Nhiều kiến nghị gỡ khó trong tiếp cận chính sách khuyến nông

Là tỉnh có thế mạnh về nông nghiệp, trong những năm qua, Tây Ninh đã ban hành một số chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp…

Tuy nhiên, việc tiếp cận các chính sách này nhìn chung vẫn còn khó khăn, vướng mắc, được các HTX, hộ kinh doanh phản ánh tại hội nghị đối thoại giữa chính quyền với doanh nghiệp năm 2024.

Liên kết sản xuất - tiêu thụ và sản xuất những gì thị trường cần

“Đầu ra” sản phẩm nông nghiệp gặp khó khăn là nội dung được 3 hộ kinh doanh trên địa bàn tỉnh nêu khó khăn gửi tới ngành chức năng của tỉnh thông qua kênh khảo sát của Sở Kế hoạch và Đầu tư trước khi tổ chức hội nghị đối thoại giữa chính quyền và doanh nghiệp năm 2024. Nội dung này được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trả lời bằng văn bản.

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Ngọc trả lời các nội dung các doanh nghiệp, HTX nêu tại hội nghị đối thoại

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Ngọc trả lời các nội dung các doanh nghiệp, HTX nêu tại hội nghị đối thoại

Trước hết, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhận định: đây là tình trạng chung, thể hiện chính xác quy luật “cung - cầu” trong nền kinh tế thị trường. Nguyên nhân là do người sản xuất chạy theo phong trào, sản xuất tùy hứng, tự phát mà không theo định hướng, khuyến cáo của các cơ quan chức năng; còn tư duy sản xuất những gì mình có hơn là sản xuất những gì thị trường cần; chưa có sự liên kết giữa người sản xuất với nhà tiêu thụ, giữa nhà chế biến với thị trường, sản phẩm bán ra qua nhiều khâu trung gian, bị thương lái ép giá. Mặt khác, do sản xuất không theo quy trình, không bảo đảm năng suất, chất lượng và tiêu chuẩn nên đầu ra nông sản không được chấp nhận trên thị trường.

Về giải pháp, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, cần tăng cường hướng dẫn, thông tin cho người sản xuất nâng cao nhận thức về quy hoạch, định hướng của ngành tại các địa phương, thường xuyên thông tin tình hình về diễn biến thị trường, khả năng cân đối cung - cầu các sản phẩm để hạn chế tình trạng chạy theo lợi nhuận trước mắt để sản xuất theo phong trào, không theo định hướng, quy hoạch, dẫn đến cung vượt cầu. Phát triển các hình thức hợp tác, liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị, phát triển các hợp tác xã, doanh nghiệp nông nghiệp, theo hướng sản xuất hàng hóa quy mô lớn, chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu của nhiều thị trường trong nước và xuất khẩu (VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ).

Ông Hà Chí Mãng- Giám đốc HTX nông nghiệp mãng cầu Thạnh Tân thăm vườn mãng cầu (Ảnh: Xuân Vũ)

Ông Hà Chí Mãng- Giám đốc HTX nông nghiệp mãng cầu Thạnh Tân thăm vườn mãng cầu (Ảnh: Xuân Vũ)

Tiếp tục cơ cấu lại sản xuất theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, trên cơ sở tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, áp dụng chuyển giao khoa học - công nghệ, đặc biệt đối với khâu sơ chế, bảo quản, chế biến để nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm.

Khuyến cáo người sản xuất từ bỏ thói quen sản xuất theo kinh nghiệm, ít có cải thiện về kỹ thuật, dẫn đến sản lượng không ổn định; nên nghiên cứu thị trường đầu ra cho sản phẩm cũng như tạo sự liên kết chặt chẽ giữa người sản xuất với nhà phân phối, chế biến, tiêu thụ sản phẩm để hình thành chuỗi giúp nâng cao hiệu quả sản xuất.

Cũng liên quan phản ánh khó khăn về thị trường, một HTX tại thị xã Trảng Bàng phản ánh hiện nay nguồn thịt bò, heo, gà nhập khẩu nhiều và giá rất rẻ nên nguồn thịt tươi trong tỉnh không cạnh tranh được về giá. Trong khi đó, việc bán thịt tươi vào siêu thị thủ tục rất nhiều. Trả lời nội dung này, theo Sở KH&ĐT, Sở Công Thương, hiện nay tỉnh có chủ trương các nhà đầu tư trang trại chăn nuôi phải có hợp tác liên kết, đầu tư theo chuỗi giá trị để giải quyết “đầu ra” cho sản phẩm. Đối với khó khăn về thủ tục khi đưa sản phẩm vào siêu thị, Sở Công Thương đề nghị đơn vị liên hệ Sở để được hướng dẫn cụ thể.

Mong hỗ trợ dự án đầu tư nhà máy chế biến mãng cầu

HTX nông nghiệp mãng cầu Thạnh Tân (thành phố Tây Ninh) nêu khó khăn trong quá trình thực hiện dự án xây dựng nhà máy phân loại tự động, xử lý và chế biến mãng cầu sau thu hoạch. Năm 2020, HTX xây dựng hoàn thành công trình nhà xưởng, hiện nay cần tiếp tục đầu tư dây chuyền thiết bị để đi vào hoạt động. HTX kiến nghị UBND Thành phố và các ngành chức năng xem xét, phê duyệt phân bổ vốn đầu tư hỗ trợ HTX tiếp tục thực hiện đầu tư dự án, sớm đưa nhà máy đi vào hoạt động.

Thu hoạch mãng cầu (Ảnh: Xuân Vũ)

Thu hoạch mãng cầu (Ảnh: Xuân Vũ)

Trả lời nội dung này, UBND thành phố Tây Ninh cho biết, ngày 24.9.2019, UBND tỉnh ban hành quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư dự án hỗ trợ xây dựng nhà máy xử lý bảo quản chậm chín, nhà máy sản xuất: đóng hộp nước mãng cầu và cơ sở hạ tầng (HTX nông nghiệp mãng cầu Thạnh Tân) sử dụng nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới 2019-2020; tổng mức đầu tư trên 13,2 tỷ đồng (Trung ương hỗ trợ tối đa 10,55 tỷ đồng, phần còn lại HTX đối ứng). Dự án được UBND thành phố Tây Ninh phê duyệt báo cáo kinh tế kỹ thuật công trình, tổng mức đầu tư gần 15 tỷ đồng, thời gian thực hiện năm 2019-2021.

Quá trình triển khai gói thầu thiết bị công nghệ “Gói thầu EPC” (thiết kế, cung cấp, lắp đặt, chuyển giao công nghệ) gặp nhiều khó khăn. Gói thầu tổ chức đấu thầu 2 lần nhưng không có nhà thầu tham gia. Sau khi được UBND tỉnh cho chủ trương kết thúc dự án, UBND thành phố Tây Ninh đã phê duyệt quyết toán hoàn thành, giá trị quyết toán gần 5,5 tỷ đồng. Năm 2023, UBND Thành phố tổ chức hội thảo đánh giá tính hiệu quả, khả thi của dây chuyền công nghệ chậm chín. Theo kết quả hội thảo, dây chuyền này chưa đem lại hiệu quả, khả thi tại thời điểm hiện nay. Sau hội thảo, HTX nông nghiệp mãng cầu Thạnh Tân đề xuất dự án “Dây chuyền trang thiết bị phân loại tự động và chế biến nước mãng cầu lên men đóng lon”.

Khi nhận được đề xuất của HTX nông nghiệp mãng cầu Thạnh Tân, UBND Thành phố tổ chức họp và đánh giá đề xuất của HTX, tuy nhiên có một số nội dung chưa thể hiện tính khả thi. Đây là dự án kinh tế vừa sản xuất vừa kinh doanh, phương án sản xuất, kinh doanh trong báo cáo có nêu được sản lượng, tiêu thụ, doanh thu, chi phí, lợi nhuận trong 3 năm đầu nhưng vẫn chưa nêu được hiện trạng nguồn nhân lực, kế hoạch liên kết với các đơn vị, doanh nghiệp, dự kiến thị trường tiêu thụ, chiến lược tiếp thị, quảng cáo… Về dây chuyền công nghệ, hiện nay dây chuyền trang thiết bị phân loại tự động và chế biến nước mãng cầu lên men đóng lon là dây chuyền mới chưa có trên thị trường Việt Nam. Dây chuyền này còn nằm trong đề tài nghiên cứu khoa học, chưa đưa vào thực tiễn.

UBND thành phố Tây Ninh hướng dẫn HTX nông nghiệp mãng cầu Thạnh Tân phối hợp Phòng Kinh tế Thành phố nghiên cứu đề xuất chủ trương đầu tư dây chuyền thiết bị phù hợp với quy mô nhà xưởng, bảo đảm tính khả thi, hiệu quả; nghiên cứu phương án đầu tư khu trưng bày, giới thiệu sản phẩm nông nghiệp của HTX.

Tại hội nghị đối thoại giữa chính quyền với doanh nghiệp năm 2024, ông Hà Chí Mãng- Giám đốc HTX nông nghiệp mãng cầu Thạnh Tân cho rằng cần xem xét lại đánh giá trên của hội đồng Thành phố. HTX mong tỉnh, thành phố quan tâm xem xét để tiếp tục thực hiện dự án, sớm đưa nhà máy đi vào hoạt động nhằm bảo quản, chế biến nâng cao giá trị của trái mãng cầu.

Trả lời nội dung này, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Ngọc cho biết, UBND tỉnh đã họp nhiều lần, có ý kiến kết luận về nội dung này. Tuy nhiên với nguyện vọng tha thiết cũng như đề xuất của HTX, UBND tỉnh tiếp thu và tới đây sẽ khảo sát đánh giá, trao đổi với UBND Thành phố về dự án này.

Phương Thúy

Nguồn Tây Ninh: https://baotayninh.vn/nhieu-kien-nghi-go-kho-trong-tiep-can-chinh-sach-khuyen-nong-a178431.html
Zalo