Ngôi chùa người Hoa trăm năm tuổi cạnh dòng sông Long Xuyên

Chùa Ông Bắc không chỉ là nơi sinh hoạt tâm linh của đồng bào người Hoa ở An Giang mà còn là điểm tham quan nổi tiếng cạnh dòng sông Long Xuyên.

XEM CLIP:

Chùa Ông Bắc hay còn gọi Bắc Đế Miếu, Quảng Đông tỉnh Hội Quán tọa lạc trên đường Phạm Hồng Thái, mặt chính hướng ra sông Long Xuyên (thuộc phường Mỹ Long, TP Long Xuyên, tỉnh An Giang).

Theo cuốn kỷ lục An Giang 2009, Bắc Đế Miếu là hội quán người Hoa đầu tiên ở địa phương này. Ảnh: Trần Tuyên

Theo cuốn kỷ lục An Giang 2009, Bắc Đế Miếu là hội quán người Hoa đầu tiên ở địa phương này. Ảnh: Trần Tuyên

Theo Bảo tàng lịch sử An Giang, ngôi chùa là cơ sở thờ tự của những người Hoa di cư từ tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc) đến sinh cơ, lập nghiệp tại đây. Họ cùng nhau góp dựng lên Hội quán để thể hiện sự đoàn kết của những người xa quê hương.

Được xây dựng hơn 100 năm về trước, chùa trải qua nhiều lần sửa chữa, tu bổ nhưng vẫn còn giữ được hiện trạng, từ chất liệu xây dựng cột, kèo, cửa đá đến những di vật quý bên trong.

Chuông đồng là một trong những di vật quý báu tại chùa. Ảnh: Trần Tuyên

Chuông đồng là một trong những di vật quý báu tại chùa. Ảnh: Trần Tuyên

Quảng Đông tỉnh Hội Quán có diện tích khoảng 400m2, mang kiến trúc dạng chữ “quốc” với các dãy nhà khép kín, vuông góc với nhau. Mái chùa lợp ngói đại ống tráng men xanh, trên cạnh nóc chạm khắc hình rồng, voi, phượng… cùng những bức phù điêu, hoa văn cổ.

Bước vào khu vực tiền sảnh ngôi chùa có thể thấy cánh cửa chạm khắc tinh xảo, hai bên là hai đường đi song song có mái che.

Bức phù điêu trên cổ lâu thể hiện cõi tam giới được chạm khắc tinh xảo. Ảnh: Trần Tuyên

Bức phù điêu trên cổ lâu thể hiện cõi tam giới được chạm khắc tinh xảo. Ảnh: Trần Tuyên

Toàn bộ khung sườn chịu lực của công trình đều được làm bằng các loại gỗ quý với hệ thống kèo khá phức tạp, vòm mái được chống đỡ bởi hàng cột tròn, sơn đỏ, chân đế bằng đá tảng nguyên khối.

Tiền sảnh của chùa thờ Phật Thích Ca, tượng Bồ Tát Quan Âm, Địa Tạng. Khu phía trong cùng là chánh điện, thờ thần Bắc Đế với dáng ngồi oai phong cao khoảng 0,7m; bên trái thờ Thiên Hậu và bên phải thờ Quan Công.

Chánh điện chùa Ông Bắc. Ảnh: Trần Tuyên

Chánh điện chùa Ông Bắc. Ảnh: Trần Tuyên

Nổi bật trong chùa phải kể đến các bức phù điêu từ các bức hoành phi, liễn đối với hình ảnh rồng, phụng, cá hóa rồng. Bên cạnh đó là ba bia ký ghi lại công đức của những người đóng góp xây dựng, sửa chữa trong Hội Quán. Các bảng bia này có giá trị cao cho ngành ngôn ngữ học và nghiên cứu Hán Nôm.

Ba bia ký ghi lại công đức của những người đóng góp xây dựng chùa. Ảnh: Trần Tuyên

Ba bia ký ghi lại công đức của những người đóng góp xây dựng chùa. Ảnh: Trần Tuyên

Quảng Đông tỉnh Hội Quán tổ chức lễ cúng vào các ngày rằm, 30 âm lịch hàng tháng. Các lễ cúng chính trong năm diễn ra vào rằm tháng Giêng, rằm tháng Bảy và rằm tháng Mười. Đặc biệt, ngày mùng 3/3 âm lịch có lễ cúng vía ông Bắc Đế, ngày 23/3 âm lịch cúng vía bà Thiên Hậu Thánh Mẫu và ngày 24/6 cúng Quan Công.

Với những giá trị về mỹ thuật, kiến trúc, chùa Ông Bắc được công nhận là di tích lịch sử, văn hóa cấp quốc gia vào năm 1987.

Trần Tuyên

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/ngoi-chua-nguoi-hoa-tram-nam-tuoi-canh-dong-song-long-xuyen-2398743.html
Zalo