Nghiên cứu đề xuất tăng nhập khẩu điện từ Trung Quốc

Theo dự thảo xin ý kiến tham vấn đối với Đề án điều chỉnh Quy hoạch điện VIII, EVN đang nghiên cứu đề xuất nhập khẩu thêm 3.000 MW điện từ Trung Quốc.

Đề xuất tăng nhập khẩu điện từ Trung Quốc và Lào

Bộ Công Thương đang xin ý kiến tham vấn đối với Đề án điều chỉnh Quy hoạch điện VIII. Thực hiện nhiệm vụ điều chỉnh Quy hoạch điện VIII được Thủ tướng Chính phủ giao, Bộ Công Thương đã rất khẩn trương triển khai các thủ tục liên quan như: Xây dựng, phê duyệt đề cương dự toán; tổ chức lựa chọn đơn vị tư vấn, xây dựng đề án; đăng tải trên cổng thông tin điện tử Chính phủ, Bộ Công Thương và có văn bản gửi các bộ, ngành, cơ quan liên quan và địa phương để tham vấn ý kiến đối với đề án.

Đề án điều chỉnh Quy hoạch điện VIII gồm 12 chương. Quy hoạch điện VIII điều chỉnh đã nghiên cứu, tính toán một số kịch bản, phương án khác nhau đảm bảo tính khách quan, khoa học, tuân thủ chặt chẽ trình tự, thủ tục trong lập, thẩm định và phê duyệt quy hoạch. Đề án đã tuân thủ các văn kiện của Đảng, Nhà nước về định hướng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, chiến lược phát triển năng lượng, quy hoạch tổng thể quốc gia, bám sát và tiếp thu đầy đủ các chỉ đạo của Thường trực Chính phủ, lãnh đạo Chính phủ, ý kiến góp ý của các bộ, ngành, địa phương, các tổ chức, hiệp hội trong và ngoài nước có liên quan.

EVN đang nghiên cứu đề xuất mua thêm điện từ Trung Quốc và Lào. Ảnh minh họa/EVN

EVN đang nghiên cứu đề xuất mua thêm điện từ Trung Quốc và Lào. Ảnh minh họa/EVN

Một nội dung đáng chú ý của dự thảo đề án nêu rõ về Việt Nam có khả năng nhập khẩu điện từ Trung Quốc và Lào vì đây là những nước đang dư thừa nguồn điện (đặc biệt là nguồn thủy điện) và có kế hoạch xuất khẩu điện sang các nước láng giềng.

Đối với nhập khẩu điện từ Trung Quốc, Việt Nam đang mua điện Trung Quốc qua 2 đường dây 220 kV Malungtang - Hà Giang và Maquan - Lào Cai trong mùa khô để đáp ứng một phần nhu cầu phụ tải. Tổng công suất mua điện hiện tại khoảng 550 MW, điện năng khoảng 2 - 3 tỷ kWh/năm. Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đang nghiên cứu đề xuất mua thêm khoảng 3.000 MW từ Trung Quốc qua trạm B2B đặt tại biên giới Việt Nam - Trung Quốc, với sản lượng khoảng 15 tỷ kWh/năm. Dự kiến nếu được phê duyệt, nguồn điện này sẽ được đấu nối vào trạm biến áp 500kV Lào Cai và giải tỏa công suất chủ yếu qua đường dây 500kV Lào Cai – Vĩnh Yên.

Bên cạnh đó, đối với nhập khẩu điện từ Lào, hiện nay, Việt Nam đang nhập khẩu khoảng 1.000 MW nguồn điện từ Lào qua các đường dây 220kV liên kết. Theo hiệp định giữa hai Chính phủ, tổng công suất nhập khẩu từ Lào dự kiến sẽ tăng lên 5.000-8000 MW năm 2030.

Theo số liệu của Bộ Công Thương, lượng điện nhập khẩu tăng đều những năm qua, đạt 5 tỷ kWh vào cuối 2024. Riêng năm 2021, sản lượng giảm còn khoảng 1,4 tỷ kWh do tạm dừng mua từ Trung Quốc.

Cùng với nhập khẩu, Bộ Công Thương cũng đề xuất tăng cường phát triển các nguồn điện trong nước. Dự kiến, so với quy hoạch hiện tại, Việt Nam sẽ tăng thêm 30.000 MW điện mặt trời, 5.700 MW thủy điện nhỏ, 6.000 MW điện gió trên bờ, cùng 12.500 MW pin tích năng và các nguồn năng lượng linh hoạt khác.

Chia sẻ về vấn đề nhập khẩu điện, tại hội thảo liên quan đến điều chỉnh Quy hoạch điện VIII vừa tổ chức mới đây, thạc sĩ Cao Đức Huy - nghiên cứu viên Phòng Phát triển hệ thống điện, Viện Năng lượng (Bộ Công Thương) - cho biết: Việt Nam có khả năng nhập khẩu điện từ Trung Quốc và Lào vì đây là những nước đang dư thừa nguồn điện (đặc biệt là nguồn thủy điện) và có kế hoạch xuất khẩu điện sang các nước láng giềng.

Đề xuất khả năng xuất khẩu điện từ năng lượng tái tạo

Theo Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Bộ Công Thương, dự thảo Đề án điều chỉnh Quy hoạch Điện VIII cũng nêu rõ về khả năng xuất khẩu điện của Việt Nam. Hiện Việt Nam đang xuất khẩu điện cho Campuchia khoảng 250 MW thông qua đường dây mạch kép truyền tải 220kV Châu Đốc - Tà Keo dài 77km.

Trong giai đoạn quy hoạch, Việt Nam có thể xem xét nghiên cứu việc trao đổi mua – bán và xuất khẩu điện sang các nước láng giềng để tăng khai thác hiệu quả công suất/sản lượng dư thừa trong một số thời điểm, đồng thời tăng cường khả năng hình thành lưới liên kết khu vực trong tương lai.

Việc xuất khẩu điện nhằm tăng khai thác hiệu quả công suất/sản lượng dư thừa trong một số thời điểm, đồng thời tăng cường khả năng hình thành lưới liên kết khu vực trong tương lai”, ông Cao Đức Huy phân tích.

Hiện Việt Nam đang xuất khẩu điện cho Campuchia khoảng 250 MW thông qua đường dây mạch kép truyền tải 220kV Châu Đốc - Tà Keo dài 77km. Ảnh minh họa/EVN

Hiện Việt Nam đang xuất khẩu điện cho Campuchia khoảng 250 MW thông qua đường dây mạch kép truyền tải 220kV Châu Đốc - Tà Keo dài 77km. Ảnh minh họa/EVN

Về xuất khẩu điện không nối lưới, hiện nay, một số nghiên cứu đã được đề xuất xem xét khả năng xuất khẩu điện từ các nguồn năng lượng tái tạo không nối lưới. Tùy thuộc vào điều kiện kinh tế - kỹ thuật cho phép trong tương lai, việc tận dụng một số khu vực có tiềm năng tốt để phát triển các nhà máy điện năng lượng tái tạo phục vụ xuất khẩu sang các nước láng giềng là hợp lý. Quy mô xuất khẩu điện sẽ phụ thuộc vào nhu cầu của bên nhập khẩu. Theo Quyết định 500/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch điện VIII, dự kiến công suất xuất khẩu điện dao động trong khoảng 5.000-10.000 MW, trên cơ sở đảm bảo an ninh năng lượng trong nước và an ninh quốc phòng.

Nhưng để đảm bảo việc xuất nhập khẩu điện ổn định cần tiếp tục phát triển hạ tầng truyền tải. Về định hướng truyền tải liên miền 2036-2050, theo điều chỉnh Quy hoạch điện 8, tiếp tục phát triển hạ tầng truyền tải từ các trung tâm nguồn Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Trung Trung Bộ về trung tâm phụ tải Bắc Bộ và Đông Nam Bộ. Cân nhắc các phương án phát triển thêm hạ tầng hệ thống truyền tải điện một chiều siêu cao áp (HVDC) 800kV, hệ thống truyền tải điện cao thế xoay chiều (HVDC) trên 500kV và phương án cải tạo lưới điện 500kV lên cấp điện áp cao hơn (tận dụng tuyến cũ).

Đối với khả năng kết nối lưới điện liên quốc gia, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Bộ Công Thương cho biết: Trong giai đoạn sau năm 2030, cần xem xét tiếp tục nghiên cứu hợp tác, xem xét xây dựng hệ thống lưới điện kết nối hệ thống điện các nước trong khu vực tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng (GMS) và khu vực Đông Nam Á (ASEAN), giúp giảm công suất dự phòng, tăng cường hiệu quả vận hành hệ thống điện, giảm ảnh hưởng đến môi trường, tận dụng thế mạnh tài nguyên của các quốc gia, tăng cường khả năng tích hợp năng lượng tái tạo… Xem xét các giải pháp liên kết giữa các hệ thống điện các nước bằng hệ thống truyền tải 1 chiều HVDC hoặc các trạm Back-To-Back. Các công trình đấu nối các dự án xuất khẩu điện tiếp tục được nghiên cứu xây dựng với điều kiện có hiệu quả kinh tế cao, đảm bảo an ninh năng lượng và an ninh quốc phòng.

Các liên kết giữa Việt Nam với Trung Quốc và Lào chủ yếu để phục vụ nhu cầu phụ tải khu vực Bắc Bộ. Phía miền Trung và miền Nam cần tiếp tục nghiên cứu xây dựng các liên kết sang Lào, Thái Lan, Campuchia và Myanmar và Singapore. Cụ thể: Liên kết Trung Quốc - miền Bắc Việt Nam; liên kết Lào - Việt Nam; liên kết miền Trung Việt Nam - Lào - Thái Lan - Myanmar; liên kết miền Nam Việt Nam - Campuchia - Thái Lan - Myanmar; liên kết miền Nam Việt Nam - Singapore; liên kết miền Nam Việt Nam - Malaysia - Singapore.

Phương án phát triển lưới điện liên kết khu vực nói trên cần được cân nhắc kỹ lưỡng trong tình hình ngành năng lượng thế giới có nhiều biến động, đặc biệt cần xem xét đến xu hướng chuyển dịch xanh và cam kết của Chính phủ các nước về giảm phát thải carbon.

EVN đang nghiên cứu đề xuất mua thêm khoảng 3.000 MW từ Trung Quốc qua trạm B2B đặt tại biên giới Việt Nam - Trung Quốc, với sản lượng khoảng 15 tỷ kWh/năm. Dự kiến nếu được phê duyệt, nguồn điện này sẽ được đấu nối vào trạm biến áp 500kV Lào Cai và giải tỏa công suất chủ yếu qua đường dây 500kV Lào Cai - Vĩnh Yên.

Thái Bình

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/nghien-cuu-de-xuat-tang-nhap-khau-dien-tu-trung-quoc-374475.html
Zalo