Người cao tuổi ăn uống ra sao để tăng tuổi thọ?
Người cao tuổi nên có một chế độ dinh dưỡng hợp lý, tinh thần thoải mái, vận động vừa sức, phù hợp với sức khỏe và tuổi tác của từng người để có tuổi thọ tốt hơn.
Điều tra dân số và nhà ở giữa kỳ năm 2024 được Tổng cục Thống kê công bố hồi tháng 1-2025 cho thấy dân số Việt Nam tiếp tục già hóa.
Cụ thể, số lượng người cao tuổi từ 60 tuổi trở lên hiện gấp 1,25 lần so với năm 2019 và tăng 4,7 triệu người (gấp 1,5 lần) so với năm 2014. Dự báo đến năm 2030, số người từ 60 tuổi trở lên tăng gần 4 triệu người so với năm 2024.
Theo các chuyên gia, già hóa dân số là một trong những thách thức của công tác dân số, tác động đến tăng trưởng kinh tế, an ninh xã hội, lao động, thiết kế cơ sở hạ tầng, và đặc biệt là trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe.
Để ứng phó với già hóa dân số, ngành y tế nước ta đang nỗ lực giải quyết tình trạng mức sinh thấp, củng cố và hoàn thiện hệ thống cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu, khám chữa bệnh cho người cao tuổi. Ngoài ra, cần đẩy mạnh phát triển bảo hiểm xã hội cho người lao động, đặc biệt bảo hiểm xã hội tự nguyện.
Đối với công tác chăm sóc sức khỏe, Viện dinh dưỡng Quốc gia cho biết, người cao tuổi cần một chế độ dinh dưỡng đa dạng và hợp lý để tránh bệnh tật và có tuổi thọ tốt hơn.
Theo đó, nhu cầu năng lượng ở người cao tuổi sẽ ít hơn so với tuổi trẻ. Đơn cử, so với người 25 tuổi, nhu cầu năng lượng ở nhóm người 60 tuổi sẽ giảm đi 20% và người trên 70 tuổi sẽ giảm đi 30%. Vì thế, chế độ ăn cũng cần được điều chỉnh, giảm phần ăn so với hồi trẻ.
Cụ thể, người cao tuổi cần người cao tuổi cần chú ý giảm thịt, giảm mỡ, giảm đường. Thịt tính bình quân không vượt quá 1,5kg đầu người trong một tháng, mỡ/dầu dưới 600g, đường dưới 500g. Ngoài ra cũng cần hạn chế các thực phẩm gây mất ngủ, thực phẩm có hàm lượng muối cao như các loại dưa cà muối…
Ngược lại, người cao tuổi cần ăn thêm đậu, lạc, vừng và cá có nhiều chất đạm và chất dầu giúp đề phòng các bệnh tim mạch.
Người từ 60 tuổi trở lên cũng cần ăn nhiều rau tươi (khuyến nghị 300g), quả chín (khuyến nghị 100g) để có chất xơ kích thích nhu động ruột, tránh táo bón, phòng chống bệnh xơ vữa động mạch. Rau tươi, quả chín còn cung cấp vitamin, chất khoáng - các chất dinh dưỡng quan trọng đối với người cao tuổi.
Cạnh đó, người cao tuổi nên uống đủ nước theo nhu cầu, sinh hoạt điều độ và đúng giờ.
Theo khuyến nghị của Viện dinh dưỡng Quốc gia, nhóm tuổi này cần thực hiện chế độ vận động nhẹ nhàng vừa sức. Trong đó đi bộ là cách vận động tốt và phù hợp với người cao tuổi nhất, theo đó, người trong độ tuổi này có thể vận động 30 phút buổi sáng, trưa nằm nghỉ hoặc ngủ 15 phút, tối đi bộ nhẹ nhàng 30 phút để dễ ngủ.

Người cao tuổi cần ăn uống sinh hoạt điều độ, giữ tinh thần thoải mái để giữ cho tuổi thọ tốt hơn. ẢNH: CANVA
Tiêm chủng ở người lớn tuổi
Ngoài dinh dưỡng, việc bảo vệ sức khỏe bằng cách tiêm chủng cũng đang được các tổ chức khuyến nghị.
Tổ chức y tế Thế giới khuyến nghị (WHO) cho biết, một nghiên cứu được công bố trên tạp chí The Lancet cho thấy rằng các nỗ lực tiêm chủng toàn cầu đã cứu sống khoảng 154 triệu người - tương đương với 6 sinh mạng mỗi phút trong suốt năm thập kỷ qua. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, chỉ một số ít quốc gia khuyến nghị tiêm chủng đầy đủ cho mọi lứa tuổi. Số liệu từ WHO 2025 chỉ ra, tỉ lệ tiêm chủng ở người lớn vẫn ở mức thấp trên toàn thế giới.
Trong khi đó, tốc độ già hóa dân số trên toàn cầu đang tăng nhanh, từ 1 tỉ người từ 60 tuổi vào năm 2020, ước tính sẽ chạm mốc 1,4 tỉ người vào năm 2030, theo WHO 2022. Điều này đặt ra nhiều thách thức về sức khỏe cộng đồng, khi người lớn tuổi dễ mắc các bệnh mãn tính và các bệnh có thể phòng ngừa.
Để giải quyết điều này, theo các đơn vị y tế, cần nâng cao hơn nữa niềm tin và nhận thức về tầm quan trọng của việc giữ cho con người và cộng đồng khỏe mạnh với các biện pháp bảo vệ như tiêm chủng cho người lớn.
BS. Phạm Thị Mỹ Liên, Chủ tịch công ty TNHH Dược phẩm GSK Việt Nam cũng nhìn nhận, việc đầu tư vào tiêm chủng cho người lớn rất quan trọng, giúp ngăn chặn bệnh tật, cải thiện kết quả cho mọi người, xã hội, hệ thống y tế và nền kinh tế.
Trong khuôn khổ của Tuần lễ Tiêm chủng Thế giới 2025 (từ ngày 24-4 đến ngày 30-4), BS Phạm Thị Kim Liên bày tỏ mong muốn sẽ cùng các đối tác tiếp tục nỗ lực chuyển đổi từ “chăm sóc bệnh nhân” sang “chăm sóc sức khỏe chủ động”, thông qua các hoạt động tạo điều kiện tiếp cận và xây dựng lòng tin vào giá trị của việc tiêm chủng cho người lớn tuổi.
Một nghiên cứu được đăng tải trên website của Liên đoàn các nhà sản xuất và hiệp hội dược phẩm quốc tế (IFPMA) thông tin, tiêm chủng cho người lớn, trung bình có thể mang lại lợi ích gấp 19 lần chi phí dành cho y tế và các lợi ích kinh tế xã hội rộng hơn.