Nghiên cứu ảnh hưởng của bột lá keo dậu (leucaena leucocephala) làm thức ăn lên màu sắc tôm thẻ chân trắng (litopenaus vannamei)
Đề tài Nghiên cứu ảnh hưởng của bột lá keo dậu (leucaena leucocephala) làm thức ăn lên màu sắc tôm thẻ chân trắng (litopenaus vannamei) do Dương Thị Thu Quyên1 - Đỗ Thị Mộng1 - Lê Tấn Tài1 - Trần Thị Phương Lan1* (1Khoa Nông nghiệp - Thủy sản, Trường Đại học Trà Vinh) 1* Tác giả liên hệ thực hiện.
TÓM TẮT:
Nghiên cứu sử dụng bột lá keo dậu (L. leucocephala) làm thức ăn cho tôm thẻ chân trắng (L. vannamei) nhằm đánh giá ảnh hưởng của bột lá keo dậu lên màu sắc cơ thể tôm. Nghiên cứu được thực hiện trên tôm (0,5-1 g) được nuôi trong bể 500 Lít với 350 Lít nước 16,5±1,5 ppt có sục khí. Thí nghiệm được bố trí ngẫu nhiên với 3 lần lặp lại. Tôm nuôi 70 con/bể trong 45 ngày. Các nghiệm thức gồm: thức ăn chăn nuôi (TĂCN) (ĐC1); 0% lá keo dậu (ĐC2); 1,85, 3,70, 5,55 và 7,40 % bột keo dậu trong thức ăn. Kết quả cảm quan cho thấy: màu sắc, mùi, ở tôm tươi và tôm hấp chín giữa các loại thức ăn có khác biệt nhau có ý nghĩa (p<0,05). Ở thức ăn có 3,70, 5,55 và 7,40% KD thịt tôm mềm, vị ngọt và màu sắc sậm hơn so với các nghiệm thức TĂCN, 0, 1,85 % KD. Như vậy, lá keo dậu có ảnh hưởng lên màu sắc ở tôm nuôi.
Từ khóa: keo dậu, màu sắc, tôm thẻ chân trắng.
1. Đặt vấn đề
Keo dậu (Leucaena leucocephala) là loài thực vật có mặt ở hầu hết các vùng quê Việt Nam. Theo Shelton et al (1998), lá keo dậu chứa hàm lượng protein tương đối cao, dao động từ 25% - 27% với nhiều acid amin cân đối. Ngoài ra, lá keo dậu còn chứa nhiều vitamin và carotenoid nên đã được nghiên cứu làm thức ăn cho nhiều vật nuôi. Tôm thẻ chân trắng (Litopenaus vannamei) được xem là loài thủy sản nuôi chủ lực của vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Tôm được nuôi với nhiều hình thức như nuôi bán thâm canh, thâm canh, siêu thâm canh. Trong đó, nuôi tôm siêu thâm canh có một hạn chế là sắc tố tôm suy giảm dẫn đến cơ thể tôm nhạt màu, giảm giá trị trên thị trường. Nguyên do bởi tôm không có khả năng tự tổng hợp được astaxanthin thuộc nhóm carotenoid là một sắc tố tạo nên màu đỏ cam hoặc hồng nên rất cần cung cấp chúng qua thức ăn. Nawwar et al, (2017) cho biết trong bột lá keo dậu có chứa 26,7% protein, có nhiều acid amin thiết yếu và giàu caroten, Ca, P và khoáng vi lượng. Hiện nay, keo dậu đã có nhiều nghiên cứu bổ sung làm thức ăn cho một số loài thủy sản nhằm đánh giá ảnh hưởng của chúng lên tăng trưởng và hiệu quả sử dụng thức ăn (Nawwar et al., 2017; Pascual at el., 1978; Sotolu and Faturoti, 2011). Từ các dẫn liệu nghiên cứu cho thấy keo dậu là nguồn nguyên liệu tiềm năng cung cấp carotein cho tôm có màu sắc đẹp và có thể thay thế một phần bột cá trong thức ăn giúp giảm chi phí thức ăn và tăng giá trị thương phẩm tôm nuôi.
2. Phương pháp nghiên cứu
2.1. Thời gian và địa điểm nghiên cứu
Nghiên cứu được thực hiện từ tháng 11/2023 đến tháng 5/2024 tại Trung tâm Thực nghiệm xã Trường Long Hòa, thị xã Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh.
2.2. Chuẩn bị nguyên liệu và chế tạo thức ăn (Bảng 1)
Bột cá: Bột cá được làm từ cá vụn mua ở cảng cá Định An - Trà Vinh. Cá được phơi khô, nghiền mịn bằng máy.
Bột lá keo dậu (KD): Lá keo dậu được thu ở huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh. Sau đó, chúng được ngâm ngập trong nước qua 24 giờ. Lá được phơi khô dưới nắng mặt trời trong 72 giờ và đem nghiền thành bột. Bột lá KD được bảo quản ở 4°C và được đem đi phân tích thành phần sinh hóa (theo phương pháp AOAC, 2020).
Các nguyên liệu khác: Các thành phần nguyên liệu sử dụng trong chế tạo viên thức ăn của thí nghiệm gồm: đậu nành hạt (sấy, nghiền mịn), Soy protein đậu nành, Premix vitamin khoáng, dầu mực và đạm thủy phân, cám gạo và bột mì tinh.
Bảng 1. Thành phần dinh dưỡng của bột lá keo dậu và nguyên liệu của thức ăn
2.3. Thành phần thức ăn
Các nghiệm thức gồm: thức ăn viên (TĂCN) và thức ăn xây dựng chứa: 0, 1,85, 3,70, 5,55 và 7,4% keo dậu trong khẩu phần thức ăn. Các loại thức ăn có cùng hàm lượng đạm là 40%. Thành phần thức ăn được thể hiện qua Bảng 2.
Bảng 2. Thành phần thức ăn thí nghiệm
Ghi chú: Premix vitamin-khoáng: VitE: 2.700 mg, VitB1: 450 mg, VitA: 270,000 IU, VitD: 135.000 IU, VitB2:360 mg, VitB6: 360 mg, VitK3: 225 mg, Folic acid: 135 mg, Choline Chloride: 4.500, Taurine: 1.800 mg, Calcium Pantothenate: 1.250 mg, Ca (CaHPO4): 31.500 mg, Fe (FeSO4):18.000 mg, Cu (CuSO): 9.000 mg, Mn (MnSO4): 1.800 mg, Zn (ZnSO4): 10.000 mg, Co (CoSO4): 108 mg, Se (Na2SeO3): 90 mg.
2.4. Tạo viên thức ăn
Tất cả các nguyên liệu được trộn theo trình tự: dạng nguyên liệu khô, lipid, dịch thủy phân và nước. Sau đó, nguyên liệu được ép viên bằng máy với kích cỡ hạt 1 - 2 mm. Thức ăn được sấy khô ở 60°C trong 24 giờ và bảo quản trong hộp nhựa cho đến khi sử dụng.
2.5. Thiết kế thí nghiệm
Tôm thẻ chân trắng được bắt từ trại nước mặn Trường Đại học Trà Vinh. Tôm (0,5-1 g/con) được thả nuôi 70 con trong bể 0,5m3 với lượng nước 370 lít nước biển 16,5±1,5 ppt có sục khí. Các nghiệm thức ăn gồm: thức ăn viên (TĂCN) (Grobest 42% đạm) (ĐC 1), thức ăn chế biến không lá keo dậu (0 % KD, ĐC 2) và 1,85, 3,70, 5,55 và 7,40% bột lá keo dậu trong khẩu phần thức ăn. Các nghiệm thức bố trí hoàn toàn ngẫu nhiên với 3 lần lặp lại. Tôm được cho ăn 5 lần/ngày (7; 10; 13; 17 và 21 giờ). Thời gian nuôi là 45 ngày. Mỗi ngày thay 20-30% nước/bể. Các thông số môi trường: độ mặn, pH, nhỉet độ, oxy đo 2 lần/ngày (lúc 7h00 và 14h00). Độ kiềm và TAN đo 1 lần/tuần. Các yếu tố môi trường nuôi đều được duy trì trong khoảng thích hợp cho tôm sinh trưởng bình thường: độ mặn 15-18 ‰, oxy: 4,6-5,4 ppm, nhiệt độ: 28,5-29,4°C, pH: 8,1-8,2; TAN: 0,56-0,63 mg/L, độ kiềm: 119,6-121,7 mg/L CaCO3.
2.6. Thu mẫu
Sau 45 ngày nuôi tôm ở tất cả các nghiệm thức thu 3 con/bể để đánh giá cảm quan (7 người được chọn để tham gia đánh giá cảm quan). Tôm được sắp theo nghiệm thức và đánh giá các chỉ tiêu màu sắc và mùi của tôm tươi và tôm sau khi hấp 10 phút (theo phương pháp của Meilgaard et al.,1999) với thang điểm từ 1-9 điểm. Ghi nhận hình tôm bằng máy ảnh kỹ thuật số Canon EOS M200 Kit EF-M 15-45mm IS STM.
2.7. Xử lý số liệu
Số liệu được thu thập xử lý trung bình bằng Excel. Kiểm tra sự phân phối chuẩn và đồng nhất phương sai. Sử dụng One - way ANOVA phân tích và so sánh sự khác biệt về điểm số đánh giá cảm quan của tôm.
3. Kết quả thảo luận
Kết thúc thí nghiệm tôm được cảm quan. Kết quả cho biết: cả 7 thành viên đều thống nhất mùi của tôm có mùi đặc trưng của tôm nuôi bình thường. Màu tôm tươi được đánh giá đạt từ 6,56-7,61 điểm, thấp nhất ở 2 nghiệm thức TĂCN (ĐC1) và 0% KD (ĐC2) các nghiệm thức còn lại có điểm tăng dần theo từ 1,85, 3,70, 5,55 và 7,40% KD trong thức ăn và mức khác biệt điểm số có ý nghĩa (p>0,05) (Bảng 3).
Ở tôm tươi, màu tôm ở các nghiệm thức đều có độ bóng đẹp. Độ sẫm màu sẽ tăng theo mức gia tăng bột keo dậu có trong thức ăn. Theo các thành viên cảm quan, khi bột lá keo dậu tăng lên 5,55 và 7,40% trong thức ăn sẽ có sự khác biệt màu rõ ràng nhất so với 2 nghiệm thức ĐC (Hình 1). Tuy nhiên, màu thịt tôm chín chưa thể hiện khác biệt rõ nét giữa các nghiệm thức với nhau (Hình 2).
Bảng 3. Điểm trung bình của 7 thành viên tham gia đánh giá cảm quan
Kết quả đánh giá về vị ngọt trên thịt tôm hấp chín được ghi nhận ý kiến như sau: ở tôm nuôi thức ăn công nghiệp thịt tôm chắc hơn các loại thức ăn còn lại. Tuy nhiên, màu sắc và vị ngọt nhạt hơn. Tất cả các thành viên đánh giá đều nhất trí tôm nuôi ở nghiệm thức 7,40% KD có vị rất đậm đà và cơ thịt mềm hơn so với các nghiệm thức khác.
Nhìn vào Hình 2 cho thấy màu sắc của tôm hấp chín (lột vỏ và còn vỏ) ở TĂCN có màu nhạt hơn so với các thức ăn xây dựng. Điểm ghi nhận rõ nét nhất giữa các thức ăn có tỉ lệ bột keo dậu càng cao (3,70, 5,55 và 7,40% KD) là màu sắc của vỏ đuôi tôm hấp chín sẽ có sắc đỏ đậm hơn so với các nghiệm thức 0-1,85 % KD.
Theo nhiều nghiên cứu cho thấy: động vật thủy sản không có khả năng tự tổng hợp astaxanthin, nên muốn duy trì màu đỏ hay hồng tự nhiên thì phải bổ sung astaxanthin qua thức ăn (Goodwin, 1984; Davis, 1985; Matsuno and Hirao, 1989). Kết quả của thí nghiệm phù hợp với nhiều nghiên cứu bổ sung nguồn nguyên liệu giàu carotein cho tôm thẻ ăn để gia tăng màu sắc cơ thể như: nghiên cứu Nguyễn Thị Ngọc Anh và ctv.(2014) cho thấy bổ sung rong bún (Enteromorpha sp.) và rong mền (Cladophoraceae) sau khi tôm luộc chín có màu đỏ đậm hơn. Theo Cruz‐Súarez et al. (2008), khi bổ sung 3,3% bột rong bún (Enteromorpha) vào khẩu phần ăn của tôm thẻ chân trắng thì màu sắc tôm đậm hơn so với không bổ sung. Tương tự, Trần Minh Bằng và ctv. (2016) cho rằng khi thay thế 10% thức ăn công nghiệp bằng bí đỏ thì tôm cũng cho màu sắc đậm hơn so với nghiệm thức được cho ăn hoàn toàn bằng thức ăn công nghiệp. I II III IV V VI
Vậy, bột lá keo dậu làm thức cho tôm thẻ có ảnh hưởng tích cực đến màu sắc của vỏ và cơ thịt, vị ngọt của tôm.
4. Kết luận và đề xuất
4.1. Kết luận
Bột lá keo dậu làm thức cho tôm thẻ sẽ ảnh hưởng lên màu sắc tôm. Ở thức ăn chứa 3,55-7,40% bột keo dậu thì màu sắc của tôm bắt đầu có sự khác nhau rõ rệt so với đối chứng.
4.2. Kiến nghị
Thực hiện nhiều phương pháp cho ăn bột lá keo dậu khác nhau để đánh giá lên tốc độ tăng trưởng, hiệu quả sử dụng thức ăn và màu sắc tôm nuôi.
Lời cảm ơn:
Kết quả nghiên cứu này được tài trợ bởi Trường Đại học Trà Vinh, thông qua hợp đồng số 315/2023/ĐH.HĐKH&ĐT- ĐHTV.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1. AOAC, (2000). Official Methods of Analysis. Association of Official Analytical Chemists Arlington. International, Rockville, MD, USA; 20.
2. Cruz-Suarez, L.E., Tapia-Salazar, M., Nieto-Lopez, M.G., Marie Ricque, D., (2008). A review of the effect of macro-algae in shrimp feeds and in co-culture. IX Symposium on Nutrion of shrimp in Mexico, 304-333.
3. Davis, B.H., (1985). Carotenoid metabolism in animals: A biochemist’s view. Pure Appl Chem 57: 679-684.
4. Goodwin, T.W., (1984). The biochemistry of carotenoids. In 2nd ed., Chapman và Hall, London: 64-96.
5. Matsuno, T. and Hirao, S., (1989). Marine Biogenc Lipids, Fats, and Oils. In Avàman ed. Marine carotenoids. CRC Press, Florida, 251-388.
6. Meilgaard M., Civille G.V., Carr B.T., (1999). Sensory Evaluation Techniques. CRC press Taylor & Francis group. Boca Raton.
7. Nawwar, Z.M., Izzah S.M.A. and Seri N., (2017). Partial replacement of fish meal by white leadtree meal in diets for juveniles of Giant River Prawn, Macrobrachium rosenbergii (De Man, 1879). Can. J. Fish Aquat. Sci., 5(2): 154–157
8. Nguyễn Thị Ngọc Anh, Đinh Thị Kim Nhung và Trần Ngọc Hải (2014). Thay thế protein đậu nành bằng protein rong bún (Enteromorpha sp.) và rong mền (Chladophoraceae) trong thức ăn cho tôm thẻ chân trắng (Litopenaeus vannamei) giống. Tạp chí khoa học Trường Đại học Cần Thơ. Số chuyên đề: Thủy sản. 1: 158-165.
9. Pascual F.P., (1978). A preliminary study on the use of the local variety of ipil-ipil Leucaena leucocephala as a protein source for prawn feed. SEAFDEC (Southeast Asian Fisheries Development Center) Aquaculture Department Quarterly Research Report. 2(2): 1-5.
10. Shelton, H.M. and Brewbaker, J.L. (1998). Leucaena leucocephala - the most widely used forage tree legume. In Forage Tree Legumes in Tropical Agriculture. The Tropical Grassland Society of Australia Inc., Queensland, Australia, 1-13.
11. Sotolu A. and Faturoti, E., (2011). Growth performance and hematological effects of varying dietary processed Leucaena leucocephala seed meal in Clarias gariepinus (burchell, 1822) juvenile. Ajfand. Volume 11 No. 1.
12. Trần Minh Bằng, Đặng Vũ Hải, Nguyễn Thành Học, Bùi Thị Chúc Mai, Trần Ngọc Hải và Lê Quốc Việt, (2016). Ảnh hưởng bổ sung bí đỏ (Cucurbita pepo) lên tăng trưởng, tỷ lệ sống và chất lượng tôm thẻ chân trắng (Litopenaeus vannamei) nuôi theo công nghệ biofloc. Tạp chı́ Khoa học Trường Đại học Cần Thơ. 44: 66-75.
A study on the impact of leucocephala leaf powder as feed on the color of white-leg shrimp (L. vannamei)
Duong Thi Thu Quyen1
Do Thi Mong1
Le Tan Tai1
Tran Thi Phuong Lan1
1Faculty of Agriculture and Fisheries, Tra Vinh University
Abtracts:
This study explored the use of leucocephala leaf powder (L. leucocephala) as feed for white-leg shrimp (L. vannamei). The study was conducted on shrimps (0.5–1 g) that were raised in a 500 L tank with 350 L of 16.5±1.5 ppt water with aeration. The study’s experiments were randomly arranged with three replications. Shrimps were raised at the rate of 70 shrimp/tank for 45 days. The treatments included animal feed, 0% leucocephala powder, and 1.85, 3.70, 5.55, and 7.40% leucocephala leaf in the feed. The study’s results showed that color and smell in fresh shrimp and steamed shrimp between the types of food had significant differences (p<0.05). With the feed containing 3.70, 5.55, and 7.40% KD, shrimp meat is softer, sweeter, and darker in color than in the feed containing 0 and 1.85% KD. Thus, Leucaena leaves can affect the color of shrimp.
Keywords: Leucaena, color, white-leg shrimp.