Ngành Thuế thu hồi được gần 5.000 tỷ đồng nợ thuế qua áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh
Để nâng cao hiệu quả quản lý, thu hồi nợ thuế, ngành Thuế đã chủ động phối hợp với cơ quan chức năng thuộc Bộ Công an áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh đối với người nộp thuế là cá nhân, doanh nghiệp chưa hoàn thành nghĩa vụ thuế. Kết quả, ngành Thuế thu hồi được gần 5.000 tỷ đồng nợ thuế.
Phát hành trên 61.000 thông báo tạm hoãn xuất cảnh
Thực hiện chức năng nhiệm vụ được giao tại Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14, ngành Thuế đã triển khai đồng bộ các biện pháp quản lý thuế. Cùng đó, ngành Thuế đã chủ động phối hợp với cơ quan chức năng thuộc Bộ Công an áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh đối với người nộp thuế là cá nhân, doanh nghiệp chưa hoàn thành nghĩa vụ thuế (đối tượng còn nợ đọng thuế).
Đại diện Cục Thuế cho biết, trong quá trình thực hiện, ngành Thuế đã chủ động triển khai nhiều kênh thông tin như ứng dụng eTax Mobile, tin nhắn SMS, cảnh báo trên phương tiện truyền thông, giúp người nộp thuế biết sớm thông tin tạm hoãn xuất cảnh đã tự giác và chủ động thực hiện đi nộp các khoản thuế nợ kéo dài để được gỡ bỏ hạn chế xuất cảnh.

Cơ quan thuế ký quy chế phối hợp với cơ quan công an. Ảnh: TL
Cụ thể, trước khi thực hiện gửi “Thông báo tạm hoãn xuất cảnh” đến người nộp thuế, cơ quan thuế đã tiến hành rà soát, đối chiếu, xác định chính xác nghĩa vụ thuế và số thuế nợ tồn đọng từ phía người nộp thuế vì nhiều lý do khác nhau đã chậm trễ trong việc thực hiện nghĩa vụ thuế đối với ngân sách của nhà nước.
Để tăng cường phối hợp kết nối dữ liệu, nâng tính tuân thủ pháp luật, siết chặt kỷ cương và pháp luật về lĩnh vực thuế nhưng đồng thời để tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp thuế có thể xuất cảnh ngay sau khi hoàn thành xong nghĩa vụ thuế, Cục Thuế đã phối hợp với Cục Quản lý xuất nhập cảnh (Bộ Công an) nghiên cứu giải pháp kết nối dữ liệu lớn để áp dụng ngay trong trung tuần tháng 5/2025.
Theo thống kê của Cục Thuế, đến nay cơ quan thuế các cấp đã phát hành trên 61.000 thông báo tạm hoãn xuất cảnh với tổng số tiền thuế nợ lên tới trên 83.000 tỷ đồng. Trong đó, riêng nhóm người nộp thuế đã bỏ địa chỉ kinh doanh là trên 36.000 người nộp thuế với tổng số tiền là 13.407 tỷ đồng. Với việc áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh và ban hành trên 61.000 thông báo tạm hoãn xuất cảnh đến với người nộp thuế, cơ quan thuế đã thực hiện thu hồi cho ngân sách nhà nước được gần 5.000 tỷ đồng, trong đó có 256 tỷ đồng từ nhóm người nộp thuế bỏ địa chỉ kinh doanh. Kết quả trên đã cho thấy hiệu quả rõ rệt của việc áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh.
Tuy nhiên, thực tiễn áp dụng cũng đã phát sinh những hạn chế nhất định, bởi việc thực hiện biện pháp “Thông báo tạm hoãn xuất cảnh” theo phương thức hành chính truyền thống như hiện nay (thông báo bằng công văn gửi trực tiếp hoặc chuyển phát nhanh…) sẽ bị hạn chế về thời gian xử lý, thiếu tính đồng bộ trong công tác quản lý và có thể phát sinh chi phí hành chính, từ đó cũng sẽ tạo khó khăn nhất định trong quá trình rà soát dữ liệu liên quan đến nghĩa vụ thuế của tổ chức, cá nhân.
Phối hợp thực hiện hủy bỏ, tạm hoãn xuất cảnh bằng phương thức điện tử
Nhận thức được những khó khăn, với quyết tâm cải cách trong bối cảnh chuyển đổi số đang được đẩy mạnh trên toàn hệ thống chính trị, Cục Thuế đã chủ động phối hợp với Cục Quản lý xuất nhập cảnh (Bộ Công an) triển khai đồng thời việc kết nối dữ liệu lớn (Big Data) kết hợp giải pháp kỹ thuật về người nộp thuế với việc xây dựng quy chế phối hợp trao đổi thông tin điện tử giữa cơ quan thuế và cơ quan quản lý xuất nhập cảnh.
Trải qua 3 đợt vận hành thí điểm với những tham gia góp ý từ phía các chuyên gia nghiệp vụ và công nghệ thông tin của Cục Thuế và Cục Quản lý xuất nhập cảnh, đến nay hai cơ quan đã thống nhất nội dung kỹ thuật, phương án truyền dữ liệu lớn, cơ chế bảo mật và quy trình xử lý nghiệp vụ và đến đầu tháng 5/2025, toàn bộ hệ thống hạ tầng điện tử đã sẵn sàng vận hành khi quy chế phối hợp công tác được hai cơ quan ký kết.

Áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh mang lại hiệu quả rõ rệt trong công tác thu hồi nợ thuế. Ảnh: TL
“Đây là một trong những giải pháp kết nối dữ liệu lớn từ phía cơ quan thuế đến cơ quan công an, từ đó tạo điều kiện thuận lợi và góp phần quan trọng tháo gỡ ‘nút thắt’ trong hoạt động quản lý nhà nước, từ đó tạo điều kiện để người nộp thuế có thể nhanh chóng khắc phục và thực hiện nghĩa vụ thuế trước khi thực hiện các thủ tục liên quan đến xuất nhập cảnh” - ông Phạm Quang Toàn - Trưởng ban Ban Chuyển đổi số (Cục Thuế) chia sẻ.
Đối với người nộp thuế, việc triển khai hệ thống mới mang lại nhiều lợi ích thiết thực khi hoàn thành nghĩa vụ thuế, thủ tục gỡ bỏ tạm hoãn xuất cảnh sẽ được cập nhật gần như ngay lập tức, tạo thuận lợi trong việc xuất cảnh vì mục đích cá nhân hoặc công việc. Đồng thời, điều này cũng nâng cao ý thức tuân thủ nghĩa vụ thuế, nhất là đối với các cá nhân, doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh xuyên biên giới.
Đối với xã hội, việc kết nối và chia sẻ thông tin kịp thời giữa cơ quan thuế và cơ quan quản lý xuất nhập cảnh là biểu hiện rõ nét của một nền hành chính hiện đại, công khai và có trách nhiệm. Không chỉ góp phần tạo môi trường kinh doanh công bằng, minh bạch, cơ chế này còn làm tăng tính răn đe, thúc đẩy tuân thủ pháp luật thuế và ngăn chặn hiệu quả hành vi trốn tránh nghĩa vụ với ngân sách nhà nước.
Sự phối hợp đồng bộ, hiệu quả của hai cơ quan trong việc kết nối dữ liệu và xây dựng quy chế phối hợp đã khẳng định công tác thực hiện quản lý nhà nước theo mục tiêu “hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả” đang được triển khai đồng bộ giữa hai ngành, từ đó góp phần từng bước hình thành văn hóa tuân thủ, củng cố niềm tin của người dân vào một Chính quyền phục vụ và nhà nước pháp quyền kỷ cương. Với ngân sách nhà nước, đây là một biện pháp hiệu quả trong việc thu hồi nợ thuế, qua đó giúp tăng thu ngân sách của nhà nước bền vững để đảm bảo nguồn lực cho các mục tiêu phát triển của đất nước.
Theo ông Nguyễn Đức Huy - Phó trưởng ban Ban Nghiệp vụ (Cục Thuế), việc xây dựng và triển khai quy chế phối hợp bằng phương thức điện tử không chỉ là bước đi kỹ thuật, mà là sự khẳng định vai trò tiên phong của ngành Thuế trong công cuộc chuyển đổi số. Quan trọng hơn, điều này cho thấy quyết tâm của toàn ngành trong xây dựng một hệ sinh thái quản lý thuế hiện đại, hiệu lực, đồng thời lan tỏa tinh thần thượng tôn pháp luật và thúc đẩy kỷ cương tài chính trong toàn xã hội./.
Quy chế trao đổi, cung cấp thông tin tạm hoãn xuất cảnh bằng phương thức điện tử
Quy chế gồm 10 điều, quy định cụ thể về phạm vi, nguyên tắc, đối tượng, đầu mối trao đổi, tần suất truyền dữ liệu, quy trình xử lý sự cố và cơ chế đối soát thông tin với 05 yêu cầu cốt lõi:
Thứ nhất, thông tin truyền - nhận phải đảm bảo an toàn, bảo mật và liên tục;
Thứ hai, thông tin, dữ liệu trao đổi giữa hai cơ quan là thông tin chính thức, chỉ phục vụ công tác nghiệp vụ theo quy định pháp luật, đúng mục đích nghiệp vụ và không được cung cấp cho bên thứ ba nếu chưa có sự đồng ý của bên cung cấp.
Thứ ba, các thông tin được trao đổi qua phương thức điện tử không trao đổi song song qua các phương thức khác (trừ trường hợp không thực hiện được thì thực hiện bằng các hình thức quy định tại Thông tư 79/2020/TT-BCA);
Thứ tư, tần suất truyền dữ liệu theo thời gian thực;
Thứ năm, cơ chế đối soát được triển khai hai giai đoạn: ban đầu là thủ công qua email (trong 3 tháng đầu), sau đó nâng cấp thành hệ thống đối soát điện tử qua đường truyền giữa hai cơ quan.