Người mắc bệnh tiền đình cần làm gì để nhanh khỏi, không bị tái phát

Người bị hội chứng rối loạn tiền đình cần được chẩn đoán và điều trị sớm có thể giúp giảm triệu chứng. Tuyệt đối không tự ý sử dụng bất kỳ loại thuốc nào khi chưa có chỉ định của bác sĩ.

Hội chứng tiền đình tuy không trực tiếp gây nguy hiểm đến tính mạng người bệnh nhưng rất hay tái phát, gây khó chịu, làm ảnh hưởng đến công việc, cuộc sống...

Tiền đình là vùng nằm ở phía sau ốc tai (hai bên), là một hệ thống có vai trò quan trọng trong duy trì tư thế, dáng bộ, phối hợp cử động mắt, đầu và thân mình. Có 2 loại rối loạn tiền đình: rối loạn tiền đình ngoại biên do tổn thương tai trong hoặc dây thần kinh tiền đình và rối loạn tiền đình trung ương do tổn thương nhân tiền đình hay các đường liên hệ của các nhân dây này ở thân não, tiểu não.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Dấu hiệu nhân biết người bị rối loạn tiền đình

Theo các bác sĩ Trung tâm Đột quỵ Bệnh viện Đa khoa Phú Thọ, bệnh tiền tình thường có những biểu hiện sau:

- Chóng mặt: Người bệnh có cảm giác xoay vòng (vertigo) hoặc mất thăng bằng. Triệu chứng này có thể xuất hiện đột ngột và kéo dài từ vài giây đến vài giờ.

- Buồn nôn và nôn: Nhiều người gặp cảm giác buồn nôn khi bị chóng mặt, có thể dẫn đến nôn mửa, nhất là khi di chuyển.

- Mất thăng bằng: Người bệnh thường khó khăn trong việc đứng vững hoặc đi lại hoặc cảm thấy như sàn nhà đang lắc lư hoặc rung chuyển.

- Ù tai: Nghe thấy tiếng ù hoặc tiếng vo ve trong tai, thường xuất hiện đồng thời với triệu chứng chóng mặt.

- Nhìn mờ: Thị lực có thể bị ảnh hưởng, làm cho người bệnh cảm thấy khó khăn trong việc nhìn rõ, đặc biệt khi di chuyển.

- Mệt mỏi và kém tập trung: Cảm giác mệt mỏi và khó khăn trong việc tập trung vào công việc hoặc các hoạt động hàng ngày.

Nguy cơ tiềm ẩn do bệnh tiền đình gây ra

- Gây chấn thương: Với triệu chứng mất thăng bằng, nguy cơ té ngã và chấn thương tăng cao, đặc biệt ở người cao tuổi.

- Tác động tâm lý: Việc thường xuyên phải sống chung với các triệu chứng như chóng mặt và buồn nôn có thể dẫn đến lo âu, trầm cảm, hoặc cảm giác cô đơn.

- Mắc các bệnh lý khác: Người mắc hội chứng tiền đình có thể có nguy cơ cao hơn mắc các bệnh lý nền như tiểu đường, bệnh tim mạch, và các rối loạn thần kinh.

- Hạn chế hoạt động hằng ngày: Các triệu chứng có thể làm cho người bệnh hạn chế tham gia các hoạt động xã hội, công việc và thậm chí là việc lái xe.

Cần làm gì khi có dấu hiệu tiền đình?

Hội chứng tiền đình có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống hàng ngày. Nếu bạn hoặc người thân gặp phải những dấu hiệu này, việc tìm kiếm sự tư vấn từ bác sĩ chuyên khoa là rất quan trọng. Chẩn đoán và điều trị sớm có thể giúp giảm triệu chứng và cải thiện chất lượng cuộc sống.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Khi triệu chứng tiền đình xuất hiện, hãy thực hiện các bước sau:

- Ngồi hoặc nằm nghỉ: Tìm chỗ an toàn để tránh té ngã.

- Hít thở sâu: Giúp giảm lo âu.

- Tránh cử động đột ngột: Di chuyển từ từ.

- Uống nước: Đảm bảo cơ thể đủ nước.

- Tìm nơi yên tĩnh: Tránh ánh sáng mạnh và tiếng ồn.

- Ghi chép triệu chứng: Theo dõi tần suất và mức độ để thông báo bác sĩ.

- Tìm sự giúp đỡ: Gọi người thân nếu cần hỗ trợ.

- Hẹn bác sĩ: Nếu triệu chứng kéo dài hoặc nghiêm trọng.

Lưu ý: Tuyệt đối không tự ý sử dụng bất kỳ loại thuốc nào khi chưa có chỉ định của bác sĩ.

M.H (th)

Nguồn GĐ&XH: https://giadinh.suckhoedoisong.vn/nguoi-mac-benh-tien-dinh-can-lam-gi-de-nhanh-khoi-khong-bi-tai-phat-172250109223417601.htm
Zalo