Nghiên cứu khoa học tồn tại nhiều rủi ro

Theo đại biểu Quốc hội, nếu như khai thác dầu khí, 10 mũi khoan, có thể một mũi mới có dầu, nhưng nghiên cứu khoa học có khi chấp nhận rủi ro còn nhiều hơn.

Chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu

Ngày 17/2, tiếp tục Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội khóa XV, Quốc hội thảo luận tại hội trường về Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số chính sách để tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động khoa học, công nghệ.

Đại biểu Hoàng Văn Cường - Đoàn ĐBQH TP. Hà Nội

Đại biểu Hoàng Văn Cường - Đoàn ĐBQH TP. Hà Nội

Đại biểu Hoàng Văn Cường - đoàn Hà Nội cho biết, các nhà khoa học rất vui mừng khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia và nay lại có Nghị quyết của của Quốc hội về thí điểm một số chính sách để tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động khoa học, công nghệ.

Theo đại biểu, những khát vọng chúng ta muốn đưa đất nước tạo ra bước phát triển đột phá dựa vào khoa học, công nghệ sẽ trở thành hiện thực nhờ có quyết tâm của Đảng, Quốc hội thông qua Nghị quyết và các hành động cụ thể. Điều này, sẽ tạo ra động lực rất lớn thúc đẩy các hoạt động nghiên cứu khoa học, công nghệ và chúng ta kỳ vọng rằng khoa học công nghệ sẽ trở thành khâu đột phá cho phát triển của đất nước.

Về Nghị quyết này, đại biểu đồng tình với nhiều điểm đã tháo gỡ những nút thắt về thể chế hiện nay như tăng ngân sách đầu tư cho khoa học, công nghệ và chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu. Đây là một lối mở rất lớn để các nhà khoa học yên tâm nghiên cứu.

"Bởi vì trong nghiên cứu, chúng ta chưa thể biết được là có kết quả thu được hay không, giống như người khai thác dầu khí có khi 10 mũi khoan may ra mới được một mũi khoan có dầu, nhưng dầu khí còn biết rằng khoan ra ở dưới có dầu nhưng nghiên cứu khoa học thì chưa biết dưới đó là gì, cho nên chấp nhận rủi ro còn nhiều hơn" - đại biểu lý giải.

Thứ hai, trong cơ chế này cũng đã chỉ ra là sẽ thực hiện khoán chi cho các hoạt động trong quá trình nghiên cứu và như vậy giúp cho các nhà khoa học sẽ không phải bận tâm trong chuyện phải thực hiện các thủ tục hành chính, lo hoàn thiện về các giấy tờ để đáp ứng các nhu cầu về quản lý, vì thực chất hiện nay nhiều khi các nhà khoa học đã phải tìm cách 'nói dối' và thời gian để chi cho công việc hành chính còn nhiều hơn cả hoạt động nghiên cứu.

Đại biểu đề nghị, chúng ta không chỉ giải quyết vấn đề khoán chi mà phải bỏ tất cả những quy định liên quan đến đấu thầu trong nghiên cứu khoa học công nghệ. Ví dụ như đấu thầu để chọn đề tài là hoàn toàn không phù hợp.

"Nếu đấu thầu cho đề tài dẫn đến một đề tài nghiên cứu năm nay đấu thầu được, đang nghiên cứu dở dang sang năm không đấu thầu được thì đề tài đó sẽ bỏ đi, do vậy nên chuyển sang cơ chế đặt hàng, giao nhiệm vụ và khoán chi chứ không thực hiện các cơ chế đấu thầu" - đại biểu nêu.

Đẩy mạnh "đặt hàng" dài hạn

Nêu ý kiến tại phiên họp, đại biểu rất đồng tình là các cơ quan nghiên cứu được lập doanh nghiệp để chuyển giao kết quả nghiên cứu để ứng dụng kết quả nghiên cứu vào thực tiễn, như vậy không có tình trạng nghiên cứu xong sẽ bỏ tủ.

Hoạt động nghiên cứu khoa học. Ảnh minh họa

Hoạt động nghiên cứu khoa học. Ảnh minh họa

Tuy nhiên, không phải kết quả nghiên cứu nào cũng có thể chuyển thành kết quả ứng dụng thông qua doanh nghiệp, bởi vì phải rất nhiều quá trình nghiên cứu chắp nối lại mới có thể chuyển thành ứng dụng trong doanh nghiệp.

Vì vậy, đại biểu đề nghị phải bổ sung thêm vào Điều 9, đó là phải đưa quyền thương mại hóa những sản phẩm nghiên cứu của mình, có thể không thể ứng dụng ngay trong doanh nghiệp nhưng có thể bán cho người khác để những cơ quan, đơn vị khác có thể mua về tiếp tục nghiên cứu và ứng dụng sau.

Bên cạnh đó, đại biểu đồng tình với Điều 4 - nhà nước cấp kinh phí cho các tổ chức công lập trong nghiên cứu khoa học. Tuy nhiên, đề nghị cần phải xem lại nếu chúng ta lại cấp kinh phí theo kiểu chi thường xuyên thì chỉ duy trì hoạt động nghiên cứu này từng năm và như vậy không đúng với tính chất tự chủ của các đơn vị nghiên cứu, đặc biệt không đáp ứng được yêu cầu nghiên cứu là phải cả một quá trình dài, nhiều năm.

Nếu chúng ta cấp từng năm một, sang năm sau không được cấp là những hoạt động nghiên cứu đó sẽ bị ngắt quãng. Do đó, đề nghị chúng ta không cấp kinh phí chi thường xuyên mà phải đặt hàng cho các đơn vị nghiên cứu theo một thời gian dài hạn, tùy theo nhiệm vụ có thể đặt hàng 2 năm, 3 năm, thậm chí 5-7 năm.

Việc đầu tư kinh phí cho các đơn vị công lập nghiên cứu, đại biểu chỉ ra chưa thấy đặt vấn đề liên quan đến bóng dáng các trường đại học. Chúng ta biết rằng trên thế giới phần lớn các trường đại học trở thành trung tâm nghiên cứu, các công bố lớn quốc tế như giải thưởng Nobel cũng ở các trường đại học. Thậm chí thung lũng Silicon chúng ta đã biết chính là sản phẩm của trường đại học.

Ở Việt Nam, 90% công bố quốc tế cũng xuất phát từ các trường đại học. Tuy nhiên, ngân sách nghiên cứu khoa học hiện nay cấp cho các trường đại học chỉ chiếm khoảng 10%. Điều này không tương xứng.

Theo đó, đại biểu đề nghị trong Nghị quyết này phải chỉ rõ ưu tiên về đầu tư ngân sách của Nhà nước cho nghiên cứu khoa học tại các trường đại học, đặc biệt là các trường đại học đang định hướng nghiên cứu, những trường đại học có đào tạo tiến sĩ.

Bởi vì, nếu như chúng ta không cấp kinh phí cho những hoạt động đào tạo tiến sĩ thì những người nghiên cứu sinh tự bỏ kinh phí ra sẽ phải nghiên cứu những gì người ta sẵn có và những kết quả nghiên cứu này không đóng góp vào giá trị của khoa học, còn nếu chúng ta bỏ kinh phí, nghiên cứu sinh phải nhận được kinh phí đó và phải thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu theo yêu cầu của nhà trường thì những nghiên cứu của nghiên cứu sinh mới đóng góp lại để dần dần tích lũy, tạo thành một kết quả nghiên cứu chung và mới trở thành sản phẩm về khoa học.

Đồng tình với quy định tại Điều 6 là không ghi truy cứu trách nhiệm và được miễn trừ rủi ro, nếu như kết quả nghiên cứu không đạt được khi đã thực hiện đúng quy trình và quy định, đại biểu lưu ý thêm, nếu lại quy định trong này là đúng quy trình, quy định thì quy trình, quy định là gì?

Nếu như không cẩn trọng, chúng ta lại quay trở lại quy trình, quy định là theo quy định của pháp luật và quay trở lại như chúng ta hiện nay là tuân thủ quy định pháp luật là không làm được gì. Vì vậy, đại biểu đề nghị phải sửa lại điểm này, đó là "khi đã thực hiện đúng quy trình nghiên cứu mà đề tài đã đăng ký".

Về vấn đề miễn giảm thuế, đại biểu Hoàng Văn Cường nhận định, Nghị quyết đã chỉ ra sẽ được miễn thuế thu nhập cá nhân đối với các phần kinh phí từ ngân sách nhà nước đầu tư cho nghiên cứu. Tuy nhiên, đối với phần kinh phí do doanh nghiệp tài trợ thì chỉ có doanh nghiệp được trừ vào trong phần chi phí để tính thuế còn đơn vị nghiên cứu thì lại vẫn phải tính thuế thu nhập cá nhân. Đây là điều bất hợp lý, nên đề nghị phải miễn thuế thu nhập cá nhân cho tất cả các hoạt động nghiên cứu.

Đồng thời, đối với các trường đại học hiện nay là những trường công lập, những trường không đặt ra mục tiêu lợi nhuận hay trường tư thục hoạt động không vì mục đích lợi nhuận, nếu đã không vì mục đích lợi nhuận thì không có cơ sở để tính thuế. Song hiện nay các trường này vẫn phải nộp thuế, đặc biệt là những trường tự chủ.

"Việc thu thuế đối với các trường đại học công lập tự chủ hoặc những trường tư thục không vì lợi nhuận không có căn cứ cơ sở và thậm chí tăng thêm trách nhiệm, gánh nặng cho người học" - đại biểu phân tích.

Đại biểu Quốc hội đề nghị, chúng ta không chỉ giải quyết vấn đề khoán chi mà phải bỏ tất cả những quy định liên quan đến đấu thầu trong nghiên cứu khoa học công nghệ. Ví dụ như đấu thầu để chọn đề tài là hoàn toàn không phù hợp...

Quỳnh Nga

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/nghien-cuu-khoa-hoc-ton-tai-nhieu-rui-ro-374244.html
Zalo