Đẩy mạnh kế hoạch tiêm vaccine cho người lớn, nhất là nhóm có bệnh nền

Tại Việt Nam, trung bình người lớn tuổi mắc 3-4 bệnh lý nền đi kèm, chịu nhiều ảnh hưởng đến chất lượng sống và có nguy cơ giảm số năm sống khỏe mạnh. Bên cạnh những thành công trong tiêm vaccine cho trẻ em, giờ là lúc chúng ta cần hướng tới đẩy mạnh kế hoạch tiêm chủng cho người lớn, nhất là nhóm có bệnh lý nền.

Phòng ngừa bệnh bằng vaccine được xem là bước chuẩn bị rất quan trọng để chủ động ngăn chặn bệnh tật

Theo nghiên cứu, bệnh tim mạch, khối u ác tính, bệnh hô hấp mạn tính, bệnh cơ xương khớp và rối loạn thần kinh và tâm thần là những nguyên nhân chính gây nên gánh nặng bệnh tật ở người lớn tuổi trên toàn cầu.

Tại Việt Nam, trung bình người lớn tuổi ở Việt Nam mắc 3-4 bệnh lý nền đi kèm, chịu nhiều ảnh hưởng đến chất lượng sống và có nguy cơ giảm số năm sống khỏe mạnh.

PGS.TS.BS Dương Thị Hồng - Chủ nhiệm Chương trình Tiêm chủng Quốc gia Việt Nam phát biểu

PGS.TS.BS Dương Thị Hồng - Chủ nhiệm Chương trình Tiêm chủng Quốc gia Việt Nam phát biểu

Các bệnh có thể phòng ngừa ảnh hưởng đến người cao tuổi bao gồm cúm, nhiễm phế cầu, zona và COVID-19, gây ra sự giảm có ý nghĩa về số năm sống điều chỉnh theo mức độ bệnh tật.

Tại hội thảo về vấn đề chủng ngừa vaccine cho người lớn do Sở Y tế TPHCM và Bệnh viện Đại học Y dược TP HCM phối hợp với GSK tổ chức mới đây, PGS.TS.BS Dương Thị Hồng - Chủ nhiệm Chương trình Tiêm chủng Quốc gia Việt Nam cho hay phòng ngừa bệnh bằng vaccine được xem là bước chuẩn bị rất quan trọng để chủ động ngăn chặn bệnh tật và những ảnh hưởng xấu đến kiểm soát bệnh nền đang có của người lớn.

Tiêm chủng không chỉ là một hành động bảo vệ cá nhân mà còn là một chiến lược dài hạn giúp giảm tải áp lực lên hệ thống y tế, đồng thời nâng cao chất lượng cuộc sống toàn diện cho người dân.

Vì vậy, các bác sĩ cần chủ động hơn trong tư vấn chủng ngừa cho bệnh nhân có bệnh nền ngay từ khi họ đến thăm khám và điều trị bệnh.

"Việt Nam cũng đã đạt những thành công với kế hoạch tiêm chủng cho trẻ em, và giờ là lúc chúng ta cần hướng tới đẩy mạnh những kế hoạch tiêm chủng cho người lớn, đặc biệt là nhóm người có bệnh lý nền”- PGS.TS Dương Thị Hồng nói.

PGS.TS.BS Phạm Lê An, Chủ tịch Hội Bác sĩ gia đình Việt Nam nhấn mạnh việc quản lý và điều trị các bệnh lý ở nhóm người lớn tuổi gặp nhiều khó khăn hơn khi có sự xuất hiện của các bệnh nhiễm trùng. Trong khi đó, vaccine chính là giải pháp quan trọng để giảm thiểu nguy cơ biến chứng và tử vong, giúp bảo vệ sức khỏe bền vững cho cả người bệnh và cộng đồng.

Chia sẻ về công nghệ phát triển vaccine nhằm triển khai tiêm chủng ở người lớn và người có bệnh lý nền hiệu quả, TS.BS Nguyễn Thị Lý, Trưởng phòng Kiểm định vaccine, virus, Viện Kiểm định vaccin sinh phẩm Quốc gia cho biết, việc suy giảm khả năng đáp ứng với vaccine ở người lớn tuổi đòi hỏi những chiến lược mới trong công nghệ sản xuất và phát triển vaccine cho người lớn, bao gồm các giải pháp như tăng nồng độ kháng nguyên và bổ sung chất bổ trợ.

Cùng với đó, công tác kiểm nghiệm cần được triển khai chặt chẽ nhằm có hồ sơ vaccine đảm bảo tính an toàn, hiệu quả và chất lượng trước khi đưa vào thực hành tiêm chủng.

Quản lý lồng ghép tiêm chủng trong quản lý các bệnh mạn tính

PGS.TS.BS. Nguyễn Hoàng Định, Phó Giám Đốc Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM cho rằng việc tích hợp tiêm chủng trong chăm sóc y tế là cần thiết để giảm nguy cơ biến chứng, nâng cao chất lượng sống.

PGS.TS.BS. Nguyễn Hoàng Định, Phó Giám Đốc Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM cho rằng việc tích hợp tiêm chủng trong chăm sóc y tế là cần thiết để giảm nguy cơ biến chứng, nâng cao chất lượng sống.

PGS.TS.BS Nguyễn Hoàng Định, Phó Giám Đốc Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM nhận định, mô hình quản lý lồng ghép chẩn đoán và điều trị dự phòng bằng vaccine là một xu hướng toàn cầu. Để quản lý người bệnh toàn diện, chúng ta cần tích hợp các chương trình tiêm chủng vào quy trình khám chữa bệnh thường quy.

"Ở người lớn tuổi, các bệnh như cúm, viêm phổi do phế cầu làm tăng nguy cơ tử vong, đặc biệt khi kèm theo các bệnh mạn tính. Do đó, việc tích hợp tiêm chủng trong chăm sóc y tế là cần thiết để giảm nguy cơ biến chứng, nâng cao chất lượng sống”- PGS.TS.BS Nguyễn Hoàng Định bày tỏ.

Chia sẻ về ý nghĩa của mô hình quản lý lồng ghép gia tăng tiếp cận chương trình tiêm chủng cho người lớn, TS.BS. Nguyễn Huy Luân, Trưởng Đơn vị Tiêm chủng, Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM, cho biết, Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM đã triển khai chương trình tiêm chủng cho người lớn từ năm 2013 và mở rộng đến các khoa nội trú từ năm 2021.

Theo TS Huy Luân, việc tư vấn và tiêm ngừa được tích hợp ngay trong quá trình khám chữa bệnh, giúp giảm thiểu rủi ro bệnh truyền nhiễm nghiêm trọng và hỗ trợ quản lý bệnh lý nền hiệu quả. Điển hình chương trình tiêm chủng cho người lớn được đưa vào bệnh viện là một bước đi rất tiến bộ, mang lại lợi ích lớn cho cả người bệnh và khối điều trị, giảm được những gánh nặng bệnh tật và tình trạng quá tải của hệ thống y tế.

Các khách mời dự hội thảo.

Các khách mời dự hội thảo.

Đánh giá cao việc triển khai mô hình quản lý lồng ghép tiêm chủng trong quản lý bệnh mạn tính tại bệnh viện, TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó Giám đốc Sở Y tế TP HCM, cho biết: Đây là giải pháp dự phòng các bệnh nhiễm trùng bằng vaccine tối ưu cho người lớn tuổi và người có bệnh lý nền, giúp gia tăng hiệu quả quản lý các bệnh lý mạn tính và góp phần giảm gánh nặng y tế cho nhóm dân số già.

Các Hiệp hội Y khoa chuyên ngành, các đơn vị khám chữa bệnh, bác sĩ, nhân viên y tế cần tăng cường công tác truyền thông, khuyến cáo và tư vấn hiệu quả về bệnh và phòng bệnh bằng chủng ngừa ở người lớn, nhất là các đối tượng có nguy cơ cao.

Thái Bình/ Ảnh: Mỹ Ngọc

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/day-manh-ke-hoach-tiem-vaccine-cho-nguoi-lon-nhat-la-nhom-co-benh-nen-169250519162327657.htm
Zalo