Thời trang Việt nỗ lực tạo sức cạnh tranh
Trong bối cảnh thị trường thời trang ngày càng hội nhập, các thương hiệu thời trang Việt gặp phải sức cạnh tranh lớn từ các thương hiệu nước ngoài 'đổ bộ' vào thị trường trong nước.
Trước bối cảnh này, các doanh nghiệp, cửa hàng, đơn vị kinh doanh thời trang Việt đã và đang chủ động đổi mới nhiều phương thức kinh doanh bám sát nhu cầu thị trường, nhất là tăng cường các chương trình kích cầu, triển khai các kênh quảng bá, giới thiệu sản phẩm đến với người tiêu dùng một cách nhanh nhạy, linh hoạt…
Nỗ lực mở rộng độ “phủ” cho thương hiệu
Để thu hút khách hàng, các sản phẩm của những công ty, thương hiệu thời trang Việt luôn chú trọng nâng cao chất lượng, đa dạng mẫu mã sản phẩm phù hợp với từng đối tượng, độ tuổi, công việc khác nhau…
Những năm gần đây, bên cạnh các thương hiệu Việt có tiếng, uy tín lâu năm như: Biti’s, Việt Tiến... thì các thương hiệu “made in Viet Nam” như: SixDo, Elise, NEM, Ivy Moda... với chất lượng sản phẩm tốt và giá thành hợp lý cũng rất thu hút người tiêu dùng. Sự có mặt của các thương hiệu thời trang “made in Viet Nam” đáp ứng nhu cầu của rất nhiều người tiêu dùng Việt và ngày càng khẳng định vị thế của thời trang Việt trong giai đoạn hiện nay.
Chị Nguyễn Thị Minh Thúy, Cửa hàng trưởng Cửa hàng Giày dép Biti’s trên đường Phạm Văn Thuận (thành phố Biên Hòa), chia sẻ thời gian qua, cửa hàng liên tục “làm mới mình” thông qua việc cập nhật các mẫu giày trong bộ sưu tập Êmbrace, Biti’s Hunter - những “thế hệ” giày cải tiến để phù hợp với các bạn trẻ Việt năng động. Với uy tín của một thương hiệu Việt lâu năm, nhìn chung sức mua tại cửa hàng luôn tăng trưởng ổn định, ngày càng khẳng định chất lượng bền bỉ với mức giá phù hợp…
Hiện nay, nhiều thương hiệu thời trang Việt, nhất là các thương hiệu “local brand” (được hiểu là thương hiệu nội địa của một vùng nhất định) đều nhắm tới phân khúc tầm trung, chú trọng giá trị thực của sản phẩm tương đương với giá thành.
Ông Trần Đại Dương, nhà sáng lập nhãn hàng thời trang “local brand” SomeHow, chia sẻ SomeHow hướng tới phát triển các dòng sản phẩm thời trang ứng dụng hàng ngày, phù hợp với nhiều đối tượng khách hàng, cũng như nhiều mục đích sử dụng sản phẩm khác nhau của người tiêu dùng, từ đi làm đến đi du lịch, dạo phố…
SomeHow luôn nỗ lực tiếp tục phát triển hệ thống cửa hàng ở các tỉnh, thành phố để có thể tiếp cận với nhiều khách hàng hơn. Mới đây, SomeHow đã mở cửa hàng ở thành phố Biên Hòa và dự định sắp tới sẽ mở thêm một cửa hàng ở tỉnh Bình Dương để nâng tổng số cửa hàng của hệ thống lên 11 cửa hàng trên toàn quốc.
“Biên Hòa là thị trường tiềm năng với lợi thế dân số đông, lại có vị trí thuận lợi, gần với Thành phố Hồ Chí Minh nên sẽ vừa giúp nhãn hàng tăng độ nhận diện, vừa tiếp cận thêm các đối tượng khách hàng mới, tiềm năng” - ông Dương nhấn mạnh.
Nhằm nỗ lực cạnh tranh, nâng cao giá trị thương hiệu, nhiều nhãn hàng thời trang Việt tìm hướng tạo ra sản phẩm có thiết kế đẹp, hợp xu hướng nhưng vẫn đảm bảo chất lượng tốt, bền, có giá hợp lý với nhu cầu tài chính của khách hàng trong bối cảnh kinh tế khó khăn. Đồng thời, chú trọng nâng cao chất lượng, đa dạng mẫu mã sản phẩm phù hợp với từng đối tượng, độ tuổi, công việc khác nhau…
Đẩy mạnh các hoạt động kích cầu, marketing…
Theo nhiều doanh nghiệp, nhãn hàng thời trang trong nước, một trong những lợi thế của các thương hiệu trong nước, nhất là thương hiệu “local brand” là giá thành, chi phí sản xuất rẻ hơn so với các sản phẩm ngoại. Chất lượng sản phẩm tương đương các thương hiệu ngoại cùng phân khúc.
Tuy nhiên, một trong những hạn chế của nhãn hàng “local brand” là độ nhận diện thương hiệu còn yếu, nguồn vốn, kinh phí để triển khai các chương trình quảng bá, marketing sản phẩm còn hạn chế so với các nhãn hàng thời trang ngoại. Do đó, để khắc phục điểm yếu này, nhiều thương hiệu thời trang Việt ngày càng chú trọng tới việc phát triển các kênh truyền thông, chiến lược marketing, cũng như “liệu cơm gắp mắm”, linh hoạt các phương án để tăng độ nhận diện thương hiệu đến khách hàng.
Chị Lý An (ngụ phường Bửu Long, thành phố Biên Hòa) cho biết, nếu như ngày trước, thời trang Việt có chỗ đứng rất “khiêm tốn” trên thị trường vì chỉ loanh quanh với những mẫu mã sơ mi, quần tây, đầm công sở đơn điệu, thì đến nay, thời trang Việt vừa đa dạng thương hiệu, vừa phong phú trong mẫu mã từ cao cấp đến bình dân.
“Ưu điểm của thời trang Việt là mẫu mã phù hợp với vóc dáng và văn hóa của người Việt, chất liệu đẹp, giá thành phải chăng. Ngoài ra, tận dụng sự phát triển của sàn thương mại điện tử và linh hoạt trong phương thức kinh doanh như: ưu đãi giảm giá, đa dạng hình thức thanh toán, giao hàng..., giờ không chỉ tôi mà các chị em xung quanh cũng ưu tiên lựa chọn mặt hàng thời trang Việt để mua sắm” - chị An nói.
Theo ông Trần Đại Dương, SomeHow còn đẩy mạnh các kênh truyền thông thông qua mạng xã hội, các KOLs, triển khai thường xuyên các đợt “flash sale” để kích cầu tiêu dùng, tăng độ nhận diện để sản phẩm được người tiêu dùng biết đến nhiều hơn.
Song song đó, trong bối cảnh tình hình kinh tế có nhiều biến động, người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu nhiều hơn cũng tác động không nhỏ tới sức mua và thị hiếu tiêu dùng trong ngành may mặc, thời trang. Do đó, các nhãn hàng thời trang trong nước còn thường xuyên triển khai nhiều chương trình khuyến mãi, kích cầu tiêu dùng…
Chị Nguyễn Thị Minh Thúy chia sẻ thêm, tại cửa hàng Biti’s thường xuyên diễn ra nhiều chương trình ưu đãi, giảm giá dành cho nhiều danh mục sản phẩm từ giày, dép, ba lô..., nhất là các dòng sản phẩm dành cho trẻ em mùa tựu trường, Tết Trung thu... Đặc biệt, vào dịp cuối tuần từ nay đến hết ngày 27-10, cửa hàng sẽ diễn ra chương trình ưu đãi giảm giá đến 30% các mặt hàng giày, dép phục vụ nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng…