Người mắc bệnh mạn tính có nên tiêm vaccine cúm?

Với người mắc bệnh mạn tính, các triệu chứng của bệnh cúm có thể nặng nề hơn, gây ảnh hưởng đến sức khỏe.

 Tiêm vaccine là biện pháp hiệu quả để ngừa bệnh cúm. Ảnh: Freepik.

Tiêm vaccine là biện pháp hiệu quả để ngừa bệnh cúm. Ảnh: Freepik.

Hầu hết mọi người đều nên tiêm vaccine cúm hàng năm. Tuy nhiên, một số trường hợp đặc biệt có thể cần cân nhắc kỹ hoặc thậm chí không nên tiêm. Với những nhóm này, vaccine cúm có thể gây ra rủi ro nghiêm trọng, thậm chí đe dọa tính mạng.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến cáo, các nhóm sau đây không nên tiêm vaccine cúm:

Trẻ dưới 6 tháng tuổi: Hệ miễn dịch của trẻ lúc này chưa phát triển đầy đủ để tạo ra phản ứng cần thiết đối với vaccine.
Người từng bị phản ứng dị ứng nghiêm trọng với vaccine cúm hoặc các thành phần của vaccine như gelatin.
Người đang sốt cao hoặc vừa nhập viện: Trong những trường hợp này, bác sĩ có thể khuyên nên hoãn tiêm cho đến khi tình trạng sức khỏe ổn định.

Trong trường hợp người có bệnh mạn tính hoặc lo ngại về tình trạng sức khỏe tổng thể, trừ khi thuộc nhóm chống chỉ định trên, bạn thậm chí càng nên tiêm vaccine cúm hơn, theo Medical News Today. Tuy nhiên, việc làm này nên được thực hiện sau khi thông qua ý kiến bác sĩ. Những người có nguy cơ cao bị biến chứng nặng khi mắc cúm bao gồm:

Người cao tuổi: Hệ miễn dịch suy yếu theo tuổi tác khiến họ dễ bị biến chứng nặng. Phần lớn các ca nhập viện và tử vong do cúm hàng năm xảy ra ở người trên 65 tuổi.
Trẻ nhỏ: Đặc biệt là trẻ dưới 5 tuổi, nhất là trẻ dưới 2 tuổi. Cúm khiến hàng chục nghìn trẻ phải nhập viện và hàng trăm ca tử vong mỗi năm.
Người mắc hen suyễn: Đường thở nhạy cảm dễ bị virus cúm làm bùng phát cơn hen nặng hoặc gây viêm phổi.
Người mắc bệnh tim: Cúm làm tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim và đột quỵ ở những người có bệnh tim mạch.
Phụ nữ mang thai: Thai kỳ làm thay đổi hệ miễn dịch, làm tăng nguy cơ biến chứng. Ngoài ra, sốt cao do cúm cũng có thể ảnh hưởng xấu đến thai nhi.
Người mắc ung thư hoặc từng điều trị ung thư máu: Hệ miễn dịch suy yếu khiến họ dễ bị biến chứng nặng khi nhiễm cúm.

Nếu bạn không thể tiêm vaccine cúm, hoặc ngay cả khi đã tiêm, bạn vẫn nên áp dụng các biện pháp phòng bệnh khác trong mùa cúm:

Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và nước.
Hạn chế đưa tay chạm vào mắt, mũi, miệng.
Tránh tiếp xúc gần với người đang bị cúm hoặc cảm lạnh.
Đi khám sớm nếu có dấu hiệu nhiễm cúm, nhất là khi bạn thuộc nhóm nguy cơ cao hoặc sống chung với người có nguy cơ cao. Bác sĩ có thể chỉ định thuốc kháng virus để giảm nhẹ triệu chứng và rút ngắn thời gian bệnh.

Kỳ Duyên

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/nguoi-mac-benh-man-tinh-co-nen-tiem-vaccine-cum-post1549416.html
Zalo