Chuyên gia dự báo: Thuế sốc là cú hích để Việt Nam trở thành trung tâm năng lượng tái tạo
Đối mặt mức thuế xuất khẩu lên tới 800%, chuyên gia cho rằng đây chính là 'cơ hội độc nhất' để Việt Nam bứt khỏi cái bóng Trung Quốc, phát triển ngành năng lượng tái tạo nội địa và vươn lên thành trung tâm sản xuất chiến lược của khu vực, nếu biết hành động kịp thời.
Vừa qua Chính phủ Việt Nam ban hành Quyết định số 768/QĐ-TTg về điều chỉnh Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2021 - 2030 (gọi tắt là Quy hoạch điện VIII điều chỉnh), trong đó một lần nữa khẳng định cam kết của Việt Nam với năng lượng tái tạo giữa quá trình chuyển đổi năng lượng toàn cầu. Một lộ trình đầy tham vọng đã được đặt ra, năng lượng tái tạo sẽ chiếm 28 - 36% cơ cấu năng lượng Việt Nam đến năm 2030, tăng đáng kể lên 74 - 75% vào năm 2050.
Theo báo cáo của Global Energy Monitor, công suất năng lượng mặt trời và gió quy mô tiện ích của Việt Nam hiện tại là 19,5 GW, cao hơn gấp đôi tổng công suất của các quốc gia ASEAN khác. Năng lượng tái tạo hiện chiếm 25% cơ cấu năng lượng của Việt Nam, vượt xa mức trung bình của khu vực là 9%.
Dẫu có những bước tiến đáng kể như trên, TS. Nguyễn Vĩnh Khương, Giảng viên ngành Kỹ thuật điện tử và Hệ thống máy tính, Đại học RMIT Việt Nam chỉ ra, ngành năng lượng tái tạo Việt Nam đang phải đối mặt với một “điểm yếu”.

Năng lượng tái tạo Việt Nam có thể biến "nguy" thành "cơ" bằng cách phát triển sản xuất nội địa, đầu tư công nghệ và tận dụng lợi thế từ các hiệp định thương mại quốc tế (EVFTA, CPTPP).
Theo đó, khoảng 90% thiết bị cho các dự án năng lượng tái tạo được nhập khẩu, phụ thuộc vào các nhà sản xuất Trung Quốc. Các doanh nghiệp Trung Quốc ở Việt Nam, chẳng hạn như Jinko Solar và Trina Solar... phải đối mặt với mức thuế của Mỹ lần lượt lên tới gần 245% và 202% sau quyết định của Mỹ từ tháng 4/2025.
Một số doanh nghiệp năng lượng mặt trời Việt Nam xuất khẩu vào Hoa Kỳ hiện đối mặt với mức thuế cao lên tới 813,92%, khiến chi phí dự án tăng phi mã và có khả năng làm cho đà tăng trưởng của ngành chậm lại.
Tham vọng năng lượng tái tạo của Việt Nam còn đối mặt với một trở ngại cực lớn khác – hạ tầng lưới điện không theo kịp công suất sản xuất. Trong khi một dự án năng lượng mặt trời 50 - 100 MW có thể được phát triển trong 6 tháng, cơ sở hạ tầng truyền tải điện cần tới 2 - 3 năm để hình thành.
“Sự lệch pha này tạo ra nút thắt khiến niềm tin của nhà đầu tư giảm sút. Trong số 86 GW năng lực điện mặt trời và gió quy mô tiện ích tiềm năng được xác định tại Việt Nam, chỉ có 2% hiện đang trong quá trình xây dựng – một chỉ số chỉ rõ những thách thức trước mắt”, TS. Nguyễn Vĩnh Khương nhận định.
Căng thẳng thương mại và thuế đối ứng tiềm ẩn rủi ro, song cũng mang đến cho Việt Nam cơ hội để xây dựng ngành năng lượng tái tạo tiên tiến. Bằng cách tận dụng các nguồn lực hiện có, giải quyết những lỗ hổng thông qua nghiên cứu và giải pháp kỹ thuật, cũng như áp dụng các chính sách toàn diện, Việt Nam có thể biến những thách thức này thành quỹ đạo tăng trưởng bền vững.
Tuy nhiên, theo ông Khương, tranh chấp thương mại có thể mang lại cho Việt Nam cơ hội độc nhất để củng cố lĩnh vực năng lượng tái tạo của đất nước. Khi các công ty trên toàn thế giới tìm kiếm những giải pháp thay thế cho hàng sản xuất từ Trung Quốc, Việt Nam có thể định vị mình như một trung tâm chiến lược về sản xuất năng lượng tái tạo, bằng cách phát triển năng lực sản xuất các tấm năng lượng mặt trời, ắc quy trữ năng và những công nghệ liên quan ngay trong nước.
Các hiệp định thương mại hiện có, bao gồm Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU và Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương, cho Việt Nam khả năng tiếp cập đầy cạnh tranh vào các thị trường đa dạng, thu hút đầu tư quốc tế và chuyển giao công nghệ.
Để hiện thực hóa tham vọng này, theo chuyên gia, Việt Nam cần ưu tiên thúc đẩy sản xuất trong nước thông qua hỗ trợ tài chính, giảm thuế và các quy trình quản lý liền mạch.
Bên cạnh đó, tăng cường quan hệ đối tác quốc tế sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho chuyển giao công nghệ, đào tạo nguồn lực và liên doanh, giảm phụ thuộc vào nhập khẩu.
Một trọng tâm quan trọng khác là thúc đẩy đầu tư vào nghiên cứu, đổi mới và các giải pháp kỹ thuật. “Việc ưu tiên nghiên cứu và phát triển các công nghệ tái tạo và hệ thống lưu trữ năng lượng có thể định vị Việt Nam là quốc gia dẫn đầu về công nghệ, nâng cao khả năng cạnh tranh và phục hồi. Các trường đại học, tổ chức nghiên cứu và khu vực tư nhân nên hợp tác để phát triển những giải pháp cấp tiến phù hợp với điều kiện trong nước", chuyên gia cho biết.
Đầu tư vào hiện đại hóa lưới điện và các giải pháp lưu trữ năng lượng tiên tiến cũng là một điểm quan trọng. Nâng cấp cơ sở hạ tầng sẽ giúp tích hợp và ổn định các nguồn năng lượng tái tạo không liên tục một cách hiệu quả hơn, giảm thiểu các vấn đề gián đoạn và nâng cao độ tin cậy. Đẩy mạnh quan hệ đối tác công - tư có thể huy động thêm nguồn lực và chuyên môn kỹ thuật, đẩy nhanh việc cải thiện cơ sở hạ tầng.
Cuối cùng là thiết lập các chính sách năng lượng tái tạo ổn định, minh bạch và dài hạn. Các khung pháp lý có thể dự đoán, được sự hỗ trợ bởi những ưu đãi rõ ràng và nhất quán, sẽ thu hút nguồn tài trợ quốc tế bền vững và củng cố niềm tin của các nhà đầu tư. Truyền thông về chính sách rõ ràng sẽ định vị Việt Nam là điểm đến đầu tư năng lượng tái tạo toàn cầu đáng tin cậy và hấp dẫn.