Nghĩa tình Lộc Ninh

Theo chân đoàn công tác Cục Chính trị (thuộc Tổng Cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam) ngày 25-11-2024, chúng tôi trở lại huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước dự lễ bàn giao hội trường đa năng xã Lộc Thành và tặng quà các gia đình chính sách. Thời kháng chiến, người dân huyện Lộc Ninh che chở, đùm bọc cán bộ, chiến sĩ Cơ quan Cục Chính trị miền Nam, hòa bình lập lại, bà con nỗ lực xây dựng nông thôn mới, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội vùng biên.

Tri ân vùng đất cách mạng

Đoàn công tác Cục Chính trị do Thiếu tướng Trần Ngọc Anh, Phó Bí thư Đảng ủy cơ quan Tổng Cục Chính trị, Cục trưởng Cục Chính trị dẫn đầu đã dâng hoa, dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, các anh hùng liệt sĩ và lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, quân đội tại Khu di tích quốc gia đặc biệt Căn cứ Bộ Chỉ huy Quân giải phóng miền Nam Việt Nam (Căn cứ Tà Thiết), xã Lộc Thành. Đây là di tích quốc gia đặc biệt có nhà ở, nơi làm việc của các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước thời chống Mỹ, bếp lửa Hoàng Cầm, hầm giao ban, nhà chính ủy, hội trường được xây dựng theo kiểu nửa chìm nửa nổi, cột, kèo làm bằng cây rừng, mái lá trung quân.

Thiếu tướng Trần Ngọc Anh, Cục trưởng Cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam dẫn đầu đoàn công tác thăm Căn cứ Tà Thiết

Thiếu tướng Trần Ngọc Anh, Cục trưởng Cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam dẫn đầu đoàn công tác thăm Căn cứ Tà Thiết

Sau đó, đoàn công tác di chuyển đến UBND xã Lộc Thành để trao tặng 2 căn nhà tình nghĩa và tivi (trị giá hơn 90 triệu đồng), 10 căn nhà đại đoàn kết cùng các phần quà (trị giá hơn 52 triệu đồng); tặng 60 phần quà cho gia đình chính sách, hộ nghèo và 20 phần quà cho học sinh nghèo hiếu học (mỗi phần quà 1,5 triệu đồng) trên địa bàn.

Là gia đình chính sách được tặng nhà tình nghĩa nên từ rất sớm, ông Điểu Gion (đồng bào dân tộc S’tiêng, ngụ ấp Tà Tê 1, xã Lộc Thành) đã có mặt tại UBND xã Lộc Thành. Ông chia sẻ, gia đình có khoảnh đất nhỏ để dựng nhà, gọi là nhà nhưng chỉ là những thanh tre, nứa dựng lên, quây bạt để ở. Cuộc sống “ăn bữa nay lo bữa mai” nên với ông Gion có một căn nhà cấp 4 kiên cố là điều xa xỉ. Được cấp nhà ông vui lắm, vì từ nay không phải co ro trong lều bạt lụp xụp mỗi khi trời mưa bão.

Ngồi kế bên có ông Điểu By (ngụ ấp 8B, xã Lộc Hòa) thuộc diện hộ nghèo được trao tặng nhà đại đoàn kết cũng mừng rơi nước mắt. Ông tâm sự, nhà đông con, ít đất sản xuất nên phải làm thuê đủ việc để kiếm sống nhưng chỉ đủ đắp đổi qua ngày. Mấy năm nay, sức khỏe suy giảm, ốm đau triền miên nên khó khăn thêm chồng chất. Ông xúc động nói: “Có nhà mới, đời mình bớt khổ hơn rồi, nay chỉ lo làm ăn thôi. Mình và bà con nơi đây rất biết ơn đoàn công tác Cục Chính trị, các nhà hảo tâm cùng chính quyền địa phương tạo điều kiện để vươn lên thoát nghèo”.

Cán bộ Cục Chính trị trao quà cho bà con đồng bào dân tộc thiểu số hoàn cảnh khó khăn tại huyện Lộc Ninh

Cán bộ Cục Chính trị trao quà cho bà con đồng bào dân tộc thiểu số hoàn cảnh khó khăn tại huyện Lộc Ninh

Đặc biệt, sau 4 tháng thi công trong điều kiện không thuận lợi, vật liệu khan hiếm, lực lượng công nhân, kỹ thuật đã không quản ngày đêm, chủ động khắc phục khó khăn xây xong hội trường đa năng xã Lộc Thành. Hội trường rộng hơn 400m2 trị giá gần 4,2 tỷ đồng, từ kinh phí của Tổng Cục Chính trị, được bàn giao cho địa phương đưa vào khai thác, sử dụng đúng dịp kỷ niệm 80 năm Ngày truyền thống Tổng Cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam (22-12-1944 - 22-12-2024). Công trình được UBND xã Lộc Thành sử dụng để tổ chức các hoạt động văn hóa, chính trị, xã hội, tăng cường tình đoàn kết, gắn bó của bà con nhân dân, góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.

Thiếu tướng Trần Ngọc Anh, Cục trưởng Cục Chính trị chia sẻ: Lộc Ninh là vùng đất giàu truyền thống cách mạng. Trong kháng chiến chống Mỹ, Bộ Chỉ huy Quân giải phóng miền Nam, Cơ quan Cục Chính trị Miền hoạt động bí mật với muôn vàn khó khăn, gian khổ và được cấp ủy, chính quyền, nhân dân Lộc Ninh hết lòng che chở, đùm bọc để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Lễ khánh thành, bàn giao hội trường đa năng xã Lộc Thành, tặng quà cho gia đình chính sách thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước, quân đội, sự tri ân của Tổng Cục Chính trị đối với đồng bào, đồng chí, người có công với cách mạng nói chung, nhân dân vùng căn cứ địa Lộc Ninh nói riêng.

Sức bật từ nông thôn mới

Từ UBND xã Lộc Thành, theo con đường thảm nhựa phẳng lỳ, chúng tôi tìm đến ấp Tà Thiết (xã Lộc Thịnh). Trước đây, trong khu Căn cứ Tà Thiết có 62 hộ dân người Khmer làm lúa nước, lúa rẫy, trồng bắp, trồng khoai để sinh sống. Năm 2002, bà con chuyển ra ngoài theo chủ trương của Nhà nước, được hỗ trợ xây nhà, cấp đất làm ăn, cuộc sống dần ổn định và không còn hộ nghèo. Ông Lâm Vy, Trưởng ấp Tà Thiết cho biết, cuộc sống của đồng bào dân tộc Khmer được cải thiện, nhà cửa, trường học, chợ được đầu tư xây dựng khang trang, hệ thống đường giao thông được bê tông hóa, giúp việc đi lại thuận tiện hơn.

Cách đó không xa là xã Lộc Thuận có hơn 2.000 hộ với hơn 10.000 người, trong đó có khoảng 200 hộ đồng bào dân tộc Khmer, S’tiêng sinh sống. Thời chống Mỹ, Lộc Thuận là căn cứ cách mạng, nơi ghi dấu chiến công của Đại đội 31 trong chiến thắng giải phóng Lộc Ninh ngày 7-4-1972. Ông Phạm Thế Mỹ (ấp 2, xã Lộc Thuận) phấn khởi: “Trước đây, đường sá chưa được đầu tư nên mùa mưa lầy lội, mùa nắng bụi mù đất đỏ. Hiện các tuyến đường trong xã được bê tông hóa, trường học, trạm y tế được sửa sang, nâng cấp nên thuận tiện đi lại và đáp ứng nhu cầu học tập, chăm sóc sức khỏe của người dân”.

Cục Chính trị tổ chức khánh thành, bàn giao hội trường đa năng xã Lộc Thành, huyện Lộc Ninh

Cục Chính trị tổ chức khánh thành, bàn giao hội trường đa năng xã Lộc Thành, huyện Lộc Ninh

Trở ra thị trấn Lộc Ninh, chúng tôi được đi trên các tuyến đường nông thôn mới khang trang, sạch đẹp. Lộc Ninh có quốc lộ 13 đi qua nối đến Cửa khẩu quốc tế Hoa Lư thông qua Vương quốc Campuchia, nên hằng ngày xe trọng tải, container chở nông sản qua lại đông đúc. Dọc hai bên đường, các hộ tiểu thương mở các tạp hóa, nhà hàng kinh doanh nên tậu được xe hơi đắt tiền, xây nhà cao tầng. Chị Mỹ Hạnh (ngụ thị trấn Lộc Ninh) tâm sự, nhiều năm trở lại đây, bà con trong vùng chí thú làm ăn, ứng dụng khoa học - kỹ thuật để làm nông nghiệp sạch trên các diện tích hồ tiêu, điều, cây ăn trái, nông thôn mới đang đổi thay từng ngày.

Số liệu từ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lộc Ninh cho thấy, sau 13 năm xây dựng nông thôn mới, địa phương có gần 1.000km đường giao thông liên xã, đường bê tông xi măng; tỷ lệ sử dụng điện lưới quốc gia đạt 99,8%; phấn đấu đến năm 2025 có 70% trường đạt chuẩn quốc gia và có 32 sản phẩm được công nhận đạt chuẩn OCOP 3, 4 sao; thu nhập bình quân đầu người đạt 66 triệu đồng/năm (tăng 4 lần so với năm 2010). Lộc Ninh có 15/15 xã cơ bản hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới và phấn đấu đến năm 2025 được công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới. Đó là sự đổi thay đáng mừng trên quê hương Lộc Ninh hôm nay.

Chiều dần xuống trên những cánh rừng cao su xanh thẳm, chúng tôi tìm gặp ông Nguyễn Gia Hòa, Chủ tịch UBND huyện Lộc Ninh và được thông tin: Lộc Ninh đang tiếp tục triển khai kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TU ngày 10-7-2023 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về việc cơ cấu lại ngành nông nghiệp huyện giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Lộc Ninh khuyến khích phát triển hợp tác xã kiểu mới, các tổ hợp tác, tạo chuỗi liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm; xây dựng kế hoạch thực hiện chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) trên địa bàn năm 2024-2025, nhất là các xã chưa có sản phẩm OCOP. Đối với chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, 2 xã Lộc Thiện, Lộc Khánh đang phấn đấu đạt nông thôn mới nâng cao, góp phần đưa huyện Lộc Ninh đạt chuẩn nông thôn mới.

Bách Việt

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/1/165901/nghia-tinh-loc-ninh
Zalo