Người dân nghề 'hạ bạc' bảo tồn văn hóa qua Lễ hội Tống Phong

Lễ hội Tống Phong hay còn gọi là lễ hội cầu an, Lễ hội té nước, tống ôn tống gió. Đây là Lễ hội có từ lâu đời được hình thành hơn trăm năm qua của người dân làm nghề 'hạ bạc' (tức nghề sống dưới nước) ở miền Tây Nam bộ.

Tại Cần Thơ, từ ngày 12 đến ngày 14 tháng giêng âm lịch hàng năm, nhiều ngôi miếu rộn ràng tổ chức lễ hội Tống Phong, nhưng quy mô nhất là Miếu bà Xóm Chài, phường Hưng Phú, quận Cái Răng thu hút hàng trăm ghe tàu và hàng ngàn người dân, du khách các nơi tham gia, tạo nên một không khí phấn khởi khắp một vùng sông nước.

Đưa thuyền Tống ôn lên tàu lớn để bắt đầu lễ đi nghinh và thả bè ra sông

Đưa thuyền Tống ôn lên tàu lớn để bắt đầu lễ đi nghinh và thả bè ra sông

Để chuẩn bị cho lễ hội Tống Phong, Ban tế tự Miếu Bà Xóm Chài sẽ lựa chọn người để làm thuyền tống ôn tống gió, đặt thuyền này ngay giữa sân miếu. Chiếc thuyền cầu an được đàn ông trai tráng trong xóm gom lại trang trí bằng khung tre và giấy nhiều màu sắc. Thông qua mô hình chiếc thuyền, những người dân làm nghề “hạ bạc” mong muốn tống tiễn những điều không may mắn trong năm cũ, cầu mong năm mới thuận buồm xuôi gió. Ngoài làm mô hình, không ai bảo ai cứ trước vài ngày diễn ra lễ hội, người dân tự nguyện góp công, góp của để làm tốt các hoạt động.

Sau hơn 2 ngày trang trí chiếc thuyền đặt trước Miếu Bà thì người dân xóm chài dâng vật phẩm cúng tế lên Bà và thành tâm khấn nguyện. Lễ hội có nhiều hoạt động tín ngưỡng như: cúng tế, cầu an, múa lân đúng nghi thức truyền thống; đồng thời còn lễ cầu an cúng bà, cúng thổ thần, người khuất mặt,… thả bè ra sông lớn để xua đuổi tà ma và cầu an cho xóm làng.

Lễ hội thu hút hàng trăm ghe tàu và hàng ngàn người dân, du khách các nơi tham gia

Lễ hội thu hút hàng trăm ghe tàu và hàng ngàn người dân, du khách các nơi tham gia

Hoạt động múa lân truyền thống trong lúc diễu hành quanh sông Cần Thơ

Hoạt động múa lân truyền thống trong lúc diễu hành quanh sông Cần Thơ

Anh Lê Thanh Mạnh, người dân Xóm Chài, phường Hưng Phú, quận Cái Răng, Cần Thơ cho biết: "Bà độ cho mình làm ăn được, mỗi một năm vậy đó sẽ đến đây vía Bà". Anh Phạm Quốc Cương, người cùng xóm cũng cho biết: "Dân ở đây rất tin tưởng vì làm nghề “Bà Cậu” không à. Mình cầu mong cho năm mới làm ăn phát tài, phát đạt, suôn sẻ cho bà con".

Người dân đặt mâm lễ vật nhằm xua đuổi, tống tiễn điều không may mắn

Người dân đặt mâm lễ vật nhằm xua đuổi, tống tiễn điều không may mắn

Người dân đốt muối hột trên bếp lửa tạo nên những tiếng nổ - nghi thức cúng thổ thần, thủy thần

Người dân đốt muối hột trên bếp lửa tạo nên những tiếng nổ - nghi thức cúng thổ thần, thủy thần

Đến ngày chính lễ 14 tháng Giêng âm lịch, có một đoàn người đi quanh các gia đình trong khu vực để lấy các lễ vật, như: muối gạo, bánh, trái cây... Khi đoàn đến lấy lễ vật, chủ nhà chuẩn bị một bếp lửa và đốt muối hột để tạo nên những tiếng nổ. Đây được xem là nghi lễ cúng thổ thần, thủy thần, còn tiếng nổ nhằm tống những xui xẻo, đuổi ôn dịch đi nơi khác, cầu cho năm mới làm ăn thuận lợi hơn.

Lễ hội Tống Phong mỗi năm lại thu hút thêm nhiều người đến tham gia, chia sẻ nét văn hóa truyền thống độc đáo này

Lễ hội Tống Phong mỗi năm lại thu hút thêm nhiều người đến tham gia, chia sẻ nét văn hóa truyền thống độc đáo này

Nghi thức thả bè cầu an, mong một năm thuận buồm xuôi gió

Nghi thức thả bè cầu an, mong một năm thuận buồm xuôi gió

Bà Nguyễn Thị Quỳnh Nga, người dân Xóm Chài, phường Hưng Phú, quận Cái Răng, Cần Thơ thông tin: "Những người dân ở đây theo tục lệ cũng cả trăm năm hoặc trên trăm năm, muối hột của mình á nổ càng lớn càng thích. Bởi vì nổ càng lớn thì người ta tin năm mới mọi điều xui xẻo bay đi hết, đạt nhiều thắng lợi, vạn sự như ý, bình an".

Khoảng 14h ngày 14 tháng giêng âm lịch, người dân và ban tổ chức đưa tàu tống ôn lên tàu lớn và bắt đầu diễu hành trên sông. Nghi thức “đi nghinh” (tức tống bè thủy lục) với hàng trăm tàu bè dập dìu múa lân, tạo nên một khung cảnh rộn ràng, náo nhiệt trên sông. Cùng lúc này, trên bờ, trước cửa mỗi nhà, người dân đặt mâm lễ vật nhằm xua đuổi, tống tiễn điều không may mắn, mong mọi sự hanh thông.

Sau khi thả bè, người dân tham gia hoạt động té nước cầu may mắn

Sau khi thả bè, người dân tham gia hoạt động té nước cầu may mắn

Theo thông lệ hằng năm, đoàn tàu bè thương buôn các nơi nhớ ngày này đều về tham gia Lễ hội Tống Phong tại Cần Thơ

Theo thông lệ hằng năm, đoàn tàu bè thương buôn các nơi nhớ ngày này đều về tham gia Lễ hội Tống Phong tại Cần Thơ

Bà Nguyễn Thị Thùy Trang, người dân Xớm Chài, phường Hưng Phú, quận Cái Răng, Cần Thơ nhìn theo đoàn tàu bè diễu hành phấn khởi: "Phong tục từ xưa đến giờ của ông bà để lại đây, những ngày này tôi và gia đình đều lên dự, đưa tàu đi. Sau đó, tôi mới quay về và cúng tại nhà".

Theo thông lệ hằng năm, đoàn tàu bè thương buôn các nơi nhớ ngày này đều về tham gia lễ hội tại Cần Thơ, khung cảnh xuồng ghe tiễn tàu Tống ôn trên sông với khí thế tưng bừng và náo nhiệt. Lễ hội thu hút hàng ngàn người với hàng trăm ghe tàu lớn nhỏ di chuyển quanh khu vực sông Cần Thơ hơn 1 giờ đồng hồ, rồi di chuyển ra giữa sông Hậu làm lễ hạ bè Tống ôn. Sau khi thả bè, người dân nhảy múa, té nước đầu năm để lấy lộc cầu may.

Ông Trần Văn Lộc, Trưởng Ban tư tế Miếu Bà Xóm Chài, phường Hưng Phú, quận Cái Răng, Cần Thơ tự hào: "Đây là Lễ hội truyền thống của dân chài lưới Xóm Chài. Vì dân chài lưới phải có thờ Bà Cậu, thành thử năm nào cũng phải nhớ tới ngày rằm tháng Giêng Tống gió, Tống ôn này, để lấy những cái xui xẻo đưa đi, đem những cái mát mẻ, tốt lành về cho dân chài lưới và dân mua bán tại địa phương Cần Thơ luôn".

Lễ hội Tống Phong là một lễ hội truyền thống độc đáo mang đậm giá trị văn hóa tâm linh lâu đời được người dân miền Tây sông nước gìn giữ. Riêng tại Xóm Chài, phường Hưng Phú, quận Cái Răng, Cần Thơ, Lễ hội thường được chuẩn bị chu đáo tất cả các khâu vì hầu như người dân sinh sống nơi đây mưu sinh bằng nghề “hạ bạc” và từ trăm năm trước tục lệ truyền đời này đã trở thành chỗ dựa tinh thần của họ. Với niềm tin có thờ có thiêng - có kiêng có lành, các thế hệ già trẻ, lớn bé đều chung tay giữ gìn, bảo tồn và nguyện lan tỏa nét văn hóa độc đáo này đến bạn bè trong và ngoài nước.

Hồng Phương/VOV-ĐBSCL

Nguồn VOV: https://vov.vn/van-hoa/nguoi-dan-nghe-ha-bac-bao-ton-van-hoa-qua-le-hoi-tong-phong-post1154543.vov
Zalo