ĐHĐCĐ BIDV: Không có kế hoạch tham gia lập sàn giao dịch tài sản số, để ngỏ kế hoạch lợi nhuận

Sáng 26/4, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV - Mã: BID) đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên 2025.

Lợi nhuận quý I/2025 giảm nhẹ, thận trọng với mục tiêu lợi nhuận cả năm, không có kế hoạch tham gia lập sàn tài sản số

Năm nay, BIDV lên kế hoạch kinh doanh với mục tiêu tăng trưởng tín dụng theo giới hạn Ngân hàng Nhà nước (NHNN) giao, dự kiến 16%.

Huy động vốn được điều hành phù hợp với sử dụng vốn. Lợi nhuận trước thuế sẽ theo phê duyệt của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, trong khi nợ xấu được kiểm soát dưới 1,4%.

Ngân hàng cho biết những chỉ tiêu chưa có số liệu chi tiết sẽ được BIDV cập nhật dựa trên cơ sở phê duyệt của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

Trong phần thảo luận, trả lời câu hỏi của cổ đông về kết quả lợi nhuận quý I/2025, Tổng giám đốc BIDV Lê Ngọc Lâm cho biết, đến cuối quý I/2025, tăng trưởng tín dụng của BIDV là 2,6%, tăng trưởng huy động vốn 1,17%. Lợi nhuận ước đạt 7.019 tỷ đồng trong quý đầu năm, giảm 1,5% so với cùng kỳ năm ngoái trong khi nợ xấu tăng nhẹ lên 1,65%.

Lý giải về nguyên nhân chưa đưa ra mục tiêu lợi nhuận cụ thể, ông Phan Đức Tú, Chủ tịch HĐQT BIDV cho hay, chiến tranh thương mại trên thế giới đang rất phức tạp, thời gian hoãn thuế 90 ngày chưa kết thúc và BIDV đang chờ kết quả đàm phán để đưa ra kịch bản cụ thể.

Theo rà soát của BIDV, tổng dư nợ khối khách hàng bị ảnh hưởng bởi tác động thuế quan của BIDV khoảng 300.000 tỷ đồng, chiếm 15% dư nợ của ngân hàng. Nhóm các khách hàng bị ảnh hưởng lớn gồm sản xuất thép, chất dẻo, nhựa, cơ khí, thủy sản, giày da, may mặc, logistics, bất động sản khu công nghiệp,… Dư nợ này bao gồm cả doanh nghiệp xuất khẩu trực tiếp lẫn doanh nghiệp gia công, phụ trợ, các KCN... chịu ảnh hưởng gián tiếp.

Theo lượng hóa của Chủ tịch HĐQT BIDV, có 5 ảnh hưởng khi Mỹ tăng thuế đối ứng: tín dụng bị thu hẹp; huy động vốn giảm (nhất là huy động tiền gửi của doanh nghiệp FDI); nhu cầu sử dụng dịch vụ của khối doanh nghiệp giảm đi (do hoạt động xuất nhập khẩu giảm); chất lượng tài sản suy giảm; chi phí dự phòng rủi ro tăng lên. Tất cả yếu tố này sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến tăng trưởng lợi nhuận của ngân hàng.

Năm nay, BIDV tiếp tục dự kiến trích lập dự phòng rủi ro 21.000 tỷ đồng. Đây là mức trích lập tương đương năm 2024 trong khi quy mô tín dụng tăng khoảng 16%, nghĩa là tỷ lệ bao phủ nợ xấu sẽ giảm xuống.

Với câu hỏi của cổ đông về việc sáp nhập 2 chi nhánh tại Bình Dương và Cà Mau, Chủ tịch BIDV cho biết, cho đến hiện nay, BIDV chỉ sáp nhập hai chi nhánh trên tổng số 300 chi nhánh là không nhiều. Tuy nhiên, việc sắp xếp mô hình kinh doanh với ngân hàng là công việc thường xuyên, không bao giờ bất biến, kể cả về địa điểm và mạng lưới kinh doanh. Hiện có rất nhiều yếu tố như: xu hướng số hóa, năng suất lao động, yêu cầu cắt giảm chi phí, tăng hiệu quả quản trị... khiến việc điều chỉnh theo hướng tăng mô hình hiện đại, số hóa thay thay vì những kênh phân phối rộng khắp như hiện nay sẽ diễn ra nhanh hơn.

Có cổ đông đặt câu hỏi về thông tin BIDV tham gia lập sàn giao dịch tài sản số (dự thảo đang được Bộ Tài chính xây dựng - PV), lãnh đạo BIDV cho hay, với vai trò là một ngân hàng thương mại trong nước, BIDV sẽ tích cực tham gia với các bộ, ngành để triển khai. Tuy nhiên, việc lập sàn giao dịch tài sản số BIDV sẽ "dành" cho khối doanh nghiệp tư nhân.

"BIDV không có kế hoạch lập công ty triển khai sàn này, vì đòi hỏi vốn lớn, chưa kể kỹ thuật và yếu tố khác. Tuy nhiên, BIDV sẽ tham gia thị trường với tư cách là một ngân hàng, phục vụ thanh toán và các nghiệp vụ liên quan", lãnh đạo BIDV khẳng định.

Chia cổ tức 30,8% để tăng vốn

Đại hội cổ đông BIDV hôm nay đã thông qua phương án tăng vốn điều lệ thêm 21.656 tỷ đồng, lên gần 91.870 tỷ đồng (tương đương tăng 30,8%) thông qua 3 phương án: tăng vốn từ quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ, trả cổ tức và phát hành thêm.

Về phương án phát hành cổ phiếu để tăng vốn từ quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ, BIDV sẽ phát hành tối đa hơn 498.516.696 cổ phiếu (tương đương 7,1% số cổ phiếu đang lưu hành tại thời điểm 31/3).

Với kế hoạch phát hành cổ phiếu để trả cổ tức từ lợi nhuận lũy kế chưa phân phối năm 2023, BIDV dự kiến phát hành tối đa gần 1.397.251.021 cổ phiếu (tương đương 19,9% số cổ phiếu đang lưu hành tại thời điểm 31/3).

Cuối cùng là phương án phát hành thêm cổ phiếu cho nhà đầu tư bằng hình thức chào bán riêng lẻ hoặc chào bán ra công chúng với số lượng tối đa 269.846.330 triệu cổ phiếu (tương đương 3,84% số cổ phiếu đang lưu hành tại thời điểm 31/3).

Đối tượng chào bán cổ phiếu riêng lẻ là các nhà đầu tư đáp ứng tiêu chí là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp và là tổ chức trong và ngoài nước có tiềm lực tài chính, có thể bao gồm một hoặc một số cổ đông hiện hữu của BIDV.

ĐHĐCĐ ủy quyền cho HĐQT quyết định cụ thể nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp đáp ứng các yêu cầu và số lượng cổ phần chào bán cho từng nhà đầu tư.

Về nguyên tắc xác định giá, giá cổ phiếu chào bán riêng lẻ đảm bảo không thấp hơn giá thị trường tại thời điểm hoặc giá trị được ghi trong sổ sách cảu cổ phần tại thời điểm gần nhất.

Cổ phiếu chào bán riêng lẻ sẽ bị hạn chế chuyển nhượng 3 năm đối với nhà đầu tư chiến lược và 1 năm đối với nhà đầu tư chuyên nghiệp.

Thời gian thực hiện cả ba phương án trên dự kiến trong 2025 - 2026. ĐHĐCĐ ủy quyền cho HĐQT quyết định thời điểm phát hành cụ thể sau khi nhận được chấp thuận của các cơ quan nhà nước.

Vốn điều lệ tăng thêm dự kiến sẽ được dùng toàn bộ để bổ sung vốn kinh doanh, được phân bổ sử dụng vào các lĩnh vực hoạt động kinh doanh của BIDV.

T.L

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/dhdcd-bidv-khong-co-ke-hoach-tham-gia-lap-san-giao-dich-tai-san-so-de-ngo-ke-hoach-loi-nhuan-d273568.html
Zalo