'Người cũ' ở MB làm tân chủ tịch PGBank
Tân chủ tịch PGBank có nhiều kinh nghiệm trong ngành tài chính ngân hàng, từng giữ nhiều vị trí cấp cao tại các tổ chức tài chính trong và ngoài nước.
Ngân hàng TMCP Thịnh vượng và phát triển (PGBank) vừa tổ chức phiên họp thường niên năm 2025 và bầu thành viên Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát nhiệm kỳ 2025-2030.
Theo đó, bà Cao Thị Thúy Nga trở thành tân chủ tịch của nhà băng này trong nhiệm kỳ tới, thay ông Phạm Mạnh Thắng.

Bà Cao Thị Thúy Nga trở thành tân chủ tịch của PGBank nhiệm kỳ 2025-2030. Ảnh: PGBank
Bà Nga dày dạn kinh nghiệm trong ngành tài chính – ngân hàng, với 42 năm công tác, từng đảm nhiệm nhiều vị trí cấp cao tại các tổ chức tài chính trong và ngoài nước.
Tân chủ tịch PGBank sinh năm 1958 tại Nam Định, có bằng Cử nhân Tài chính và Thạc sĩ Tài chính - tiền tệ từ Học viện Tài chính.
Giai đoạn từ tháng 7/1980 đến tháng 2/1992, bà Nga làm việc tại Ngân hàng TMCP Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV), giữ chức phó phòng cấp phát tín dụng.
Sau đó, bà chuyển sang Public Bank Vietnam, ngân hàng liên doanh nước ngoài đầu tiên tại Việt Nam, đảm nhiệm vai trò Kế toán trưởng kiêm phụ trách nhân sự - hành chính đến năm 1994.
Từ năm 2005 đến 2013, bà gia nhập Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) và giữ chức phó tổng giám đốc phụ trách khối bán lẻ. Cùng thời gian này, bà cũng từng là Chủ tịch HĐQT và trưởng ban kiểm soát của Công ty CP Chứng khoán MB (MBS) trong giai đoạn 2011–2017.
Sau một thời gian nghỉ hưu theo chế độ từ năm 2017 đến 2020, bà tiếp tục tham gia lĩnh vực tư vấn đầu tư. Đến tháng 8/2024, bà được bầu làm thành viên HĐQT độc lập tại PGBank nhiệm kỳ 2020–2025.
Cùng với bà Nga, HĐQT nhiệm kỳ 2025–2030 của PGBank gồm bốn thành viên khác là ông Nguyễn Văn Hương, ông Vương Phúc Chính, ông Đinh Thành Nghiệp và ông Nguyễn Văn Tý – thành viên HĐQT độc lập.
Trong đó, ông Hương tiếp tục giữ vai trò tổng giám đốc. Bên cạnh đó, Ban kiểm soát gồm bốn người với ông Trần Ngọc Dũng giữ chức Trưởng Ban kiểm soát.
Cũng tại đại hội, cổ đông PGBank đã thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2025 với các chỉ tiêu tăng trưởng mạnh.
Cụ thể, lợi nhuận trước thuế đặt mục tiêu đạt 1.001 tỷ đồng, tăng tới 135,3% so với kết quả năm 2024. Tổng tài sản dự kiến tăng 24,9% lên 91.226 tỷ đồng; dư nợ tín dụng ước đạt 48.653 tỷ đồng, tăng 17,1%; tổng huy động vốn dự kiến 78.449 tỷ đồng, tăng 17,6%. Tỷ lệ nợ xấu được kiểm soát dưới 2%.
Tuy nhiên, kết quả kinh doanh quý I/2025 của PGBank cho thấy sự khởi đầu thận trọng. Theo báo cáo tài chính, tổng thu nhập hoạt động của ngân hàng đạt 505 tỷ đồng, tăng hơn 34% so với cùng kỳ năm trước, nhưng lợi nhuận trước thuế lại ghi nhận 96 tỷ đồng, giảm hơn 17%. Dù vậy, tổng tài sản vẫn tăng mạnh gần 25% so với đầu năm, đạt 74.890 tỷ đồng.
Một điểm nhấn đáng chú ý trong kế hoạch năm 2025 của PGBank là lộ trình tăng vốn điều lệ. Ngân hàng dự kiến tăng vốn từ 4.200 tỷ đồng lên 10.000 tỷ đồng ngay trong năm nay, thông qua ba đợt phát hành cổ phiếu.
Thứ nhất, ngân hàng sẽ phát hành 80 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu theo kế hoạch đã được phê duyệt. Thứ hai, phát hành 50 triệu cổ phiếu trả cổ tức theo tỷ lệ 10%. Cuối cùng, PGBank sẽ chào bán thêm 450 triệu cổ phiếu ra công chúng với tỷ lệ 11:9 với giá 10.000 đồng/cổ phiếu.
Lãnh đạo PGBank cho biết, việc phát hành cổ phần lần này nhằm từng bước hiện thực hóa mục tiêu đưa vốn điều lệ lên 20.000 tỷ đồng vào năm 2030, qua đó nâng cao năng lực tài chính và khả năng cạnh tranh của ngân hàng trong giai đoạn mới.