Người đầu tư vàng lướt sóng dễ gặp nhiều rủi ro
Thị trường vàng đang có diễn biến khó lường. Giá vàng thế giới liên tục lập đỉnh mới khi vượt ngưỡng 2900USD/ounce. Ở trong nước, từ đầu năm đến nay, giá vàng liên tục tăng cao.
Ngày hôm nay, 14/2, giá vàng SJC dao động quanh mức 88,3 – 91,3 triệu đồng/lượng, giá vàng nhẫn cũng bám sát giá vàng miếng quanh mức 88,8 – 91,1 triệu đồng/lượng, chênh lệch giá mua bán lớn. Dù vậy vàng vẫn là kênh tài sản trú ẩn được ưa chuộng của người dân Việt Nam.
Ngày 11/2, giá vàng SJC bán ra lập đỉnh mốc 93,1 triệu đồng/lượng, nhưng ngay sau đó vài tiếng lại sụt giảm tới 2 triệu đồng 1 lượng. Điều đó cho thấy sự tăng giảm khó đoán định của giá vàng, mà với các nhà đầu tư có ý định lướt sóng, điều này khá rủi ro.
Với niềm tin giá vàng sẽ vẫn còn tăng trong thời gian tới, nhiều người vẫn lựa chọn kênh tài sản này. Chị Phạm Khánh Vân, quận Đống Đa, Hà Nội, chia sẻ: “Tôi thấy cũng rủi ro, như nửa năm vừa rồi giá vàng biến động thất thường. Nhưng nếu để tích trữ thì cũng ổn, có điều kiện kinh tế tôi vẫn mua”.
Mua vàng thời điểm này, nhà đầu tư sẽ không có lời, thậm chí, sẽ mất khoản tiền lớn trông thấy, khi chênh lệch giá mua và bán thời điểm này lên 2,5 – 3 triệu đồng/lượng. Theo các doanh nghiệp vàng và chuyên gia, giá vàng dự đoán năm nay vẫn có thể tăng nhẹ, do đó người dân nên tính toán đầu tư dài hạn để tránh rủi ro.
Hiện nay, giá vàng miếng SJC và giá vàng nhẫn đã thu hẹp khoảng cách, bám sát giá vàng thế giới. Tuy nhiên, trước những bất ổn còn tồn tại của thị trường vàng, vừa qua Thủ tướng chính phủ đã yêu cầu NHNN tiếp tục giám sát chặt chẽ, triển khai các giải pháp ổn định thị trường vàng. Bên cạnh đó, khẩn trương tổng kết, nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung Nghị định số 24 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng, trình Chính phủ trong quý II năm 2025.