Món cháo 'độc dược' đặc sản Hà Giang có gì lạ?

Cháo ấu tẩu, món ăn được làm từ vị thuốc có độc tính là củ ấu tẩu, nhưng qua cách chế biến của đồng bào dân tộc Mông ở Hà Giang lại trở thành đặc sản nổi tiếng.

Củ ấu tẩu còn có tên ô đầu hay phụ tử, thường mọc hoang ở các vùng núi cao biên giới phía Bắc của Việt Nam như: Lào Cai, Tuyên Quang, Hà Giang, Nghĩa Lộ, Cao Bằng, Bắc Kạn… Thường vào đầu tháng 7 đến tháng 10 dương lịch người ta sẽ bắt đầu khai thác, thu hoạch củ. Củ ấu tẩu được đánh giá cao về công dụng chữa bệnh, từ lâu người Mông đã sử dụng củ ấu tẩu ngâm để xoa bóp đau nhức và chữa các bệnh cảm gió.

Củ ấu tẩu. Ảnh minh họa

Củ ấu tẩu. Ảnh minh họa

Là loại cây "độc toàn thân", nhất là ở phần củ, lượng độc trong củ ấu tẩu có thể làm người ta tê cứng tay chân… Tuy nhiên, nếu được chế biến đúng cách nó lại là bài thuốc quý cho sức khỏe. Qua bàn tay khéo léo của đồng bào dân tộc Mông, món ăn này đã trở thành đặc sản vùng núi, mang những nét đặc trưng của vùng đất Cao nguyên đá.

Cháo ấu tẩu từ lâu đã được coi là món cháo đặc sản ở Hà Giang. Món cháo này ban đầu là món ăn giải cảm của người Mông nhưng về sau trở thành món ăn đặc sản được nhiều người yêu thích. Người dân nơi đây gọi là cháo ấu tẩu bởi nó được chế biến từ gạo nương và chân giò lợn đem nấu lẫn với củ ấu tẩu tạo thành món ăn độc đáo.

Củ ấu tẩu được ninh nấu kỹ lưỡng trước khi phục vụ thực khách. Ảnh traveloka

Củ ấu tẩu được ninh nấu kỹ lưỡng trước khi phục vụ thực khách. Ảnh traveloka

Người Mông Hà Giang có bí quyết để “hóa giải” độc dược thành… bổ dưỡng với cách chế biến kỳ công. Củ ấu tẩu sau khi được sơ chế bỏ vỏ, đem ngâm trong nước gạo một đêm, sau đó sẽ đem đi rửa sạch với nước rồi ninh khoảng 4 - 5 tiếng để chất độc trong củ ấu tẩu có thể thải ra hết.

Sau khi ninh mềm nhừ, bở tơi cho ra thành thứ bột đặc sền sệt. Bột đọng lại sẽ được dùng nấu lẫn với gạo tẻ ngon, gạo nếp cái đã được ngâm và giã qua, cùng với chân giò lợn đã được hầm nhừ, thêm chút gia vị, nấu nhừ. Khi ăn, múc bát cháo ra bát, đập trứng gà, cho thêm một số loại rau thơm như hành, tía tô, trộn đều rồi ăn nóng. Thường một nồi cháo to chỉ sử dụng vài củ ấu tẩu.

Từ một loại củ có độc tích, người Hà Giang đã chế biến thành một món ăn ngon, có tác dụng tốt với sức khỏe. Ảnh traveloka

Từ một loại củ có độc tích, người Hà Giang đã chế biến thành một món ăn ngon, có tác dụng tốt với sức khỏe. Ảnh traveloka

Cháo nấu xong mang sắc nâu đậm, nhìn giống bát cháo lòng của người miền xuôi, vị bùi, béo và thơm đặc biệt. Vì là vị thuốc nên đặc trưng của cháo ấu tẩu là vị đắng như tam thất. Tuy nhiên, cái đắng hòa cùng miếng ấu tẩu bùi, dẻo, quyện với cái ngọt của nước xương ninh và thơm ngậy của trứng đọng lại thành hương thơm, vị ngọt ngào trong cổ, tạo cảm giác lạ miệng và hấp dẫn.

Cháo ấu tẩu thường được ăn vào ban đêm vì trong củ ấu tẩu có thành phần giúp ngủ ngon và sâu hơn. Do đó, các hàng cháo ấu tẩu cũng thường phục vụ buổi tối. Một buổi tối lạnh ở vùng cao, xì xụp bát cháo ấu tẩu nóng mà ấm cả người. Cái vị đăng đắng trôi vào cổ họng tan ra, khói phả lên quyện cùng hương thơm. Có lẽ, không gì phù hợp với không khí lạnh ban đêm nơi vùng cao hơn một bát cháo nóng lót cho ấm bụng trước khi đi ngủ.

Thịt băm ăn kèm cháo ấu tẩu. Ảnh traveloka

Thịt băm ăn kèm cháo ấu tẩu. Ảnh traveloka

Từ một món ăn truyền thống của người Mông, cháo ấu tẩu ngày nay trở thành một món ăn đặc trưng của vùng đất địa đầu cực Bắc Việt Nam, được nhiều du khách tìm thưởng thức. Dần dần, nhiều hàng cháo ấu tẩu ra đời để phục vụ người dân và du khách gần xa.

Một số lưu ý khi ăn cháo ấu tẩu

Nên ăn cháo ấu tẩu ở những quán ăn nổi tiếng vì họ đã có nhiều kinh nghiệm trong việc chế biến củ ấu tẩu và khiến củ này không còn chất độc. Tuyệt đối không tự mua về rồi nấu.

Nếu không may mà trúng độc khi ăn cháo ấu tẩu cần phải tiến hành mát xa, tẩm quất ngay lập tức để giải độc. Trong quá trình tẩm quất nếu mà giác hơi được sẽ rất tốt để đào thải độc tố trong cơ thể ra bên ngoài. Đây được xem là cách giải độc củ ấu tẩu duy nhất khi không may gặp phải.

Cháo ấu tẩu không được khuyến khích cho phụ nữ mang thai để đảm bảo an toàn.

Sau khi ăn cháo ấu tẩu không được ăn quả lê vì 2 thứ này có những thành phần tương khắc nhau. Sau một đêm có thể ăn lại bình thường.

Mỗi tuần, một người chỉ nên ăn 1 đến 2 bát cháo ấu tẩu. Một bát cháo ấu tẩu ở Hà Giang có giá khoảng 20.000 - 50.000 đồng, thường được bán ở các quán ăn Hà Giang, khu vực thành phố Hà Giang, thị trấn Đồng Văn.

Ngoài cháo ấu tẩu, nếu đến với Hà Giang, du khách còn có thể thưởng thức nhiều món ăn đặc trưng khác như phở Tráng Kìm, phở chua, thắng dền, thắng cố, bánh tam giác mạch đậm đà hương vị Cao nguyên đá.

Lê Nguyệt

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/mon-chao-doc-duoc-dac-san-ha-giang-co-gi-la-331832.html
Zalo