Ngự trà hoàng cung

Hòa chung không khí cả nước hướng về Kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước cũng như chương trình năm Du lịch quốc gia - Huế 2025: 'Huế - Kinh đô xưa, Vận hội mới' gắn với Festival Huế 2025.

Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế phối hợp cùng Thương hiệu Đôi Dép phục dựng nghi thức và tái hiện hoạt cảnh nhà vua mở tiệc trà chiêu đãi quần thần. Chương trình thưởng trà Hoàng cung được tổ chức từ 20h00' các ngày 25, 26, 27 tháng 4 năm 2025 tại Nhà Di Nhiên Đường, Thiệu Phương Viên, Đại Nội, Thành Phố Huế.

 Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam – Miss Cosmo Vietnam 2023 Xuân Hạnh tự hào khi tham dự chương trình.

Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam – Miss Cosmo Vietnam 2023 Xuân Hạnh tự hào khi tham dự chương trình.

Sinh thời, các vị vua đầu triều như Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức thường xuyên đến vườn Thiệu Phương để thưởng trà, tiêu dao thi phú. Trong các tập Ngự Chế Thi, các vị vua trên đã trước tác hằng trăm bài thơ về vườn Thiệu Phương cùng các kiến trúc, cảnh vật ở đây. Tại khu vườn này và vườn Cơ Hạ ở gần bên, nhiều sinh hoạt thi ca của vua cùng các quần thần đã diễn ra.

Vào năm 1844, vườn Thiệu Phương đã được vua Thiệu Trị xếp làm thắng cảnh thứ hai của đất Thần Kinh trong bộ thơ Ngự Đề Danh Thắng Đồ Hội Thi Tập của nhà vua, gắn liền với bài thơ “Vĩnh Thiệu Phương Văn” và bức tranh kính (tranh gương) hiện còn trưng bày ở Bảo tang Cổ Vật Cung đình Huế.

Phục dựng không gian,tái hiện hình thức Ngự Trà Hoàng Cung

Từ các hiện vật văn hóa, lịch sử, không gian thưởng trà được trưng bày các cặp câu đối do vua Thiệu Trị đề từ trong các bài thơ của mình theo hình thức câu đối trong cung xưa; trưng bày các bài thơ khảm xương (bài thơ Vũ trung Sơn thủy - Non nước trong mưa - một bài thơ chơi chữ độc đáo của vua Thiệu Trị, 56 chữ đọc được 64 bài; bài Mạn ca - khúc hát tản mạn - một bài thơ triết lý về cuộc đời của vua Tự Đức; bài thơ chữ Nôm Mừng đặng mưa - bài thơ bày tỏ niềm vui của vua Tự Đức khi cầu đảo được mưa, niềm vui về nông vụ; Bài thơ Tân thiều thí bút -Thử bút đầu năm của vua Thành Thái viết về cảnh sắc Thần Kinh thời tiết thuận và niềm hy vọng mùa màng bội thu).

 Du khách nước ngoài thích thú được thưởng thức Ngự trà.

Du khách nước ngoài thích thú được thưởng thức Ngự trà.

Không gian còn trưng bày các bức thư pháp về thơ Thiền của các tác giả thời Trung đại (như Lý Thái Tông; Mãn Giác thiền sư, Tuệ Trung Thượng Sĩ; Nguyễn Phúc Chu; Hoàng đế Thiệu Trị; Nguyễn Du; Nguyễn Phúc Miên Thẩm); Đặc biệt, có 2 bức tranh gương của Ông Nguyễn Phước Hải Trung, nhà nghiên cứu nổi tiếng về Huế vẽ trên cơ sở bản tranh khắc của Bộ Công triều Nguyễn in năm 1844 là bức Bình Lãnh Đăng Cao (Đăng cao ở núi Ngự Bình) và Hương Giang Hiểu Phiếm (Buổi sớm đi thuyền qua Sông Hương) là những thắng cảnh của Kinh đô xưa do vua Thiệu Trị xếp hạng trong năm 1844.

Hoạt cảnh nhà vua mở tiệc trà chiêu đãi quần thần và khách quan; trong khi dùng trà, nhà vua và các quan ngâm vịnh thi phú, cùng liên vận sáng tác một bài thơ thất ngôn bát cú đường luật nói về việc thưởng trà thời thái bình; Nhà vua truyền đội nhạc công cùng ca công ngâm bài thơ do vua và các quan vừa sáng tác; Nhân cao hứng, nhà vua mời các quan cùng các vị khách thưởng thức những bài bản nhã nhạc do các Nhạc quan vừa san định (tiểu nhạc Phú lục địch; múa cung đình Trình tường tập khánh; ca Huế Ngự Hương trà ngát hoàng cung).

 Tứ trụ thiên thần biểu diễn Trình tường tập khánh mừng thọ nhà vua.

Tứ trụ thiên thần biểu diễn Trình tường tập khánh mừng thọ nhà vua.

 Ca nương biểu diễn “Ngự Hương trà ngát hoàng cung”.

Ca nương biểu diễn “Ngự Hương trà ngát hoàng cung”.

 Nhà vua ban Ngự trà cho các quan đại thần.

Nhà vua ban Ngự trà cho các quan đại thần.

Cuối cùng, nhà vua ban trà cho các quan và tặng trà cho các vị khách và tuyên bố buổi thưởng trà kết thúc (sau đó người tham dự tiếp tục trò chuyện và dạo chơi trong vườn Thiệu Phương).

Ngũ thức Việt trà

 Trà nương pha trà tại buổi Ngự trà.

Trà nương pha trà tại buổi Ngự trà.

Văn hóa trà Việt Nam đã có từ ngàn xưa, gắn liền với lịch sử dân tộc. Thể hiện năm hình thức thưởng trà tiêu biểu của người Việt, biểu trưng cho năm phẩm chất: chân – thiện – mỹ - trí – tinh. Sự đa dạng trong cách thưởng trà thể hiện sự phong phú, sâu sắc trong văn hóa trà Việt Nam. Đó chính là sự gói gọn của bản sắc dân tộc về tính đa thức và niệm thức sâu sắc trong đối nhân xử thế của người Việt. Sự đa dạng của các kiểu thức trong thưởng trà của người Việt được thể hiện qua “Ngũ Thức Việt Trà”:

Mộc thức: Là kiểu uống trà phổ biến của người Việt khi không quá đặt nặng tính cầu kì của việc thưởng trà. Mộc thức lấy sự chân phương-bình dị làm nền tảng.

Văn thức: Là cách thức thưởng trà ở mức độ cầu kỳ. Kiểu thức này đòi hỏi người thưởng trà có sự am hiểu nhất định về trà, từ cung cách uống cho đến loại trà uống, trà cụ... Văn thức đề cao vẻ đẹp, sự vi tế của trà Việt.

Ngự thức: Là cách thưởng trà cung đình dành cho những bậc vua chúa, hoàng tộc khi xưa. Ngự thức chính là sự tinh túy của trà Việt.

Tĩnh thức: Là cách thức thưởng trà hướng đến sự an tĩnh, giàu tính chiêm nghiệm. Tĩnh thức hướng đến xây dựng tâm tĩnh lặng, nuôi dưỡng bản chất thiện lương của người Việt.

Thư thức: Là thưởng trà kết hợp với việc đọc sách, thưởng lãm nghệ thuật làm phong phú trí tuệ và tâm hồn người Việt. Thư thức biểu tượng cho trí tuệ của người Việt.

 Chương trình nghệ thuật tinh hoa Quốc ẩm Việt trà do thương hiệu Đôi Dép đầu tư.

Chương trình nghệ thuật tinh hoa Quốc ẩm Việt trà do thương hiệu Đôi Dép đầu tư.

Trong những năm gần đây, Thương hiệu Đôi Dép luôn tiên phong, với khát vọng, tự hào dân tộc, từng bước nỗ lực không ngừng lan tỏa hòa cùng dòng chảy thăng trầm của ngành Trà Việt Nam để nâng tầm giá trị Trà Việt cùng việc thúc đẩy kinh tế và ngoại giao quốc tế. Cùng với dòng chảy văn hóa dân tộc đầy bản sắc, Văn hóa trà Việt Nam không ngừng được giữ gìn và vươn xa, hội nhập và lan tỏa đến bạn bè thế giới.

 “Ngự Thức, một trong năm thức thưởng trà”.

“Ngự Thức, một trong năm thức thưởng trà”.

Với những hoạt động ý nghĩa này, văn hóa trà Việt không chỉ được tôn vinh mà còn trở thành biểu tượng của hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển. Qua đó, Việt Nam gửi gắm giấc mơ ngàn đời của dân tộc về một thế giới hòa bình, nơi bản sắc văn hóa được lan tỏa và đón nhận trong tình hữu nghị, bảo tồn các giá trị văn hóa, lịch sử, giáo dục thế hệ trẻ tự hào, khát vọng non song Việt Nam trong kỷ nguyên mới.

PV

Nguồn BVPL: https://baovephapluat.vn/van-hoa-xa-hoi/goc-van-hoa/ngu-tra-hoang-cung-176834.html
Zalo