Ngoại trưởng Mỹ: Ukraine và châu Âu sẽ tham gia vào đàm phán hòa bình
Ngày 16/2, Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio cho biết Ukraine và châu Âu sẽ là một phần của bất kỳ 'cuộc đàm phán thực sự' nào nhằm chấm dứt cuộc xung đột tại Ukraine, bác bỏ những lo ngại rằng các quốc gia này sẽ không có vai trò gì trong các cuộc đàm phán hòa bình.

Ông Donald Trump và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tại Trump Tower, New York ngày 27/9/2024. Ảnh: AP
Trong một cuộc phỏng vấn với CBS ngày 16/2, Ngoại trưởng Mỹ Rubio cho biết Tổng thống Donald Trump đã nói chuyện với Tổng thống Nga Vladimir Putin vào tuần trước, và ông Vladimir Putin đã bày tỏ sự quan tâm của mình đối với đàm phán hòa bình trong khi Tổng thống Trump bày tỏ mong muốn chấm dứt cuộc xung đột này theo cách bền vững và bảo vệ chủ quyền của Ukraine.
Ông nhận định: “Tình hình hiện tại rõ ràng yêu cầu phải có các hành động tiếp theo. Vì vậy, vài ngày và vài tuần tới sẽ quyết định xem các bên có có nghiêm túc hay không. Suy cho cùng, một cuộc gọi điện thoại không thể tạo ra hòa bình”.
Cũng trong cuộc phỏng vấn, ông Rubio bác bỏ mối lo ngại của Ukraine cũng như châu Âu về việc bị loại khỏi các cuộc đàm phán ban đầu giữa Nga và Mỹ - cuộc đàm phán có thể sẽ diễn ra tại Saudi Arabia trong những ngày tới. Theo Reuters dẫn lời ông Rubio, quá trình đàm phán vẫn chưa bắt đầu một cách nghiêm túc. Tuy nhiên một khi các cuộc đàm phán tiến triển, châu Âu và Ukraine sẽ cùng tham gia vào quá trình này
Ông cho biết: "Mọi thứ cuối cùng sẽ đạt đến một điểm nào đó, có thể là các cuộc đàm phán thực sự, nhưng chúng ta vẫn chưa thực sự đạt được điều này. Nhưng nếu điều đó xảy ra, Ukraine sẽ phải tham gia vì họ là bên liên quan trực tiếp, và châu Âu cũng sẽ phải tham gia vì họ đang áp đặt các lệnh trừng phạt đối với Tổng thống Putin và Nga”.
Tổng thống Mỹ Donald Trump khi trả lời các phóng viên trong cùng ngày 16/2 ở West Palm Beach, Florida cũng khẳng định Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky sẽ tham gia vào các cuộc đối thoại để chấm dứt xung đột nhưng không đưa ra thêm chi tiết nào khác.
Các lo ngại về vai trò của châu Âu trong các cuộc đàm phán hòa bình tại Ukraine gia tăng sau tuyên bố của Đặc phái viên Mỹ tại Ukraine Keith Kellogg ngày 15/2 tại Hội nghị An ninh Munich (Đức). Vào thời điểm đó, ông Kellogg cho biết: “Tôi là một người thuộc trường phái thực tế. Tôi nghĩ việc này sẽ không xảy ra”.
Tuyên bố trên đã vấp phải sự phản đối của hàng loạt nhà lãnh đạo châu Âu. Trả lời các phóng viên tại Munich trong cùng ngày, Tổng thống Phần Lan Alexander Stubb tuyên bố: "Không thể có bất kỳ cuộc thảo luận hoặc đàm phán nào về Ukraine, tương lai của Ukraine hoặc cấu trúc an ninh châu Âu mà không có châu Âu tham gia”.
Tuy nhiên, ông khẳng định điều này cũng có nghĩa là “châu Âu cần phải hành động cùng nhau, nói ít hơn và làm nhiều hơn". Tổng thư ký NATO Mark Rutte cũng có thái độ tương tự khi kêu gọi châu Âu “tham gia vào cuộc tranh luận và đưa ra các đề xuất, ý tưởng cụ thể, tăng chi tiêu quốc phòng”.
Trong bối cảnh đó, Văn phòng Tổng thống Pháp cho biết ông Emmanuel Macron ngày 17/2 sẽ tiếp đón các nhà lãnh đạo châu Âu cho một hội nghị thượng đỉnh khẩn cấp về cuộc xung đột tại Ukraine sau những phát biểu của ông Kellogg.