cần của người S’tiêng; Lễ hội truyền thống, tập quán xã hội và tín ngưỡng Lễ hội Dua Tpeng (Phá Bàu) của người Khmer xã Lộc Khánh, huyện Lộc Ninh; Lễ hội cầu bông của người Kinh huyện Hớn Quản, huyện Chơn Thành, huyện Bù Đăng, thị xã Bình Long; Nghề dệt thổ cẩm của người Mơ Nông và nghề đan gùi của người S’tiêng huyện Bù Đăng, huyện Bù Gia Mập, huyện Hớn Quản, huyện Lộc Ninh và nghề dệt thổ cẩm của người S’tiêng.

Khánh Ngọc

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/nguoi-stieng-o-binh-phuoc-co-them-hai-di-san-van-hoa-phi-vat-the-quoc-gia-post295617.html
Zalo