Người âm thầm dọn rác ở bãi đá bảy màu vùng biển Cổ Thạch
Sáng nào cũng vậy, người dân ở vùng biển Cổ Thạch, xã Bình Thạnh, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận đều bắt gặp người đàn ông kéo lê thùng xốp đi thu gom rác ngoài bãi đá bảy màu (còn gọi là bãi đá Cà Dược). Việc làm thầm lặng trong suốt gần 1 năm qua của ông Chín Tục góp phần không nhỏ trong việc làm sạch rác ở bãi đá bảy màu vùng biển Cổ Thạch.
Lặng thầm thu gom rác
Từ tờ mờ sáng mỗi ngày, sau khi tắm biển, ông Chín Tục bắt đầu công việc thu gom rác tự nguyện của mình. Không dụng cụ, chỉ có cái thùng xốp được buộc sau lưng ông và một chiếc thùng nhỏ hơn được ông đẩy đi phía trước để đựng lon, chai và các loại rác thải. Hình ảnh người đàn ông lom khom nhặt rác ở bãi đá bảy màu mỗi buổi sáng tinh mơ đã trở nên quen thuộc với người dân nơi đây.
Ông Chín Tục tên thật là Lê Thanh Tục, trú tại thôn 2, xã Bình Thạnh, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận. Ông Chín Tục chia sẻ, thấy tình trạng bãi đá bảy màu bị rác thải tấn công ông không đành lòng. Vì vậy ông suy nghĩ phải làm gì đó để giữ gìn môi trường xung quanh bãi đá. Nghĩ và làm ngay, ông bắt đầu bằng việc đi nhặt rác ở bãi đá vào mỗi buổi sáng. Những ngày đầu làm công việc này, ông đau lưng chịu không nổi, khổ nhất là gặp mảnh sành, mảnh vỡ thủy tinh, sơ ý là đứt tay, chảy máu, nguy cơ bị nhiễm trùng cao. Nhưng nhặt riết rồi cũng quen.
Điều ông vui nhất là việc làm của mình đã góp phần làm cho bãi đá bảy màu sạch đẹp hơn và trở thành nơi thu hút khách du lịch ngày càng đông. Gia đình cũng rất ủng hộ việc làm của ông. Qua đó cũng giúp người dân và du khách ý thức hơn trong việc giữ gìn vệ sinh môi trường.
Mình thường ra đây tắm biển, tập thể dục buổi sáng, nhìn thấy rác càng ngày càng dầy nên mình bỏ ít thời gian đi lượm rác. Mình cứ nín thinh làm thôi, sau này vợ con biết thì cũng động viên, mình có thêm tinh thần để tiếp tục công việc này. Ông Chín Tục nói,
Ngoài rác thải đại dương tấp vào (tùy mùa), khu vực bãi đá bảy màu này còn gánh thêm những rác thải nhựa từ người dân địa phương và một bộ phận nhỏ khách du lịch khi đến đây. Vì vậy dường như ông Chín Tục mỗi ngày một bận rộn hơn với việc nhặt rác của mình.
Ông Phạm Văn Minh, người dân địa phương cho biết, việc làm của ông Chín Tục tuy không to tát nhưng lại mang ý nghĩa rất lớn. Thấy ông Chín Tục đi lượm rác để làm sạch bãi đá, một số người dân ra tắm biển cũng bắt chước làm theo. Cứ thế dần dần tạo thành ý thức về việc bảo vệ môi trường trong người dân nơi đây:
Thật ra Ban Quản lý khu du lịch Bình Thạnh cũng bố trí những thùng rác để thu gom nhưng bà con mình quá trình vui chơi, tổ chức ăn nhậu rồi xả rác rất là bừa bãi. Gần đây cũng có một số bà con có những việc làm tự phát, tức là họ thấy rằng việc xả rác như vậy làm ô uế bãi đá 7 màu này, trong đó có chú Chín Tục. Tôi nghĩ bà con mình thấy việc làm này của chú Chín cũng như là một tấm gương để tất cả mọi người làm theo. Ông Minh nói.
Giữ gìn bãi đá sạch đẹp
Bãi đá bảy màu nằm trong quần thể Khu du lịch Bình Thạnh trên bãi biển thuộc địa phận xã Bình Thạnh, huyện Tuy Phong.
Bãi đá có chiều dài khoảng 1,5 km, chiều rộng từ khoảng 200 - 300m, chiều dày trung bình 1,8m. Điểm độc đáo ở đây là có rất nhiều hòn đá trơn nhẵn trên bãi cát, với nhiều hình dạng, màu sắc khác nhau, đen, xám, nâu, vàng, tím, xanh lam, trắng…
Năm 2011, Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam (Vietbook) công nhận là “Bãi đá có hình dạng, màu sắc nhiều nhất Việt Nam” và là một trong 13 bãi đá đẹp nhất trên cả nước.
Do sự độc đáo của bãi đá cùng với bãi biển đẹp nên nơi đây thường được du khách cũng như người dân đia phương tìm đến vui chơi, tắm biển, chụp ảnh lưu niệm.
Ông Phạm Quốc Trung, Phó Giám đốc Ban Quản lý Khu du lịch Bình Thạnh cho biết, mỗi năm Khu du lịch đón khoảng 550.000 lượt khách. Vào mùa cao điểm, đơn vị cũng tăng cường nhân viên thu gom rác. Từ hành động rất có ý nghĩa của ông Chín Tục, ông Trung mong muốn nhiều người dân có ý thức giữ gìn vệ sinh chung, để bãi đá bảy màu cũng như bãi biển luôn xanh và sạch.
Thời gian qua, Ban Quản lý du lịch cũng như là Tổ quản lý bãi đá Cà Dược cũng bố trí những thùng rác phục vụ cho nhu cầu bỏ rác vào thùng của du khách cũng như người dân khi tới vui chơi, ngắm cảnh tại bãi đá. Trong đó cũng có một số người dân người chấp hành tốt việc giữ gìn vệ sinh môi trường. Đặc biệt là chỗ chú Chín Tục hàng ngày vào những buổi sáng, chú đi lượm rác dọc theo bãi đá. Ông Trung cho biết thêm.
Ông Chín Tục tâm sự: còn sức khỏe ra bãi biển là ông còn đi lượm rác góp phần giữ gìn bãi đá sạch đẹp. Ông cũng mong sao du khách cũng như bà con địa phương mỗi khi ra biển vui chơi hãy quan tâm giữ cho bãi đá, bãi rêu vùng biển Cổ Thạch sạch đẹp, cũng như nâng cao ý thức bảo vệ môi trường biển và cảnh quan thiên nhiên để phát triển du lịch xanh bền vững hơn.