Người cha của những thiên thần

Sự hiện diện của những con người thiện nguyện đang làm đẹp hơn cuộc sống này - bằng sự tử tế, thầm lặng và bằng một tình yêu không điều kiện.

Chiều nắng xế, Nghĩa trang Thai nhi từ thiện thị trấn Ái Nghĩa huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam nằm hiu hắt bên sườn đồi.

Hôm nay là Rằm, có một người đàn ông vẫn đang miệt mài quét dọn, lau chùi các ngôi mộ nhỏ. Ông chia đều những gói bim bim, bình sữa nhỏ hay những món đồ chơi cho các con.

Nghĩa trang Thai nhi (không đồng) thị trấn Ái Nghĩa, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam

Nghĩa trang Thai nhi (không đồng) thị trấn Ái Nghĩa, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam

Đó là ông Nguyễn Thành Nhất, thợ cơ khí ở thị trấn Ái Nghĩa. Chẳng có một lý do nào cả, chỉ tình cờ thấy xót thương khi chứng kiến một vài trường hợp thai nhi bị chôn vùi sơ sài ở vệ đường, ông đã cùng một nhóm bạn thân nảy ra ý định: Xin chính quyền cấp một khoảng đất ven đồi để tiếp nhận, chôn cất những sinh linh bé nhỏ ấy.

Ông và nhóm bạn của mình bảo nhau: Có đến đâu làm đến đấy. Không lập Fanpage, không nhận tiền tài trợ, không đưa số tài khoản lên mạng hay kêu gọi… vì sợ điều tiếng này nọ. Ở cổng nghĩa trang có số điện thoại của ông để ai cần đều có thể điện đến.

Ông Nguyễn Thành Nhất, thợ cơ khí thị trấn Ái Nghĩa, huyện Đại Lộc, Quảng Nam

Ông Nguyễn Thành Nhất, thợ cơ khí thị trấn Ái Nghĩa, huyện Đại Lộc, Quảng Nam

Thường thì những người mẹ trẻ ở lứa tuổi học sinh, sinh viên lỡ làng vì lý do tế nhị không dám xuất hiện công khai. Họ đem đến để ở cửa nghĩa trang và nhóm của ông tự tay khâm liệm, chôn cất cho các cháu.

Ông Nguyễn Thành Nhất kể: “Khi nhận được điện thoại, mình thu xếp gác việc ở xưởng lại và đến ngay khi họ cần. Có người thì họ đem đến tận nơi giao cho mình, có người gọi điện nhưng ngại đến vì sợ lộ danh tính, họ thuê shiper đem đến… Mấy anh em chúng tôi phân nhau tiếp nhận hết, khâm liệm rồi chôn cất cho các con đàng hoàng. Những người cần được giúp đỡ họ khổ tâm lắm, hoàn cảnh lắm mới tìm đến mình. Thôi thì ráng được bao nhiêu thì ráng. Làm được việc thiện mình cũng cảm thấy nên làm, coi như là tích cái đức thôi chứ không suy nghĩ chi nhiều”.

Cách đây mấy ngày, lúc nửa đêm ông nhận được điện thoại của một cô gái nhờ chôn cất đứa bé. Sáng sớm cô bé ấy đem con đến cửa nghĩa trang để đó và gọi điện nói là “Chú giúp con. Con còn phải đi học”. Đứa bé tầm 7-8 tháng rồi nên ông Nhất và nhóm bạn của mình khâm liệm cho con và chôn cất đúng thủ tục. Có người nhìn thấy bảo người mẹ ấy là một cô bé gầy gò, ốm yếu. Chắc chắn cô bé ấy sẽ bị ám ảnh với nỗi đau này rất lâu. Thương nhiều hơn giận. Ông bảo, thôi thì con dại cái mang, mình cũng là người làm cha mà.

Ông Nhất và những người thiện nguyện thường xuyên chăm lo cho các ngôi mộ nhỏ

Ông Nhất và những người thiện nguyện thường xuyên chăm lo cho các ngôi mộ nhỏ

Phần lớn các bà mẹ trẻ đưa con đến đây là học sinh, sinh viên lỡ làng

Phần lớn các bà mẹ trẻ đưa con đến đây là học sinh, sinh viên lỡ làng

Quan điểm của mấy anh em trong nhóm bạn của ông là có đến đâu làm đến đấy, góp với nhau mà làm. Các thợ khâm liệm, chôn cất các cháu tự nguyện làm miễn phí, các thầy trong Chùa cũng giúp đỡ tổ chức cúng hay cầu siêu cho các cháu, rồi bà con phật tử cũng chung tay…

Ông Nhất bảo: Thôi thì, ít ra các bà mẹ trẻ ấy cũng biết con mình nằm ở đâu, sau này có thể đến hương khói cho con. Đấy là lý do Khu nghĩa trang không bao giờ khóa cửa để ai cần cũng có thể vào.

Một góc Nghĩa trang

Một góc Nghĩa trang

Thảng hoặc, ông vẫn thấy từ xa một cô gái một mình lặng lẽ ngồi bên ngôi mộ nhỏ. Ông tránh đi để cô ấy có thể một mình bên con…

Ông thực sự là một người cha của những thiên thần đang yên nghỉ tại đây. Sự hiện diện của những con người thiện nguyện đang làm đẹp hơn cuộc sống này - bằng sự tử tế, thầm lặng và bằng một tình yêu không điều kiện.

CTV Khánh Linh-Tấn Nguyên/VOV-Miền Trung

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/nguoi-cha-cua-nhung-thien-than-post1200549.vov
Zalo