Ngư dân, doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu thủy sản: Gặp khó với quy định mới

(Báo Quảng Ngãi)- Sau 2 tháng thực thi, Nghị định số 37/2024/NĐ-CP (có hiệu lực từ ngày 19/5/2024) của Chính phủ về bổ sung một số điều của Nghị định 26/2019/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản khiến doanh nghiệp (DN) chế biến, xuất khẩu thủy sản lo lắng, còn ngư dân gặp khó.

Doanh nghiệp lo lắng

Trên địa bàn tỉnh hiện chỉ có duy nhất một DN xuất khẩu thủy sản (sang thị trường Châu Âu) là Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu thủy sản Hải Phú (KCN Quảng Phú). Từ khi Ủy ban Châu Âu (EC) áp “thẻ vàng” thủy sản đối với ngành thủy sản Việt Nam vào tháng 10/2017 đến nay, DN này luôn tuân thủ và chấp hành tốt các quy định của Luật Thủy sản, cũng như những quy định về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU).

Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu thủy sản Hải Phú Nguyễn Đức Quảng cho biết, gần 7 năm qua, công ty không thu mua nguyên liệu được đánh bắt từ những tàu cá vi phạm các quy định về chống khai thác IUU, hoặc không đảm bảo thông tin nguồn gốc, xuất xứ. Công ty cũng tuân thủ tuyệt đối quy định không tráo đổi nguyên liệu nhập khẩu và nguyên liệu khai thác trong nước trong các lô hàng xuất khẩu sang EU. Tuy nhiên, Nghị định 37 quy định “không trộn lẫn nguyên liệu thủy sản có nguồn gốc từ khai thác nhập khẩu với nguyên liệu thủy sản có nguồn gốc từ khai thác trong nước vào cùng một lô hàng xuất khẩu” là chưa rõ ràng, khiến công ty lúng túng khi triển khai thực hiện.

Nhiều doanh nghiệp hiện đang tập trung thu mua cá chuồn khơi, để chế biến xuất khẩu. Trong ảnh: Hoạt động thu mua cá chuồn khơi tại cảng neo trú tàu thuyền Tịnh Hòa (TP.Quảng Ngãi).

Nhiều doanh nghiệp hiện đang tập trung thu mua cá chuồn khơi, để chế biến xuất khẩu. Trong ảnh: Hoạt động thu mua cá chuồn khơi tại cảng neo trú tàu thuyền Tịnh Hòa (TP.Quảng Ngãi).

Trong khi đó, Nghị định số 38/2024/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản chỉ đề cập đến việc xử phạt hành vi “trộn lẫn nguyên liệu thủy sản có nguồn gốc từ khai thác trong nước”, chứ không đề cập đến cụm từ “cùng một lô hàng xuất khẩu”. Ngoài ra, các DN chế biến và xuất khẩu thủy sản trên địa bàn tỉnh cho rằng, Nghị định 37 quy định về kích thước tối thiểu được phép khai thác đối với một số loài hải sản không phù hợp với thực tiễn.

Như cá ngừ vằn (tên thường gọi là cá ngừ sọc dưa) có kích cỡ thông dụng từ 15 - 40cm/con, trong khi quy định của Nghị định 37 là chiều dài tối thiểu được phép khai thác của loài cá này phải từ 500mm (50cm). Do đó, từ khi Nghị định 37 có hiệu lực, các DN đã dừng thu mua nguyên liệu cá ngừ vằn khai thác trong nước của ngư dân, do không đảm bảo quy định kích cỡ cá phải đạt từ 50cm trở lên. Các cảng cá cũng dừng thực hiện việc xác nhận nguyên liệu (giấy S/C) cho các lô hàng cá ngừ vằn do kích thước cá khai thác nhỏ hơn quy định của Nghị định 37.

Ngư dân gặp khó

Ngư dân hành nghề lưới rút, lưới cản đang đối diện với nhiều khó khăn, vì giá cá ngừ vằn giảm sâu, thậm chí không được cấp biên bản bốc dỡ tại cảng, do vi phạm về kích cỡ hải sản khai thác. Ngư dân Đinh Văn Út, ở phường Phổ Quang (TX.Đức Phổ) cho biết, tàu hành nghề lưới rút để đánh bắt cá ngừ các loại, nhưng chủ yếu là cá ngừ vằn, kích cỡ bình quân từ 15 - 30cm/con. Như chuyến biển vừa rồi, tôi đánh bắt được hơn 20 tấn cá ngừ các loại, nhưng chỉ có 2 con đạt kích cỡ 50cm/con (tương ứng khoảng 5kg/con). Mọi năm, thương lái không thu mua tại các cảng cá của tỉnh, mà di chuyển tàu vào tỉnh Khánh Hòa để bán sản phẩm cho thương lái.

“Những năm qua, chúng tôi luôn nỗ lực thực hiện nghiêm túc các quy định về chống khai thác IUU, mong sớm gỡ được “thẻ vàng” thủy sản. Tuy nhiên, với quy định kích cỡ khai thác đối với cá ngừ vằn, tôi mong Nhà nước xem xét điều chỉnh để phù hợp với thực tế. Nghề biển ngày càng khó, ngư dân không thể đầu tư chi phí để thay đổi ngư lưới cụ mới”, ông Út bày tỏ.

Thời gian qua, Chi cục Thủy sản tỉnh phối hợp với các lực lượng chức năng, chính quyền địa phương tăng cường tuyên truyền, phổ biến đến ngư dân và cộng đồng DN cam kết chấp hành các quy định về chống khai thác IUU. Đồng thời, rà soát, đề xuất góp ý sửa đổi, bổ sung các văn bản thi hành Luật Thủy sản đảm bảo phù hợp với điều kiện thực tiễn địa phương, đặc thù ngành nghề khai thác để báo cáo Sở NN&PTNT tham mưu trình tỉnh, kiến nghị trung ương xem xét.

Cá ngừ vằn chiếm khoảng 85% sản lượng khai thác các loại cá ngừ và là nguồn nguyên liệu chính phục vụ chế biến và xuất khẩu sản phẩm cá ngừ đóng hộp. Do đó, sau khi Nghị định 37 có hiệu lực, cộng đồng các DN chế biến và xuất khẩu thủy sản cam kết tuân thủ các quy định, nhưng mong muốn nhà nước sớm tháo gỡ khó khăn đối với quy định về kích thước cá ngừ vằn trong khai thác. Qua đó, tạo điều kiện để DN kịp thu mua và tích trữ trong giai đoạn khai thác cao điểm (từ tháng 7 - 9), đảm bảo phục vụ chế biến, cung ứng cho thị trường EU vào đầu năm 2025.

Bài, ảnh: MỸ HOA

Nguồn Quảng Ngãi: http://baoquangngai.vn/kinh-te/bien-kinh-te-bien/202408/ngu-dan-doanh-nghiep-che-bien-xuat-khau-thuy-san-gap-kho-voi-quy-dinh-moi-78e14f6/
Zalo