Người con thứ năm của Rothschild chinh phục Pháp
Tài sản của James Rothschild đạt đến 600 triệu franc. Ở Pháp chỉ có tài sản của một người có thể sánh với ông ta, đó chính là Quốc vương Pháp với khối tài sản trị giá 800 triệu franc.
Trong thời kỳ Napoleon chấp chính, James - người con thứ năm của Rothschild - đi lại như con thoi giữa London và Paris, xây dựng hệ thống mạng lưới vận chuyển hàng hóa của Anh. Sau khi giúp Wellington vận chuyển tiền vàng thành công và cuộc chiến thu mua trái phiếu Chính phủ Anh kết thúc, James trở nên nổi tiếng ở Pháp. Ông xây dựng Ngân hàng Paris Rothschild, đồng thời âm thầm giúp đỡ cuộc cách mạng ở Tây Ban Nha.
Năm 1817, sau khi bại trận ở Waterloo, nước Pháp mất đi một lượng lớn lãnh thổ có được từ những cuộc chiến của Napoleon, đồng thời rơi vào cảnh bị bao vây chính trị; nền kinh tế quốc dân cũng ngày càng tiêu điều. Chính phủ của Louis XVIII chạy vạy khắp nơi để vay tiền, hy vọng nền tài chính quốc gia có thể từng bước ổn định. Việc một ngân hàng của Pháp và Ngân hàng Barings của Anh nhận được những khoản xin vay khổng lồ trong khi Ngân hàng Rothschild với tiếng tăm lừng lẫy như vậy lại rơi vào thinh lặng đã khiến James cảm thấy rất sốt ruột.
Đến năm 1818, những trái phiếu Chính phủ phát hành một năm trước ở Paris và nhiều khu vực khác đều bắt đầu tăng giá. Chính phủ Pháp đã nếm được vị ngọt của lợi nhuận nên muốn vay tiếp của hai ngân hàng kia. Và cho dù có thử đủ mọi cách đi nữa thì anh em nhà Rothschild cũng chẳng kiếm được một chút lợi ích nào. Thì ra tầng lớp quý tộc Pháp tự cho mình là những người có dòng máu cao quý, còn Rothschild chỉ là kẻ tầm thường nên không muốn làm ăn với Rothschild. Mặc dù giàu nứt đố đổ vách, hào hoa rất mực, nhưng James không phải là người có địa vị xã hội cao. Sự kiêu ngạo của đám quý tộc Pháp khiến James hết sức phẫn nộ.
Ông bèn bắt tay cùng các anh em của mình lập kế hoạch khống chế quý tộc Pháp. Còn đám quý tộc cao ngạo nhưng dốt nát của Pháp lại đánh giá thấp chiến lược chiến thuật nổi bật trong lĩnh vực tài chính của dòng họ Rothschild. Khả năng hoạch định chiến lược cũng như bản lĩnh kinh doanh của họ vốn được ví với tài chỉ huy trên chiến trường của Napoleon.
Ngày 15 tháng 11 năm 1818, trái phiếu của Pháp trước đó vẫn đang tăng giá ổn định thì đột nhiên có những biến động thất thường. Rất nhanh sau đó, những trái phiếu khác của Chính phủ cũng bắt đầu chịu ảnh hưởng, giá cả trượt dốc với những mức độ khác nhau. Các nhà đầu tư trên thị trường bắt đầu bàn tán xôn xao.

Chân dung James Rothschild. Ảnh: La Revue.
Theo thời gian, tình hình chẳng những không có chuyển biến tốt mà trái lại ngày càng có chiều hướng tuột dốc hơn. Lời xì xào ở sở giao dịch ngày càng lan rộng đi khắp nơi. Có người nói có thể Napoleon sẽ lên nắm quyền lại, cũng có người nói việc thu thuế tài chính của Chính phủ không đủ để chi trả lợi tức cho các cổ đông, có người còn lo rằng sẽ xảy ra một cuộc chiến mới.
Nội bộ hoàng cung của Vua Louis XVIII cũng hết sức căng thẳng. Nếu trái phiếu vẫn tụt dốc với tốc độ không phanh như vậy thì Chính phủ sau này sẽ chẳng biết bấu víu vào đâu. Trên gương mặt của các nhà quý tộc cao ngạo lộ rõ vẻ chán nản, ai ai cũng lo lắng cho tương lai của đất nước. Chỉ có hai người đứng ngoài cuộc với vẻ mặt bàng quan lạnh lùng. Đó là James và Calmann.
Rút ra bài học từ vết xe đổ của nước Anh, một số người bắt đầu nghi ngờ rằng gia tộc Rothschild đang thao túng thị trường công trái này. Tình hình thực tế chính là vậy. Bắt đầu từ tháng 10 năm 1818, dòng họ Rothschild, dùng tài lực hùng hậu của mình làm hậu thuẫn, đã ngấm ngầm mua vào trái phiếu của Pháp trên tất cả các thị trường lớn ở châu Âu, khiến cho giá trái phiếu tăng lên. Từ ngày 5 tháng 11, họ lại đồng loạt bán các trái phiếu này với số lượng lớn ra thị trường châu Âu, gây nên sự hoang mang cực độ cho thị trường.
Chứng kiến cảnh giá trái phiếu của mình rơi tự do, Vua Louis XVIII cảm thấy ngôi vị của mình đang lung lay dữ dội. Lúc này, người đại diện của dòng họ Rothschild đã khuyên Vua Louis XVIII thử nhờ Ngân hàng Rothschild cứu vãn tình thế. Trong tình cảnh nước sôi lửa bỏng, Louis đã quên cả địa vị cao sang của mình, đòi triệu kiến anh em nhà James đến ngay lập tức. Bầu không khí của điện Elysee nhờ đó mà thay đổi ngay tức khắc. Anh em James bị đối xử khinh rẻ trước đây giờ đi đến đâu cũng được tung hô chào đón.
Quả nhiên, chỉ với một cái “búng tay” của anh em James, thị trường trái phiếu đã bình ổn trở lại, còn họ thì trở thành trung tâm chú ý của nước Pháp. Sau chiến bại về quân sự của Pháp, họ đã cứu được nước Pháp từ cuộc khủng hoảng kinh tế! Những lời ca tụng và những tràng hoa tươi khiến anh em James sung sướng ngất ngây, ngay cả quần áo họ mặc cũng trở thành mốt thời thượng khi đó. Ngân hàng của họ trở thành nơi người ta vào ra giao dịch tấp nập.
Nhờ vậy, dòng họ Rothschild đã khống chế hoàn toàn nền tài chính Pháp. “Tài sản của James Rothschild đạt đến 600 triệu franc. Ở Pháp chỉ có tài sản của một người có thể sánh với ông ta, đó chính là Quốc vương Pháp với khối tài sản trị giá 800 triệu franc. Tài sản của các ngân hàng khác tại Pháp cộng lại vẫn thấp hơn 150 triệu franc so với khối tài sản của James. Nguồn tài sản này bỗng nhiên đem đến cho ông quyền lực cao siêu không thể nào diễn tả được, thậm chí đến mức bất cứ lúc nào cũng có thể khiến cho nội các Chính phủ tan vỡ.”