Người mắc bệnh về gan chớ dại ăn những thực phẩm này kẻo 'mang thêm họa'

Gan đóng vai trò vô cùng quan trọng trong cơ thể, thực hiện hàng trăm chức năng thiết yếu, từ giải độc, chuyển hóa chất dinh dưỡng đến sản xuất protein. Khi gan bị tổn thương, chức năng này suy giảm, và việc lựa chọn thực phẩm phù hợp trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.

Thực phẩm chế biến sẵn, đồ ngọt công nghiệp

Các loại thực phẩm chế biến sẵn như xúc xích, lạp xưởng, đồ hộp... thường chứa nhiều chất phụ gia, chất bảo quản, muối và chất béo bão hòa, gây áp lực lớn lên gan trong quá trình chuyển hóa và giải độc. Tương tự, đồ ngọt công nghiệp như bánh kẹo, nước ngọt có ga chứa lượng đường fructose cao, khi tiêu thụ quá nhiều sẽ chuyển hóa thành chất béo, tích tụ trong gan gây ra tình trạng gan nhiễm mỡ không do rượu (NAFLD). Tình trạng này nếu kéo dài có thể dẫn đến viêm gan và xơ gan.

Thực phẩm chiên rán nhiều dầu mỡ

Các món ăn chiên rán ngập dầu mỡ, đồ ăn nhanh chứa nhiều chất béo bão hòa và chất béo chuyển hóa (trans fat) là "gánh nặng" cho gan. Gan phải làm việc vất vả hơn để tiêu hóa lượng chất béo này, đồng thời làm tăng lượng cholesterol xấu trong máu, gây ra tình trạng gan nhiễm mỡ và các vấn đề tim mạch. Người bệnh gan nên hạn chế tối đa các loại thực phẩm này để giảm tải cho gan và bảo vệ sức khỏe tổng thể.

Nhiều thực phẩm tưởng vô hại nhưng lại “đại kỵ” với những người mắc bệnh về gan. Ảnh: Daily Express

Nhiều thực phẩm tưởng vô hại nhưng lại “đại kỵ” với những người mắc bệnh về gan. Ảnh: Daily Express

Thực phẩm chứa nhiều muối

Tiêu thụ quá nhiều muối không chỉ gây hại cho tim mạch và huyết áp mà còn ảnh hưởng đến chức năng gan. Muối làm tăng tình trạng giữ nước trong cơ thể, gây phù nề và làm tăng áp lực lên gan. Người bệnh gan nên hạn chế các loại thực phẩm chế biến sẵn, đồ ăn mặn, dưa muối, cà muối và nêm nếm gia vị một cách vừa phải trong quá trình nấu nướng.

Thực phẩm giàu protein động vật (thịt đỏ)

Protein là dưỡng chất cần thiết cho cơ thể, nhưng đối với người bệnh gan, việc tiêu thụ quá nhiều protein động vật, đặc biệt là thịt đỏ (thịt bò, thịt cừu, thịt lợn) có thể tạo ra gánh nặng cho gan trong quá trình chuyển hóa. Khi gan suy yếu, khả năng xử lý các sản phẩm phụ của quá trình chuyển hóa protein cũng giảm sút, có thể dẫn đến các vấn đề về não gan (hepatic encephalopathy) ở những trường hợp nặng. Người bệnh gan nên ưu tiên các nguồn protein dễ tiêu hóa hơn như thịt trắng (gà, cá), trứng và các loại đậu.

Thực phẩm sống hoặc tái chế biến không kỹ

Thực phẩm sống hoặc tái chế biến không kỹ (như gỏi cá, nem chua, rau sống không đảm bảo vệ sinh) tiềm ẩn nguy cơ chứa vi khuẩn, virus và ký sinh trùng gây hại. Đối với người có chức năng gan suy giảm, hệ miễn dịch thường kém hơn, do đó nguy cơ nhiễm trùng và các biến chứng sẽ cao hơn. Việc đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, ăn chín uống sôi là vô cùng quan trọng đối với người bệnh gan.

Rượu bia và đồ uống có cồn

Gan là cơ quan chính chịu trách nhiệm chuyển hóa cồn. Khi lượng cồn đưa vào cơ thể quá nhiều, gan phải làm việc quá sức, dẫn đến tổn thương tế bào gan, gây viêm gan, gan nhiễm mỡ, xơ gan và thậm chí ung thư gan. Đối với người bệnh gan, dù chỉ một lượng nhỏ cồn cũng có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng, làm tổn thương gan thêm trầm trọng và cản trở quá trình điều trị.

CTV Thu Phương/VOV.VN (Biên dịch) Theo Very Well Health và WebMD

Nguồn VOV: https://vov.vn/suc-khoe/nguoi-mac-benh-ve-gan-cho-dai-an-nhung-thuc-pham-nay-keo-mang-them-hoa-post1195545.vov
Zalo