Nhà thơ Trần Đăng Khoa nhận lại đứa con lưu lạc

'Đứa con lưu lạc' ấy là tập thơ Từ góc sân nhà em chừng 30 bài, viết năm 1966-1967, khi nhà thơ mới 7, 8 tuổi, học lớp 2D trường cấp I Quốc Tuấn Nam Sách Hải Dương.

 Nhà thơ Trần Đăng Khoa bên tập Từ góc sân nhà em. Ảnh: Đức Huy.

Nhà thơ Trần Đăng Khoa bên tập Từ góc sân nhà em. Ảnh: Đức Huy.

Đúng là đứa con lưu lạc

Tập thơ có khuôn khổ rất nhỏ, chỉ to hơn bao thuốc lá một chút, giấy nứa, một loại giấy đen, đã ố vàng và sờn mòn các mép, do cậu bé tự đóng thời ấy. Đây thuộc tốp các bài thơ đầu tiên, và là bản chép tay duy nhất của cậu bé “thần đồng” thuở ấy. Vì thế với Trần Đăng Khoa, đây là báu vật cực quý.

Sau này tập thơ được bổ sung thêm với tên gọi khác là Góc sân và khoảng trời. Tập thơ này được viết từ năm 966 đến 1974, là toàn bộ thơ Trần Đăng Khoa viết hồi học phổ thông.

Tất nhiên cũng trong thời phổ thông, ông còn viết nhiều tập khác như 6 tập Trường ca, Đi đánh Thần Hạn, Đi đánh Thần Lụt, Trường ca Làng quê, Trường ca Trừng Phạt, Lá Truyền đơn ngày trước, Trường ca Khúc hát người anh hùng.

Tập thơ Từ góc sân nhà em là những bài thơ đầu tiên. Tập bản thảo mới tìm lại được chỉ có chừng mươi bài là quen thuộc vì chúng từng có mặt trong tập Góc sân và khoảng trời của tác giả. Còn lại hơn hai mươi bài lần đầu ta biết và tác giả cũng đã quên.

Thần đồng thơ Trần Đăng Khoa cũng từng sai chính tả

Không phải “đã từng sai” mà hầu hết là sai chính tả. Theo nhà thơ, không phải ông chỉ ngọng giữa L, N, mà cả ch, tr cũng sai lung tung. Ông bảo ông không thể chữa được tật này, vì ở quê ông, bố mẹ cũng nói ngọng, thày cô cũng ngọng.

Trong căn phòng nhỏ tại trụ sở tạp chí Nhà văn và cuộc sống (số 9 Nguyễn Đình Chiểu, Hà Nội), nhà thơ Trần Đăng Khoa cẩn thận lật giở từng trang thơ của mình. Đó là những dòng thơ ông viết từ thuở còn là cậu bé lớp 2 được lưu giữ gần 60 năm bởi cô giáo dạy văn câp II Nguyễn Thị Thanh Xuân - vợ PGS.TS Chương Thâu. Cô Xuân năm nay đã 84 tuổi.

Trần Đăng Khoa mỉm cười, nhẹ nhàng đọc lên vài câu. Cả phòng cười ồ. Nhà thơ cũng cười vì cái giọng trong trẻo, ngô nghê, và đặc biệt là chi chít la liệt lỗi chính tả. Có ai đó bảo: "Thì ra thần đồng thơ cũng từng sai chính tả!". “Không chỉ sai chính tả mà rất nhớ ngẩn - Trần Đăng Khoa nói - Thần đồng gì mà lại thế này. Tôi mà còn thành được nhà thơ thì đứa trẻ con nào, người nhà quê nào cũng thành được nhà thơ hết”.

Nhân duyên tìm lại tập thơ xưa

Cách đây không lâu, nhà thơ Trần Đăng Khoa nhận được cuộc điện thoại từ một phóng viên, là nhà báo Thanh Hà. Điều khiến ông sững sờ là thông tin về một tập thơ của mình được lưu giữ gần 60 năm.

Người phóng viên nói rằng cô giáo Nguyễn Thị Thanh Xuân - vợ của PGS.TS Chương Thâu, người đang nắm giữ một tập thơ mà ông Khoa cứ ngỡ đã thất lạc vĩnh viễn. Bà đã được nhà văn nổi tiếng Nguyễn Thị Ngọc Tú tặng lại tập thơ, trước đó, nhà thơ Xuân Diệu là người đã tặng tác giả tiểu thuyết Đất Làng.

Trần Đăng Khoa rất ngạc nhiên. Vì ông không tặng nhà thơ Xuân Diệu tập thơ này. Xuân Diệu có ba lần đến nhà ông, rồi thư từ trao đổi với ông.

Ông thường xuyên gửi thơ cho Xuân Diệu đọc. Nhưng thường là những bài thơ ông thích. Còn tập này là bản thảo ở dạng bản nháp. Nhiều bài rất ngô nghê làm theo sát hạch của khách vãng lai. Thường họ ra đề cho ông làm. Mà loại thơ này nhiều lắm. Có ngày ông viết đến 30 bài.

 Nhà thơ Trần Đăng Khoa đọc lại từng trang trong tập thơ Từ góc sân nhà em (bản scan).

Nhà thơ Trần Đăng Khoa đọc lại từng trang trong tập thơ Từ góc sân nhà em (bản scan).

Điều ông cũng ngạc nhiên nữa là tại sao nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Tú lại có. Bà Tú không làm thơ mà chỉ viết văn xuôi. Ông cũng từng gửi văn cho bà Tú thời bà biên tập văn xuôi báo Văn nghệ. Ông cũng rất thân với bà Tú. Hồi bà học tập huấn ba tháng ở Học viện Văn học M. Gorki, ông Khoa hay đưa bà đi thăm thành phố Matxcova và mua hàng. Hai chị em nói với nhau rất nhiều chuyện nhưng nhà văn nổi tiếng cũng không nhắc gì đến tập thơ này. Có thể chính bà Tú cũng quên. Và ai là người cho Xuân Diệu tập thơ này thì ông cũng không hình dung nổi. Nói tóm lại, tập thơ còn ẩn chứa rất nhiều bí mật mà chính Trần Đăng Khoa cũng không lý giải nổi.

Rất may nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Tú cũng là một cô giáo, lại rất thân với cô giáo Thanh Xuân. Và tập thơ lại ở trong tay cô giáo Thanh Xuân và nhà nghiên cứu văn học cổ cận đại Chương Thâu, nhờ thế mà ông bà đã gìn giữ gần 60 năm với bao nhiêu biến cố mà không để thất lạc. Biết đó là văn bản đầu tay của nhà thơ Trần Đăng Khoa, nhiều người yêu thơ, nhiều nhà sưu tầm sách muốn mua với giá rất cao nhưng ông bà cũng không bán mà chỉ lưu giữ rồi tìm cách liên hệ trao tặng lại chính tác giả.

 Theo ông Trần Đăng Khoa, vì ngày xưa giáo viên, cha mẹ đều bị ngọng nên chính ông cũng rất khó chữa, đặc biệt là âm "l", "n". Trong bài thơ của ông ngày xưa, độc giả có thể thấy điều đó.

Theo ông Trần Đăng Khoa, vì ngày xưa giáo viên, cha mẹ đều bị ngọng nên chính ông cũng rất khó chữa, đặc biệt là âm "l", "n". Trong bài thơ của ông ngày xưa, độc giả có thể thấy điều đó.

Khi cầm lại tập thơ cũ với 20 bài chưa từng công bố, ông Khoa thực sự bàng hoàng và nghẹn ngào. Trong đó, có bài Chăn trâu trên bờ đê được chính nhà thơ Xuân Diệu đọc trong phần kết bộ phim tài liệu do đạo diễn người Pháp Gérard Guillaume quay vào năm 1968, khi Trần Đăng Khoa mới 10 tuổi.

Bộ phim có tên Thế giới nhỏ của Khoa. Nhà thơ Xuân Diệu - người mà ông từng không nghĩ có giữ tập thơ - lại chính là người giới thiệu tập thơ này ở phần mở đầu và kết thúc bộ phim.

Từ một cậu bé đến một nhà thơ

Tập thơ này thực sự là một bản thảo có giá trị, vì nó là bản thảo duy nhất của Trần Đăng Khoa. Có bài đã đạt đến độ hoàn thiện như Gà con liếp nhiếp, Trăng sáng sân nhà em, Sao không về vàng ơi… Nhiều bài rất ngớ ngẩn, nhưng vẫn có những câu thơ lóe sáng.

Đặc biệt đây là tư liệu rất quý giúp người nghiên cứu có thể thấy được quá trình hình thành một tác giả từ một câu bút bản năng, học trò đến một tài năng, một tác giả chuyên nghiệp với bề dày tác phẩm rất đáng nể. Tập thơ Góc sân và khoảng trời - tập thơ xuất bản lần đầu năm 1968 đến nay đã tái bản tới 161 lần. Đấy là một kỷ lục không phải ai cũng có được.

Từ một cậu bé viết sai chính tả be bét, làm thơ bằng những cảm xúc hồn nhiên, Trần Đăng Khoa đã trở thành một trong những nhà thơ tiêu biểu của văn học Việt Nam hiện đại. Và ông cũng là nguồn động viên, cho những ai muốn đi theo con đường văn chương, và nói như chính ông: Đến như mình mà còn thành được nhà thơ thì ai cũng có thể thành nhà thơ được…

Đức Huy

Nguồn Znews: https://znews.vn/tap-tho-that-lac-gan-60-nam-cua-nha-tho-tran-dang-khoa-post1545391.html
Zalo