Ngộ độc nặng do uống phải rượu không bảo đảm chất lượng
Gần đây, liên tiếp xuất hiện các ca ngộ độc do uống rượu không bảo đảm chất lượng. Theo các chuyên gia y tế, người dân cần hạn chế tối đa uống rượu, chỉ sử dụng những loại rượu có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng vì đã có rất nhiều trường hợp bị ngộ độc nặng do uống phải rượu không bảo đảm chất lượng.
Đêm 13/2 vừa qua, năm người ở xã Quỳnh Thạch, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An đã phải nhập viện cấp cứu trong tình trạng nguy kịch sau khi tổ chức uống rượu tại nhà. Chỉ hơn một tiếng sau cuộc vui, cả năm người này bất ngờ xuất hiện tình trạng khó thở, mặt tím tái, sùi bọt mép, co giật.
Từ sau Tết Nguyên đán, Trung tâm Chống độc-Bệnh viện Bạch Mai cũng tiếp nhận và điều trị nhiều trường hợp ngộ độc cồn công nghiệp (methanol) do sử dụng rượu không bảo đảm chất lượng. Các ca bệnh đều rất nặng, nồng độ methanol trong máu rất cao và đã có trường hợp tử vong.
Điển hình là vụ bảy người cùng ngộ độc rượu tại tỉnh Thái Bình. Trước đó, họ đã cùng uống một loại rượu được pha chế từ cồn công nghiệp. Kết quả xét nghiệm phần rượu còn lại cho thấy chỉ có 1% là ethanol (rượu thông thường), còn 58% là methanol, trong khi đây là chất hóa học, chỉ dùng trong công nghiệp, chỉ cần một lượng rất nhỏ cũng ảnh hưởng sức khỏe người sử dụng.
Người có những biểu hiện đầu tiên trong vụ ngộ độc tập thể này là anh N.V.M. Anh M. nhập viện trong tình trạng hôn mê, tụt huyết áp, co giật, nhiễm toan chuyển hóa rất nặng, nồng độ methanol trong máu cao tới 134 mg/dL.
Sau khi được biết anh N.V.M bị ngộ độc nặng, đang phải cấp cứu, tiên lượng nặng, sáu người cùng uống rượu với anh M. đã đến cơ sở y tế gần nhà khám, kiểm tra bằng các xét nghiệm cơ bản, kết quả cho thấy bình thường. Tuy nhiên, Trung tâm Chống độc-Bệnh viện Bạch Mai đã tư vấn những người này cần khẩn cấp đến trung tâm để khám và lấy máu xét nghiệm lại.
Ngay trong đêm đó, bốn người cùng uống rượu với anh N.V.M đã được kiểm tra tại Trung tâm Chống độc-Bệnh viện Bạch Mai. Kết quả, hai người có nồng độ cồn methanol trong máu cao, bắt đầu gây rối loạn trong máu, hai người cùng đi có nồng độ cồn thấp ở mức không ảnh hưởng sức khỏe. May mắn, hai bệnh nhân tiếp theo này đã được nhập viện cấp cứu kịp thời, được lọc máu và dùng thuốc giải độc, tránh được các hậu quả đáng tiếc. Hai người còn lại vẫn chủ quan không tới Trung tâm Chống độc- Bệnh viện Bạch Mai kiểm tra hoặc gửi máu tới xét nghiệm.
Trường hợp khác là một bệnh nhân nữ, 59 tuổi, sống ở Thành phố Hồ Chí Minh, đêm 31/1 ra Hà Nội thì có biểu hiện ngộ độc ngay sau khi máy bay hạ cánh. Sau đó, bệnh nhân rơi vào tình trạng hôn mê, tụt huyết áp, nồng độ methanol trong máu 171mg/dL. Trước đó, bệnh nhân có sử dụng rượu. Trung tâm Chống độc-Bệnh viện Bạch Mai đã thông báo cho cơ quan chức năng để phối hợp với địa phương nơi bệnh nhân bị ngộ độc để truy xuất nguồn loại rượu gây ngộ độc.
TS, BS Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc-Bệnh viện Bạch Mai lý giải hiện tượng có nồng độ methanol trong máu cao mà chưa có biểu hiện ngộ độc là do methanol khi vào cơ thể cần được cơ thể chuyển hóa thành a-xít formic, là chất gây tổn thương não, mù mắt và một loạt hậu quả khác. Quá trình chuyển hóa gây độc của methanol chậm và sẽ càng chậm khi trong máu có cả thành phần ethanol, do ethanol cạnh tranh chuyển hóa với methanol.
Tại Trung tâm Chống độc-Bệnh viện Bạch Mai, những trường hợp bị ngộ độc methanol tương tự như kể trên xảy ra khá phổ biến. Nguyên nhân chủ yếu do người bệnh uống phải rượu được pha từ cồn công nghiệp với rượu thông thường, hoặc sau khi uống phải rượu pha từ cồn công nghiệp lại uống tiếp các loại rượu thông thường.
TS, BS Nguyễn Trung Nguyên cho biết, về nhận diện, rượu được pha từ cồn công nghiệp methanol rất giống với rượu ethanol thông thường, thậm chí còn ngọt, dễ uống hơn. Khi mới uống, bệnh nhân cũng có cảm giác giống với say rượu nên dễ bị nhầm lẫn. Tuy nhiên, khoảng 1-2 ngày sau uống, bệnh nhân sẽ có biểu hiện mờ mắt, lơ mơ, thở nhanh và thở sâu giống như khó thở do nhiễm toan chuyển hóa (do có quá nhiều a-xít formic được chuyển thành từ methanol), co giật, hôn mê. Khi đến bệnh viện, hầu hết các trường hợp này đã tổn thương não, mù mắt, tụt huyết áp, trong tình trạng nguy kịch.
Trong những ngày Tết hoặc vui xuân năm mới, nhiều người đã uống phải rượu chứa cồn công nghiệp methanol sau đó uống tiếp các loại rượu thông thường thì không thể biết lúc nào tình trạng ngộ độc methanol mới phát tác do hiện tượng ethanol làm trì hoãn việc gây độc của methanol, và chắc chắn sẽ bị ngộ độc. Vấn đề khó là khi tình trạng ngộ độc xuất hiện chậm sau nhiều ngày thì rất dễ nhầm với nhiều bệnh lý khác như bệnh mắt, bệnh khó thở, tai biến mạch não,… dẫn tới bị bỏ sót và chữa muộn, chữa không đúng, dẫn tới di chứng mù, hôn mê, thậm chí tử vong.
Các chuyên gia ngành công nghệ sinh học và công nghệ thực phẩm cho biết, cồn công nghiệp có hàm lượng methanol, aldehyt, độc hại cao, giá thành rẻ, pha chế dễ, cho nên nhiều cơ sở sản xuất, hộ kinh doanh vì lợi nhuận đã dùng cồn công nghiệp để pha chế rượu giả, bất chấp tính mạng, sức khỏe người sử dụng. Quy trình pha chế rượu bằng cồn công nghiệp rất đơn giản, đơn cử một lít cồn pha với ba lít nước lã, cho thêm hương liệu và mùi vị là có thể thành rượu.
Thời gian qua, lực lượng chức năng đã phát hiện, xử lý nhiều cơ sở sản xuất, pha chế rượu không đạt chất lượng, trong đó có loại rượu pha chế từ cồn công nghiệp. Tuy nhiên trên thị trường vẫn xuất hiện tràn lan các loại rượu không có nguồn gốc xuất xứ, nghi là rượu giả.
Theo các chuyên gia, để phòng tránh ngộ độc rượu được pha chế từ cồn công nghiệp methanol thì đầu tiên là khâu quản lý hóa chất. Do methanol là hóa chất nhập khẩu hoặc sản xuất công nghiệp lớn, nhưng đã bị “tuồn” ra ngoài thị trường, nhiều cơ sở, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh đã sử dụng một cách bất hợp pháp vì mục đích lợi nhuận cao.
Vì vậy, rất mong các cơ quan chức năng vào cuộc quyết liệt để ngăn chặn. Bên cạnh đó, người dân nên hạn chế uống rượu và khi mua rượu uống cần chọn các sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, thông tin trên nhãn mác cụ thể, thương hiệu được đăng kiểm trên thị trường và đầy đủ về cả thành phần, công dụng và thông tin nhà sản xuất.