Người bền bỉ gieo cái Đẹp
'Nếu con người không yêu cái đẹp, không cảm được cái đẹp, thì xã hội sẽ thiếu vắng sự tử tế'. Câu nói ấy không chỉ là triết lý sống của chị Phạm Thúy Anh mà còn là ngọn nguồn cảm hứng cho con đường mà chị đã bền bỉ đi qua. Từ một nhà sưu tầm tranh đến người khởi xướng những dự án văn hóa và giáo dục ý nghĩa, chị đã gieo mầm cái đẹp và sự tử tế vào từng ngõ ngách của đời sống, lặng lẽ nhưng đầy sức lan tỏa.
Lan tỏa cái đẹp bằng tình yêu và sự cống hiến
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình trí thức Hà Nội, tình yêu cái đẹp đến một cách tự nhiên, như một mạch ngầm chảy trong huyết quản của Thúy Anh. Nét đẹp trong ẩm thực truyền thống, trong từng bức tranh hội họa hay từng nốt nhạc đã mê hoặc chị từ thuở thiếu thời.
![Nhà sưu tập Thúy Anh.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_01_285_51372688/add8ead82997c0c99986.jpg)
Nhà sưu tập Thúy Anh.
Nhưng điều khiến Thúy Anh khác biệt với các nhà sưu tầm nghệ thuật khác là không chỉ ở sự đắm say trước cái đẹp mà ở cách chị hành động để lan tỏa nó ra ngoài xã hội. Với chị, cái đẹp không chỉ để ngắm nhìn mà còn để “gieo trồng”, để cộng đồng cùng cảm nhận và trở nên tử tế hơn.
Câu chuyện của chị bắt đầu từ những ngày tháng giãn cách xã hội năm 2021, khi cả thế giới chìm trong nỗi sợ hãi và u tối của đại dịch COVID-19. Trong không gian tĩnh lặng ấy, Thúy Anh đã tìm đến hội họa như một phương thuốc xoa dịu tinh thần. Lần đầu tiên chị tham gia đấu giá tranh không chỉ vì tình yêu cái đẹp mà còn để chung tay ủng hộ đồng bào trong cơn hoạn nạn. Từ đó, chị nhận ra sức mạnh đặc biệt của nghệ thuật. Một bức tranh đẹp không chỉ là tài sản tinh thần của người thưởng lãm, mà còn có thể trở thành cầu nối mang đến niềm vui, sự an ủi và lòng trắc ẩn.
Ngay sau khi lệnh giãn cách được gỡ bỏ, Thúy Anh tổ chức triển lãm đầu tiên mang tên “Xuân Hồng” - một dự án nghệ thuật gửi đi thông điệp của mùa xuân, của sự tái sinh và niềm hy vọng. Đó chỉ là khởi đầu cho chuỗi sự kiện nghệ thuật mà Thúy Anh thực hiện như “Hồng Duyên,” “Hồng Tâm,” “Hồng Sen”, nơi hội họa đương đại được tôn vinh trong không gian ấm cúng, gần gũi của Hà Nội. Đó là những cuộc mạn đàm về văn hóa, nghệ thuật giúp mọi người hiểu hơn về cái đẹp.
Điều đặc biệt ở Thúy Anh là chị không xem tranh như một món hàng để đầu tư hay mua đi bán lại. Dù sở hữu gần 200 tác phẩm của các họa sĩ đương đại, nhưng chị chưa từng bán bất kỳ bức nào. “Tôi sưu tập vì yêu, vì cảm tài năng của người nghệ sĩ và vì sự tỏa sáng của cái đẹp”, chị tâm sự. Với Thúy Anh, cái đẹp chỉ thực sự trọn vẹn khi nó được sẻ chia. Một lần, bạn của chị ngỏ ý mua bức tranh “Bạch Liên” để trưng bày trong quán cà phê sách dành cho thanh thiếu niên. Thúy Anh không ngần ngại tặng ngay bức tranh đó, vì chị biết nó sẽ sống một cuộc đời ý nghĩa hơn khi ở đó, lan tỏa vẻ đẹp đến nhiều người hơn.
Không chỉ lan tỏa tình yêu cái đẹp trong cộng đồng trong nước, chị còn mang tình yêu ấy ra nước ngoài, giới thiệu những giá trị của văn hóa Việt ra bạn bè thế giới. Năm 2023, chị mang bộ sưu tập “Hồng Sen” sang Paris vào dịp 19/5 - nơi có nhiều kỷ niệm đẹp về sen cũng như những năm tháng đầu ra nước ngoài của Bác Hồ. Những bức tranh hoa sen với nét vẽ tài hoa của các họa sĩ đương đại Việt Nam xuất hiện bên áo dài, nón lá đã tạo điểm nhấn đẹp đẽ, khó phai, góp phần tôn vinh vẻ đẹp của đất nước, con người Việt Nam tại Paris.
Cộng hưởng giá trị qua những dự án cộng đồng
Chị Thúy Anh từng học tập và làm việc ở Nga, nơi chị học luật và giảng dạy tại Học viện Hành chính. Sau đó, chị làm việc cho một quỹ đầu tư nước ngoài. Những năm tháng học tập và công tác tại nước ngoài đã giúp chị tích lũy vốn sống phong phú, tiếp xúc với nhiều nền văn hóa khác nhau và mở rộng tầm nhìn về thế giới. Tuy nhiên, những trải nghiệm ấy không làm chị xa rời cội nguồn, mà trái lại, lại giúp chị hiểu sâu sắc hơn về giá trị văn hóa truyền thống và những vấn đề xã hội trong nước.
![Chị Thúy Anh miệt mài gieo cái đẹp trong cộng đồng.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_01_285_51372688/8709c2090146e818b157.jpg)
Chị Thúy Anh miệt mài gieo cái đẹp trong cộng đồng.
Với Thúy Anh, mỗi cuộc gặp gỡ với nghệ thuật, mỗi chuyến đi, đều là một cách học hỏi và trưởng thành. Từ những trải nghiệm thực tế, chị nhận thấy một sứ mệnh lớn lao: đó là mang cái đẹp đến gần hơn với cộng đồng, đặc biệt là thế hệ trẻ. Chị nhận ra rằng để xây dựng một xã hội tử tế, cái đẹp không thể chỉ là điều gì đó xa vời, mà phải được khơi gợi từ những điều giản dị, dễ cảm nhận trong cuộc sống hàng ngày.
Vì vậy, khi chị quay lại Việt Nam và bắt đầu triển khai các dự án cộng đồng, chị không chỉ tập trung vào nghệ thuật mà còn kết hợp với giáo dục và bảo vệ môi trường. Chị luôn tin rằng, thông qua các hoạt động này, có thể tạo ra sự thay đổi tích cực trong cộng đồng, khơi dậy tình yêu và trách nhiệm đối với văn hóa, thiên nhiên và xã hội.
Chính chị là người khởi xướng ý tưởng tủ sách hỗ trợ phát triển văn hóa cộng đồng, với cuốn sách đầu tiên mang tên “Chuyện thường ngày của Be và Bi”. Đây là một dự án tâm huyết, được chị đặt hàng nhà văn Di Li viết và họa sĩ Kim Duẩn minh họa. Cuốn sách tập hợp 36 kỹ năng sống dành cho học sinh cấp 1 và cấp 2, truyền tải những bài học gần gũi, nhẹ nhàng mà sâu sắc thông qua những câu chuyện hài hước của cặp chị em sinh đôi Be và Bi.
Ngày 27/12, trong khuôn khổ chương trình “Việt Nam Đẹp Xanh” tổ chức tại Nhà hát Lớn Hà Nội, Thúy Anh đã chính thức ra mắt cuốn sách và trao tặng gần 100 trường tiểu học trên địa bàn thành phố. Đối với chị, đây không chỉ là một món quà tri thức mà còn là hạt mầm nuôi dưỡng tình yêu cái đẹp, ý thức sống tử tế và trách nhiệm với môi trường của thế hệ trẻ.
Với chị, bảo vệ môi trường cũng là một cách kiến tạo cái đẹp. Dự án “Việt Nam Đẹp Xanh” do chị khởi xướng đã trở thành một chiến dịch rộng lớn, kết nối cộng đồng cùng chung tay giữ gìn thiên nhiên, lan tỏa thông điệp sống xanh và bền vững. Chị tâm niệm: “Nếu xã hội sạch và đẹp, lòng tử tế sẽ tự nhiên nảy nở”. Đó là điểm tựa trong mọi việc chị làm, từ các triển lãm tranh đến những dự án cộng đồng đầy ý nghĩa.
Chị tự nhận những gì chị đang làm chỉ “nhỏ nhắn”, “khiêm nhường” thôi. Hẳn nhiều người sẽ cho rằng chị dị biệt/ khác biệt trong một xã hội hiếm/ít những người lựa chọn, dấn thân trên hành trình CHO ĐI. Nhưng nếu hiểu sâu hơn về nền tảng văn hóa của gia đình, sẽ hiểu rằng, một cá nhân được nuôi dưỡng trong truyền thống gia đình yêu văn hóa, coi trọng giáo dục sẽ biết sống và cho đi.
Bố chị là nhà giáo Quốc Truyền - một trong những thế hệ đầu của trường THPT Việt Đức - Hà Nội. Cái tên Quốc Truyền mà cụ nội đặt cho bố chị được gửi gắm mong muốn con trai sẽ làm được nhiều điều có ý nghĩa lan truyền toàn quốc. Và có lẽ, chị là người trong dòng họ đang đảm nhiệm trách nhiệm của gia đình, làm những điều có ích cho cộng đồng…
Hơn 10 năm qua, Thúy Anh và gia đình đã thành lập Quỹ Hợp tác và Phát triển C&D, hỗ trợ hàng nghìn học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn trên khắp cả nước. Chương trình “Lãnh đạo trẻ” do chị khởi xướng cũng đã đào tạo nên những nhân tài từ các vùng miền, khơi dậy ý thức trách nhiệm và khát vọng cống hiến cho xã hội.
Hành trình của chị Thúy Anh là hành trình của một người bền bỉ gieo mầm cái đẹp. Từ một bức tranh, một cuốn sách đến những dự án cộng đồng, chị đã và đang âm thầm thắp lên những ngọn lửa của tình yêu, lòng tử tế và những giá trị nhân văn sâu sắc. Tôi muốn gọi chị là người kiến tạo, chị đã kiến tạo nên một cộng đồng biết yêu, cảm cái đẹp… Như đại văn hào Dostoevsky từng nói: “Cái đẹp sẽ cứu rỗi thế giới.” Và Thúy Anh chính là người đang gieo cái đẹp ấy - giản dị, kiên nhẫn và đầy sức mạnh.
Phạm Thúy Anh - Chủ tịch Quỹ Hợp tác và Phát triển C&D - từng tu học ở Liên Xô và Anh quốc, giảng viên Luật Kinh tế và Quản trị kinh doanh ở Học viện Hành chính Quốc gia. Chị công tác trong các lĩnh vực: chính sách, quản trị dịch công, phát triển nguồn nhân lực, giám sát đánh giá hiệu quả dự án 20 năm (2004-2024), Tư vấn, cố vấn kỹ thuật thiết kế/quản lý/giám sát/ đánh giá các dự án Phát triển cho các dự án của Chính phủ và các Tổ chức UNDP, World Bank, Danida… từ 2004 đến nay. Chị có nhiều đóng góp cho cộng đồng và xã hội thông qua các Dự án phát triển ở nhiều lĩnh vực…