Người nặng lòng với dân ca Tày

Hơn 30 năm kể từ ngày rời quê hương Cao Bằng vào Gia Lai lập nghiệp, ông Mã Văn Chức (SN 1961, tổ 3, thị trấn Phú Thiện) vẫn nặng lòng với văn hóa dân tộc Tày. Hơn 100 bài hát đã được ông sáng tác theo làn điệu dân ca Tày với mong muốn 'giữ lửa' cho âm nhạc dân gian.

Lớn lên cùng tiếng hát

Ông Chức sinh ra và lớn lên ở xóm Bằng Ca, xã Lý Quốc, huyện Hạ Lang, tỉnh Cao Bằng. Ông Mã Văn Chủng (bố ông Chức) vốn là “cây văn nghệ” nổi tiếng trong vùng khi vừa biết đánh đàn, vừa hát hay và sáng tác được nhiều làn điệu dân ca. Ngoài ra, bố của ông cũng thường xuyên sưu tầm những câu chuyện cổ, những bản ca kịch của người Tày nên ông cũng được thừa hưởng từ bộ sưu tập ấy.

 Ông Chức chơi thành thạo các loại nhạc cụ truyền thống. Ảnh: Văn Ngọc

Ông Chức chơi thành thạo các loại nhạc cụ truyền thống. Ảnh: Văn Ngọc

Từ khi còn chập chững, ông Chức đã ở trên lưng mẹ lẽo đẽo theo bố biểu diễn khắp nơi trong tỉnh. Có lẽ vì thế, những lời ca, tiếng hát, âm nhạc dân gian của người Tày dần ngấm vào trong máu của ông tự bao giờ. Ban đầu, ông Chức mày mò học chơi đàn tính. Thấy con trai đam mê âm nhạc nên bố ông cũng tận tình chỉ dạy. “Ngày ấy, cơm không đủ ăn, bố mẹ thường phải đào củ rừng ăn chống đói. Vậy mà những buổi biểu diễn của đội văn nghệ xóm tôi, do bố tôi làm đội trưởng, lại thu hút rất đông người đến xem. Từ nhiều ngôi làng, họ lặn lội trèo đèo lội suối để tìm đến. Các cô chú trong đội văn nghệ hát rất hay, giọng ca trong trẻo mà đến tận bây giờ khi nhớ lại, tôi vẫn thấy như tiếng hát đang văng vẳng bên tai”-ông Chức bồi hồi kể.

Năm 1979, chiến tranh biên giới phía Bắc nổ ra đã phá vỡ cuộc sống yên bình của các ngôi làng miền biên viễn Hạ Lang. Dân bản phải đi lánh nạn khi quân giặc tràn qua biên giới. Đội văn nghệ của ông Chủng tan rã, tứ tán mỗi người một nơi. Đó cũng là năm ông Chức lên đường tòng quân thực hiện nghĩa vụ quân sự tại Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Cao Bằng khi tròn 18 tuổi.

Sau hơn 4 năm khoác lên mình màu áo lính, ông Chức xuất ngũ và về nhận công tác tại Công ty Xây lắp thuộc Sở Xây dựng tỉnh Cao Bằng. Đến năm 1988, ông xin về công tác tại Phòng Văn hóa-Thông tin của huyện Hạ Lang. Với công việc này, ông càng có cơ hội nuôi dưỡng đam mê ca hát và sáng tác. Ông thường xuyên đi đến các bản làng tìm gặp những vị cao niên để bổ sung vào bộ sưu tập các bài hát dân ca của người Tày. Từ làn điệu nền đó, ông sáng tác các phần lời khác nhau để phục vụ biểu diễn phù hợp với từng địa phương cũng như các sự kiện.

Đời sống kinh tế khó khăn, bà con họ hàng của gia đình ông Chức đã di cư vào huyện Phú Thiện (huyện Ayun Pa cũ) tìm kế mưu sinh. Năm 1993, ông Chức cũng quyết định cùng vợ con khăn gói lên chuyến xe khách từ biên giới phía Bắc vào vùng đất Tây Nguyên. Hành trang năm ấy của ông ngoài một vài bộ quần áo là chiếc đàn tính và cây sáo.

“Nhạc sĩ” tài hoa

Đến vùng đất mới với 2 bàn tay trắng, ông Chức xin vào làm bưu tá tại Bưu điện huyện Phú Thiện. Từ sáng sớm đến tối mịt, ông rong ruổi khắp các con đường để chuyển thư, báo. Những tưởng cuộc sống vất vả sẽ chôn vùi đam mê âm nhạc của ông, thế nhưng, mỗi khi gác lại công việc, ông lại sáng tác thơ rồi phổ nhạc theo làn điệu dân ca.

Nội dung các tác phẩm của ông chủ yếu là ca ngợi Đảng, Bác Hồ, thể hiện tình yêu quê hương, đất nước, tình yêu đôi lứa… Có thể kể đến những bài như: “Xuân mà Tây Nguyên chứ Cao Bằng” viết về cuộc sống đổi thay của người Tày tại vùng đất Tây Nguyên nhưng vẫn một lòng nhớ cố hương; “Ba Đình Bác nòn đắc vạn xuân” viết về công ơn vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh; “Mà Pác Ngà, Ngọc Côn Quê Noọng” viết về vẻ đẹp của miền quê Cao Bằng; “Chứ tẻo vằn nước rườn Thống Nhất” viết về niềm vui chiến thắng, niềm vui hòa bình nhân dịp kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước…

 Ông Chức đã đạt được nhiều giải khi tham gia các hội diễn trong cả nước. Ảnh: Văn Ngọc

Ông Chức đã đạt được nhiều giải khi tham gia các hội diễn trong cả nước. Ảnh: Văn Ngọc

Tính đến thời điểm hiện tại, ông Chức đã sáng tác hơn 100 bài hát. Bên cạnh tự thể hiện ca khúc và quay lại để đăng tải lên mạng xã hội, ông còn gửi các bài hát đến cộng đồng người Tày trong cả nước để những ai có cùng đam mê như mình đều có thể hát. Trong đó, Câu lạc bộ “Hát Then Đàn Tính Hà Nội” và Công ty TNHH Văn hóa Việt Media đã tiếp nhận ca khúc của ông, bố trí ca sĩ hát, dựng video và đăng tải trên các nền tảng mạng xã hội; được nhiều người yêu dân ca Tày đón nhận.

Nổi bật như bài hát “Gửi về làng Nủ” được ông Chức sáng tác khi chứng kiến cảnh ngôi làng ở Tây Bắc bị xóa sổ trong đợt lũ quét kinh hoàng sau bão Yagi vào tháng 9-2024. Bài hát này được ca sĩ Song Mỷ hát, khi đăng tải lên trang Facebook của Hát Then Đàn Tính Hà Nội đã có gần 500 ngàn lượt xem, 7,5 ngàn lượt thích, gần 800 bình luận và hơn 2,3 ngàn lượt chia sẻ. Các ca từ đầy xúc động như “Cả làng bỗng phút chốc tan hoang/Lũ bùn đất cuốn tràn vùi lấp/Cuốn nhà cửa, ruộng đất, trâu bò/Bao tính mạng quắp co lòng đất”… đã làm động lòng bao khán thính giả. Nhiều người đã bình luận cảm ơn nhạc sĩ đã viết lên bài hát sâu sắc, da diết, nói lên nỗi mất mát quá lớn của làng Nủ. Bên cạnh đó là tình đoàn kết, giúp đỡ nhau trong lúc hoạn nạn. “Là người Tày, tôi càng cảm nhận sâu sắc hơn bao giờ hết qua làn điệu then của dân tộc mình”-tài khoản San Đinh bình luận. Còn tài khoản Chiều Mai thì tâm đắc: “Bài then hay quá, đằm thắm nghĩa tình của toàn Đảng, toàn dân”…

Đáng chú ý, nhiều bài hát của ông Chức còn được mang đi biểu diễn ở các chương trình văn hóa trong cả nước và đạt giải cao. Đơn cử như giải nhì tại Cuộc thi hát then đàn tính Hà Nội, giải nhất tại lễ hội Thanh minh huyện Ea H’leo (tỉnh Đắk Lắk)… Công ty TNHH Văn hóa Việt Media cũng đã tặng giấy khen vinh danh “Nhà sáng tác xuất sắc về dân ca Tày-Nùng” năm 2023 và “Sáng tác giỏi-Giọng hát hay” năm 2022 cho ông Chức.

Với uy tín của một cựu chiến binh, ông Chức đã có nhiều năm giữ vai trò của Trưởng thôn, Bí thư Chi bộ tổ dân phố 3 (thị trấn Phú Thiện), đồng thời làm Trưởng ban liên lạc Hội đồng hương người Tày tại huyện Phú Thiện. Trên những cương vị này, ông đã thành lập một nhóm với 20 thành viên là những người đam mê dân ca Tày-Nùng để sinh hoạt đàn, hát. Nhóm của ông thường xuyên tham gia các sự kiện văn hóa tại địa phương cũng như ngày hội văn hóa các dân tộc tỉnh Gia Lai trong nhiều năm qua. “Điều tôi trăn trở nhất là việc các bài dân ca truyền thống sẽ bị mai một bởi lớp trẻ không còn nhiều người đam mê nó nữa. Người biết chơi các loại nhạc cụ truyền thống của người Tày cũng dần ít đi. Do đó, tôi cùng các thành viên trong nhóm thường xuyên sinh hoạt, trau dồi kỹ năng và đặc biệt vận động, truyền dạy cho lớp trẻ biết chơi đàn, nhớ các làn điệu đặc trưng của người Tày để gìn giữ cho mai sau”-ông Chức tâm sự.

Bà Kpă Loan-Phó Trưởng phòng Văn hóa-Khoa học và Thông tin huyện Phú Thiện-cho biết: “Ông Mã Văn Chức là người rất tâm huyết với âm nhạc dân gian của người Tày. Sáng tác của ông giữ được nguyên bản các làn điệu dân ca đặc trưng, không bị pha tạp. Ông cũng rất kỳ công sưu tầm các làn điệu ấy và như một kho tàng sống về dân ca Tày. Là một đảng viên, ông cũng rất nhiệt tình tham gia các sự kiện văn hóa của địa phương. Đơn vị thường xuyên phối hợp chặt chẽ với ông Chức để chung tay bảo tồn nét đẹp văn hóa dân tộc”.

LÊ VĂN NGỌC

Nguồn Gia Lai: https://baogialai.com.vn/nguoi-nang-long-voi-dan-ca-tay-post321080.html
Zalo