Người Hải Dương gìn giữ giếng làng

Đi khắp các địa phương ở Hải Dương, tôi chợt nhận ra nhiều giếng làng - mạch nguồn sự sống của các vùng quê nghèo thuở xưa đang được các thế hệ hôm nay cải tạo, trân trọng gìn giữ.

Giếng làng ở rất nhiều thôn, khu dân cư tại Hải Dương được gìn giữ, tôn tạo

Giếng làng ở rất nhiều thôn, khu dân cư tại Hải Dương được gìn giữ, tôn tạo

Hồi sinh

Về thăm thôn Nghĩa Phú, xã Cẩm Vũ (Cẩm Giàng) - quê hương của Đại danh y, thiền sư Tuệ Tĩnh, tôi ấn tượng khi vùng quê này còn lưu giữ được nhiều trầm tích văn hóa. Ông Nguyễn Văn Bàng, Bí thư chi bộ, trưởng thôn hồ hởi khoe: "Nói về giếng làng có lẽ hiếm nơi nào có nhiều như ở thôn này. Cả thôn chúng tôi có 5 cái giếng, tất cả vẫn còn nguyên vẹn. Giếng Chùa nằm trong khuôn viên chùa Ngọc Khê, giếng Đình nằm trong khuôn viên đình Nghĩa Phú, những giếng còn lại nằm rải rác ở các xóm trong thôn".

Tôi hỏi các cụ cao niên ở thôn Nghĩa Phú nhưng không một ai biết 5 cái giếng trên có từ bao giờ. Họ chỉ nhớ từ khi còn bé, hằng ngày vẫn theo chân các bà, các mẹ ra giếng gánh nước về tích trong chum sành để nấu ăn. Buổi tối mùa hè, dân làng thường rủ nhau ra bờ giếng ngồi hóng gió. Lũ trẻ cũng theo ông bà, cha mẹ ra đây chơi, nô đùa. Lúc khát thì múc nước giếng lên uống. Ông Đặng Tiến Lộc, 77 tuổi, sống cạnh giếng Viết hồi tưởng: "Xưa cái giếng này mùa nào cũng đầy ắp nước. Dân làng thả bèo ong trong giếng nên nước trong mát, ngọt lịm. Bao năm trời, giếng như một báu vật, cung cấp nguồn nước nuôi dưỡng dân làng chúng tôi".

Dẫn tôi đi thăm giếng Viết ở xóm Đình, ông Bàng cho biết từ ngày có giếng khơi, giếng khoan, người dân ít dùng nước giếng làng. Đến khi nước sạch về làng thì gần như giếng làng chẳng còn tác dụng. Ở nhiều nơi, người ta lấp giếng để lấy đất phục vụ vào mục đích khác. Nhưng nhân dân ở thôn Nghĩa Phú thì vẫn quyết giữ gìn. Mấy năm nay, điều kiện kinh tế khá giả, nhân dân các xóm bảo nhau đóng góp cả trăm triệu đồng và nhiều ngày công để nạo vét, tu sửa giếng làng, xây thành giếng, bậc lên xuống gọn gàng, sạch đẹp. "Cùng với cây đa, sân đình, giếng làng góp phần tạo nên những nét văn hóa đặc trưng của làng quê. Hồi sinh giếng làng cũng là cách bà con chúng tôi thể hiện sự trân trọng với những di sản mà cha ông để lại", ông Bàng chia sẻ.

Giếng làng thôn Kim Đôi, xã Ngọc Kỳ (Tứ Kỳ) được đầu tư cải tạo với kinh phí hơn 500 triệu đồng do nhân dân địa phương và con em xa quê ủng hộ

Giếng làng thôn Kim Đôi, xã Ngọc Kỳ (Tứ Kỳ) được đầu tư cải tạo với kinh phí hơn 500 triệu đồng do nhân dân địa phương và con em xa quê ủng hộ

Xã Ngọc Kỳ (Tứ Kỳ) cũng là một trong những địa phương ở Hải Dương hiện còn lưu giữ được nhiều giếng làng. Chủ tịch UBND xã Nguyễn Xuân Thoảng giới thiệu: "Xã tôi có 5 thôn. Thôn nào cũng bảo tồn được giếng làng, riêng thôn Tứ Kỳ Thượng có 2 cái. Nhân dân trân trọng, coi giếng làng là báu vật, là di sản thiêng liêng của cha ông để lại nên đã hăng hái đóng góp cải tạo rất khang trang, đẹp đẽ".

Giếng làng thôn Kim Đôi mới cải tạo cách đây 2 năm đang là giếng làng thuộc diện to đẹp nhất ở xã Ngọc Kỳ. Giếng rất lớn, đường kính hơn 25 m. Cổng giếng được xây mới, đắp 2 con nghê ở hai bên với những mảng miếng chạm khắc sinh động. Từ đáy giếng lên trên mặt đất được kè chắc chắn. Thành xung quanh xây bằng gạch, quét sơn, trang trí thêm đèn LED. Xung quanh giếng làng, thôn Kim Đôi còn làm đường dạo, làm sân bóng chuyền, kê hàng chục chiếc ghế đá để dân làng có nơi tập thể dục, thể thao, ngồi hóng mát. "Tổng kinh phí cải tạo giếng làng hơn 500 triệu đồng, tất cả do cán bộ, nhân dân, con em xa quê đóng góp. Bà con chúng tôi coi giếng làng là suối nguồn của sự sống, gắn bó với đời sống nhân dân qua nhiều thế hệ. Đây cũng là một trong những công trình văn hóa tiêu biểu của làng nên nhân dân rất tích cực tham gia bảo tồn", ông Nguyễn Văn An, nguyên Bí thư Đảng ủy xã, người được thôn giao kiến thiết, chỉ huy cải tạo giếng làng Kim Đôi chia sẻ.

Dưới giếng làng Kim Đôi, bèo ong được thả gần như kín mặt nước. Không nhiều nơi còn giữ được giếng làng có nước trong và sạch như thôn này. Chiều hè oi ả, trẻ con trong thôn gọi nhau ra giếng tắm mát, nô đùa. Người lớn cũng ra đây đi bộ, chơi bóng chuyền, hóng mát và tiện trông nom lũ trẻ tắm dưới giếng... Tất cả đã tạo nên khung cảnh quê hương thật thanh bình.

Cách đê sông Thương vài chục bước chân là giếng làng của thôn Bắc Đẩu, xã Hưng Đạo (Chí Linh) vừa được tôn tạo đẹp đẽ từ nguồn xã hội hóa. Giếng này có nhiều khác biệt so với những nơi khác vì thành giếng được làm hoàn toàn bằng đá xanh, chạm khắc "rồng chầu nguyệt" với nhiều chi tiết rất tinh xảo. Ngay cạnh giếng, người ta còn xây dựng một cây hương để người dân lễ bái, bày tỏ sự biết ơn đối với những dòng nước trong mát, ngọt lành đã nuôi dưỡng biết bao thế hệ dân làng nơi đây.

Giữ gìn giá trị độc đáo

Một trong hai giếng làng ở thôn Bình Đê, xã Gia Khánh (Gia Lộc) được nhân dân quan tâm gìn giữ

Một trong hai giếng làng ở thôn Bình Đê, xã Gia Khánh (Gia Lộc) được nhân dân quan tâm gìn giữ

Thôn Bình Đê, xã Gia Khánh (Gia Lộc) hiện còn lưu giữ 2 giếng cổ có đường kính rộng khoảng 14 m, sâu 8-9 m, nước trong vắt, không bao giờ vơi cạn. Kiến trúc 2 giếng khá độc đáo với cổng được đắp rồng chầu 2 bên.

Theo ông Nguyễn Văn Tuyền, Bí thư Chi bộ, trưởng thôn Bình Đê, dù ngày nay nước giếng làng không còn được dùng để sinh hoạt nhưng vẫn được bảo vệ nghiêm ngặt. Người dân được phép múc nước về phục vụ nhu cầu của gia đình nhưng không được tắm, rửa tay chân hoặc vứt rác xuống giếng. Theo quan niệm dân gian, giếng làng được coi là mạch nguồn thiêng liêng, nơi tụ thủy, tụ phúc, có giá trị về mặt tâm linh nên rất cần giữ gìn. "Trong quá trình xây dựng nông thôn mới, sự tồn tại của giếng làng, cây đa, sân đình... góp phần tạo nên hình ảnh làng quê vừa tươi mới, vừa cổ kính, mộc mạc. Quê hương hiện đại đến đâu nhưng cũng không thể làm mất đi những nét đẹp văn hóa đã trường tồn bao đời", ông Tuyền nhấn mạnh.

Người dân xóm Đình, thôn Nghĩa Phú, xã Cẩm Vũ (Cẩm Giàng) ngồi hóng mát bên giếng Viết

Người dân xóm Đình, thôn Nghĩa Phú, xã Cẩm Vũ (Cẩm Giàng) ngồi hóng mát bên giếng Viết

Hằng ngày, bà Nguyễn Thị Hường và một số người dân xóm Đình, thôn Nghĩa Phú vẫn ra múc nước giếng Viết về tưới cây. Bà cho biết một số hộ vẫn sử dụng nước giếng này để nấu rượu vì cho rằng rượu nấu bằng nước giếng làng thơm ngon hơn và ít bị hao hơn. Mỗi khi chiều về, bà Hường và nhiều người dân trong xóm lại rủ nhau ra giếng ngồi hóng gió, kể cho nhau nghe những câu chuyện liên quan đến đời sống, công việc thường ngày. Anh Vũ Văn Anh năm nay 18 tuổi thường xuyên theo bà nội ra giếng chơi nói: "Em thấy việc khôi phục lại giếng làng mang rất nhiều giá trị. Thứ nhất là giúp những người trẻ như em hiểu được về văn hóa, cuộc sống khó khăn về một thời đã qua. Thứ hai là giúp làng có thêm một điểm sinh hoạt cộng đồng, giúp cho tình làng, nghĩa xóm thêm bền chặt".

Ông Nguyễn Văn Hòe, Việt kiều vừa trở về quê hương thôn Kim Đôi sau hàng chục năm định cư ở Cộng hòa Séc. Ông ấn tượng với sự thay đổi của quê hương và vui vì dân làng quan tâm gìn giữ, tôn tạo giếng làng. Thuở bé, ông Hòe sống cùng gia đình cạnh giếng làng. Năm tháng tuổi thơ của ông vì thế cũng gắn chặt với nơi này. Đó là những buổi trưa hè ra bờ giếng ngồi câu tôm, là những buổi chiều cũng lũ bạn ra chơi đủ thứ trò chơi bên gốc cây cạnh giếng ... Chơi mệt, khát nước thì xuống giếng vục nước lên uống một hơi dài. "Thăm lại giếng làng mà bao ký ức tươi đẹp thuở thiếu thời cứ ùa về, ở đó có cả hình ảnh bố mẹ và anh chị em tôi. Tôi theo bậc lên xuống giếng, vục nước rửa mặt bằng thứ nước trong mát đó. Cảm giác sảng khoái, bình yên đến lạ".

Giếng làng ở nhiều nơi tại Hải Dương ngày nay được tận dụng làm nơi dạy trẻ tập bơi

Giếng làng ở nhiều nơi tại Hải Dương ngày nay được tận dụng làm nơi dạy trẻ tập bơi

Ở nhiều nơi trong tỉnh, giếng làng được người dân cải tạo thành nơi trồng sen, tạo cảnh quan. Một số giếng được dùng làm nơi cho trẻ tập bơi. Vào mùa lễ hội, giếng làng còn là nơi diễn ra một số nghi lễ tâm linh, hát quan họ trên thuyền, tổ chức trò chơi dân gian như bắt vịt...

Tiến sĩ sử học Lê Duy Mạnh, Phó Trưởng Ban Quản lý di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc cho rằng từ lâu giếng làng đã trở thành không gian văn hóa, một biểu tượng mang giá trị tinh thần của nhiều thôn, khu dân cư. Giếng làng gắn liền với nhịp sống, là nơi quan trọng của cộng đồng dân cư, góp phần gắn kết, xây dựng tình làng, nghĩa xóm thêm bền chặt. Mặt khác, giếng làng cũng là một địa chỉ để giáo dục về lịch sử, văn hóa của địa phương cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau...

Kinh tế, đời sống nhân dân ngày càng đi lên. Người dân có điều kiện, tích cực tham gia cải tạo, gìn giữ giếng làng, phục hồi các giá trị văn hóa cổ truyền cũng là một cách thể hiện tình yêu quê hương, đất nước. Điều này được trao truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác, góp phần nhắc nhở các thế hệ luôn nhớ về cội nguồn. "Giếng làng chắc chắn sẽ tồn tại và còn phát huy được nhiều giá trị tinh thần trong hiện tại cũng như tương lai", tiến sĩ Mạnh nhận định.

TIẾN MẠNH

Nguồn Hải Dương: https://baohaiduong.vn/nguoi-hai-duong-gin-giu-gieng-lang-386356.html
Zalo