Người dân Kỳ Anh giảm nghèo từ các loại cây con chủ lực

Sự hỗ trợ đắc lực của chương trình giảm nghèo đã giúp nhiều hộ dân ở huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh) mạnh dạn thay đổi tư duy, vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng.

Gặp anh Nguyễn Văn Đấu ở thôn Tân Tiến, xã Kỳ Thượng (Kỳ Anh), chúng tôi thấy rõ được hiệu quả mà chương trình giảm nghèo đã mang đến cho gia đình anh. Anh Đấu chia sẻ: "Mấy năm trước, do vợ lâm trọng bệnh rồi mất, kinh tế gia đình tôi vô cùng khó khăn. Đang bế tắc, chưa biết tìm cách nào để thoát nghèo thì năm 2023, tôi được hỗ trợ 100 con gà giống theo chính sách của huyện, đồng thời được tư vấn, hướng dẫn về kỹ thuật chăm sóc. Nhờ đó, kinh tế gia đình tôi đã bắt đầu được cải thiện".

Có một ít vốn tích lũy được từ đàn gà, lại được sự động viên, đồng hành của cán bộ thôn, anh Đấu mạnh dạn vay vốn, tiếp tục đầu tư khôi phục và phát triển 7 sào chè nguyên liệu, 3 sào ruộng, trồng một số diện tích keo tràm và cải tạo lại 5 sào vườn - những tư liệu sản xuất trước đây bị bỏ bê do phải dành thời gian chạy chữa bệnh tật cho vợ.

 Lãnh đạo xã Kỳ Thượng thăm mô hình chè của anh Đấu.

Lãnh đạo xã Kỳ Thượng thăm mô hình chè của anh Đấu.

“Trợ lực của Nhà nước và sự đồng hành của địa phương đã giúp tôi có điểm tựa vững chắc để khai thác tiềm năng vườn rừng, vươn lên phát triển kinh tế gia đình. Với khoản thu nhập bình quân bước đầu 10 triệu đồng/tháng, gia đình tôi đã thoát nghèo. Tôi mong sẽ có thêm nhiều hộ nghèo, cận nghèo cũng sẽ vươn lên, phát triển kinh tế từ đồng đất quê hương như tôi” - anh Đấu chia sẻ.

Cùng với cách làm như với anh Nguyễn Văn Đấu, thôn Tân Tiến đã có thêm 5 hộ được vay vốn hỗ trợ sinh kế để thoát nghèo bền vững. Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo của thôn ngày càng giảm. Từ chỗ chiếm 5% (năm 2021) giảm xuống còn 2% (cuối năm 2023).

Gia đình anh Trần Văn Thông ở thôn Nam Xuân, xã Kỳ Tây có 7,5 ha đất trồng keo tràm và hoa màu, năm 2011, Dự án cấp nước cho Khu kinh tế Vũng Áng triển khai, gia đình có 2,5 ha đất trong số diện tích này bị ảnh hưởng và phải thu hồi phục vụ dự án. Cuộc sống vốn đã khó khăn lại thêm khó khăn.

Không để cái nghèo đeo bám, ngay khi biết được các thông tin về chương trình hỗ trợ giảm nghèo, anh Thông đã nghĩ đến việc vay vốn và tranh thủ sự hỗ trợ của cán bộ địa phương để có thể thâm canh, chăm sóc cây, nâng cao hiệu quả trên diện tích đất còn lại. Đất không phụ lòng người, sau 5 năm miệt mài chăm sóc, vườn keo tràm 5 - 6 năm đã mang đến cho gia đình anh Thông lợi nhuận trên 60 triệu đồng/ha.

 Vườn keo tràm 3 tuổi của anh Trần Văn Thông.

Vườn keo tràm 3 tuổi của anh Trần Văn Thông.

Theo anh Thông, cây keo tràm là loại cây phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương, vốn đầu tư thấp. Vì vậy, thời gian qua, địa phương rất quan tâm hỗ trợ, động viên gia đình cũng như người dân ở đây tập trung phát triển loại cây này theo hướng bền vững, hiệu quả.

 Ngoài vườn keo tràm, gia đình anh Thông còn có trên 1 ha vườn cây ăn quả các loại.

Ngoài vườn keo tràm, gia đình anh Thông còn có trên 1 ha vườn cây ăn quả các loại.

Gia đình anh Đấu và anh Thông là những hộ nghèo ở vùng thượng huyện Kỳ Anh sớm thoát nghèo nhờ tranh thủ sự hỗ trợ của địa phương để khai thác tiềm năng, phát triển các loại cây trồng, vật nuôi phù hợp.

Là huyện nghèo, đời sống người dân còn nhiều khó khăn, thời gian qua, Kỳ Anh luôn chú trọng công tác giảm nghèo, nâng cao đời sống người dân tại các địa phương khó khăn, vùng sâu, vùng xa. Trong đó, tập trung mở rộng quy mô sản xuất với các loại cây chủ lực phù hợp với từng địa phương; hỗ trợ sinh kế, tạo điều kiện để người nghèo có tư liệu sản xuất, nắm bắt được kỹ thuật để tự vươn lên thoát nghèo.

 Xã Kỳ Giang tổ chức trao gà sinh kế cho hộ nghèo.

Xã Kỳ Giang tổ chức trao gà sinh kế cho hộ nghèo.

Với tiềm năng khá dồi dào từ 3 vùng sinh thái đã được xác định, ở vùng thượng, nơi có tỷ lệ hộ nghèo còn cao, ngoài phát triển sản xuất gỗ nguyên liệu và phát triển các vùng trồng chè, trồng sắn tập trung, huyện Kỳ Anh chú trọng nâng cao thu nhập, giảm nghèo từ các mô hình chăn nuôi gia súc, gia cầm.

Tại xã Kỳ Sơn, gia đình ông Phan Văn Diện (SN 1962) và bà Phùng Thị Nam (1968) ở thôn Sơn Bình 2 là một trong những hộ đặc biệt khó khăn. Ông Diện bị tai biến mạch máu não, con gái bị bệnh thần kinh, một mình bà Nam xoay xở nuôi cả nhà. Năm 2020, từ nguồn hỗ trợ của chương trình giảm nghèo, gia đình được hỗ trợ 1 con bò giống. Đến thời điểm này, bò đã sinh được 3 con bê, giúp gia đình thoát nghèo.

 Bà Mai chăm sóc "bò sinh kế" .

Bà Mai chăm sóc "bò sinh kế" .

Còn tại xã Kỳ Thượng, nhiều hộ nghèo, hộ đặc biệt khó khăn, được hỗ trợ gà giống từ chương trình giảm nghèo cũng đã duy trì, phát triển mô hình, tạo thu nhập bền vững.

Bà Nguyễn Thị Lập (SN 1954) ở thôn Tân Tiến chia sẻ: “Chồng tôi là thương binh, đã mất, tôi tuổi cao, sức khỏe yếu nên cuộc sống hết sức khó khăn. May mắn là cuối năm 2023, tôi được chương trình giảm nghèo hỗ trợ gần 100 con gà giống. Nhờ dày công chăm sóc, phòng bệnh, đàn gà của tôi phát triển rất tốt, đến nay, đã nhân đàn được hàng trăm con/lứa, cho thu nhập gần chục triệu đồng/tháng. Nhờ đàn gà sinh kế mà tôi đã có tiền trang trải hàng tháng cho gia đình.

 Lãnh đạo xã Kỳ Tây thăm một trong những mô hình nuôi bò sinh kế của xã.

Lãnh đạo xã Kỳ Tây thăm một trong những mô hình nuôi bò sinh kế của xã.

Ông Vũ Trung Tiến, Chủ tịch UBND xã Kỳ Thượng chia sẻ: “Là địa phương còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao, thời gian qua, cấp ủy, chính quyền xã đã tranh thủ tối đa nguồn vốn hỗ trợ từ Chương trình giảm nghèo của huyện để tạo sinh kế, giúp người nghèo vươn lên. Điều đáng mừng là hầu hết các hộ tiếp cận với nguồn vốn giảm nghèo đều sớm phát huy hiệu quả và thoát nghèo bền vững. Qua đó, góp phần kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo của xã từ 17,74% (năm 2020) xuống còn 13,14% (đầu năm 2024)”.

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2024, riêng tiểu dự án Đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo, huyện Kỳ Anh được bố trí 6.604 triệu đồng (ngân sách Trung ương 6.087 triệu; ngân sách địa phương 517 triệu đồng). Tổng số hộ thụ hưởng là 544 hộ, trong đó, có 167 hộ nghèo, 272 hộ cận nghèo. Hiện đã có gần 100 hộ thoát nghèo, đưa tỷ lệ hộ nghèo đa chiều giảm còn 2,44%, hộ cận nghèo đa chiều còn 1,88%; phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ hộ nghèo giảm dưới 1,5%.

 Mô hình trồng dứa hứa hẹn sẽ là hướng đi mới giúp người nghèo huyện Kỳ Anh phát triển kinh tế.

Mô hình trồng dứa hứa hẹn sẽ là hướng đi mới giúp người nghèo huyện Kỳ Anh phát triển kinh tế.

Thời gian tới, cả hệ thống chính trị huyện Kỳ Anh sẽ tiếp tục vào cuộc quyết liệt hơn nhằm tranh thủ tối đa nguồn lực của chương trình giảm nghèo, tận dụng triệt để tiềm năng, lợi thế của địa phương. Qua đó, giúp người nghèo sử dụng vốn đúng hướng, đúng mục đích như đầu tư phát triển các mô hình nuôi bò, gà, sản xuất chè công nghiệp, sắn nguyên liệu, dứa, cây ăn quả và các loại cây bản địa có giá trị thu nhập cao.

Bà Dương Thị Vân Anh - Phó Chủ tịch UBND huyện Kỳ Anh

...”.

M.Đ

Nguồn Hà Tĩnh: https://baohatinh.vn/nguoi-dan-ky-anh-giam-ngheo-tu-cac-loai-cay-con-chu-luc-post277795.html
Zalo