Người Mỹ tích trữ tiền mặt nhiều nhất hơn 30 năm
Theo dữ liệu từ hiệp hội các quỹ đầu tư lớn trên thế giới Investment Company Institute (ICI), giá trị tài sản của nhà đầu tư Mỹ trong quỹ thị trường tiền tệ (MMF) đang ở mức cao kỷ lục trong vòng hơn 30 năm trở lại đây.

Tính đến ngày 3/4, lượng tiền mặt tại các quỹ MMF đã tăng lên mức kỷ lục 7,4 nghìn tỷ USD - Ảnh minh họa
Lượng tiền mặt tại các quỹ MMF tăng lên mức kỷ lục
Các quỹ MMF thường nắm giữ những tài sản rủi ro thấp, dễ thanh khoản, trong đó có trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn ngắn.
Xu hướng gửi tiền vào các MMF tăng vọt vào đầu tháng 4 sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump chính thức thông báo kế hoạch công bố thuế đối ứng sau nhiều lần úp mở.
Theo chính sách này, chính quyền Trump áp thuế quan cơ sở 10% từ ngày 5/4 với hầu hết đối tác thương mại và mức cao hơn, dao động từ 11% đến 50%, với những nước có thặng dư thương mại với Mỹ từ ngày 9/4. Nhưng chưa đầy 1 ngày sau khi toàn bộ thuế đối ứng có hiệu lực, ông Trump bất ngờ tuyên bố đưa toàn bộ thuế quan đối ứng về mức cơ sở 10% với tất cả đối tác thương mại bị áp thuế này trong 90 ngày, nhưng riêng thuế quan với Trung Quốc tăng thêm 125%.
Dữ liệu từ công ty Crane Data cho thấy chỉ trong vài ngày đầu tháng 4, các nhà đầu tư đã gửi hơn 60 tỷ USD vào các quỹ MMF tại Mỹ. Tính đến ngày 3/4, lượng tiền mặt tại các quỹ này tăng lên mức kỷ lục 7,4 nghìn tỷ USD - con số cao nhất kể từ năm 1991.
Tuy nhiên, trên thực tế, “cơn sốt” MMF đã bắt đầu từ lâu trước khi cú sốc thuế quan của ông Trump xuất hiện. Theo dữ liệu thống kê khác từ ICI, lượng tiền mặt gửi tại các MMF Mỹ đã tăng 60% trong 5 năm qua, từ 4,4 nghìn tỷ USD lên hơn 7 nghìn tỷ USD - tính tới ngày 2/4.
Trong các giai đoạn khủng hoảng trước đây, tài sản tại các quỹ MMF tăng vọt như trong khủng hoảng tài chính năm 2008, giai đoạn đầu của Covid-19 và sau khi ngân hàng Silicon Valley Bank sụp đổ vào năm 2023.
Theo các nhà phân tích, nguyên nhân của sự gia tăng này là tính an toàn khi tiền gửi vào các MMF trong bối cảnh các khoản đầu tư khác đối mặt biến động mạnh. Nhưng một nguyên nhân quan trọng khác là lợi nhuận.
Kể từ khi Fed bắt đầu tăng lãi suất mạnh tay vào năm 2022 để chống lạm phát sau đại dịch Covid, các MMF đã đưa ra mức lợi nhuận ngày càng hấp dẫn với mức bình quân hiện tại là 4,2%, tăng từ mức gần bằng 0% chỉ vài năm trước. Kể cả khi Fed đã hạ lãi suất vài lần, các nhà đầu tư vẫn không rút tiền. Theo giới chuyên gia, các MMF giờ đang ngày càng trở thành một nơi để nhà đầu tư phân bổ tài sản dài hạn, chứ không chỉ là một nơi “tạm thời gửi tiền” để chờ qua khủng hoảng như trước đây.
Số doanh nghiệp Mỹ phá sản tăng kỷ lục

Tính đến tháng Ba, đã có 188 công ty lớn tại Mỹ nộp đơn xin phá sản - Ảnh minh họa
Việc đa dạng hóa kênh đầu tư trong giai đoạn hiện nay của các nhà đầu tư Mỹ cũng là điều dễ hiểu khi các kênh đầu tư khác đang rất khó dự đoán trước sự leo thang của cuộc chiến thương mại. Lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm và 30 năm đã tăng lên trong hai phiên 9-10/4. Một số nhà phân tích cho rằng đây là dấu hiệu cho thấy thị trường đang dần mất niềm tin vào triển vọng tăng trưởng của Mỹ.
Bên cạnh đó, trong phiên 10/4, thị trường chứng khoán đã đánh mất phần lớn mức tăng ấn tượng của phiên trước đó. Mức chênh lệch lãi suất mà các công ty có độ tín nhiệm thấp phải trả khi vay vốn chỉ giảm nhẹ, trong khi mức phí bảo hiểm rủi ro cho trái phiếu hạng cao lại tăng lên đôi chút.
Ngoài ra, việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp có nguy cơ chững lại, khi các công ty có độ tín nhiệm cao nhất chỉ huy động được 10 tỷ USD trong tháng Tư này, so với mức 190 tỷ USD trong cùng kỳ tháng Ba.
Chi phí đi vay của doanh nghiệp tăng cao và việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp chậm lại nói trên có thể báo hiệu sự sụt giảm trong chi tiêu đầu tư sắp tới. Đồng thời, đây cũng có thể là dấu hiệu báo trước những khó khăn cho các doanh nghiệp yếu khi họ phải vật lộn để tái cấp vốn hoặc trang trải chi phí nợ vay cao hơn.
Theo thống kê của Công ty phân tích thị trường S&P Global Market Intelligence cho thấy trong quý I/2025, số lượng công ty lớn của Mỹ nộp đơn xin phá sản đã tăng lên mức cao nhất trong 15 năm.
Cụ thể, tính đến tháng Ba, đã có 188 công ty lớn nộp đơn xin phá sản, vượt xa con số 139 của cùng kỳ năm ngoái và chỉ kém kỷ lục 254 đơn của quý I/2010.
Một số cái tên nổi bật tuyên bố phá sản trong tháng Ba gồm: nhà bán lẻ Forever 21, công ty viễn thông Mitel Networks và hãng sản xuất phim Village Roadshow Entertainment Group. Hai thương hiệu quen thuộc khác là công ty xét nghiệm gen 23andMe và chuỗi nhà hàng Hooters of America cũng đã phải đối mặt với tình cảnh tương tự.
S&P Global Market Intelligence nhận định, các công ty, đặc biệt là những công ty có tình hình tài chính yếu kém, đang gặp khó khăn do phải tái cấp vốn với lãi suất cao hơn so với thời điểm vay ban đầu. Trong những năm gần đây, số lượng doanh nghiệp phá sản liên tục gia tăng. Theo Bloomberg News, số doanh nghiệp nộp đơn phá sản nhiều lần trong năm 2023 và 2024 là mức cao nhất kể từ năm 2020.