Nghi vấn về lỗ hổng an ninh nghiêm trọng của Cơ quan Mật vụ Mỹ

Sau vụ việc ông Trump bị ám sát hụt, một loạt câu hỏi được đặt ra như làm thế nào 1 trong những nhân vật chính trị được bảo vệ chặt chẽ nhất lại bị 1 tay súng bắn tỉa ngắm bắn ở khoảng cách gần.

Ông Donald Trump được mật vụ Mỹ hộ tống khỏi sân khấu của sự kiện vận động tranh cử tại bang Pennsylvania sau khi xảy ra vụ nổ súng, ngày 13/7/2024. (Ảnh: THX/TTXVN)

Ông Donald Trump được mật vụ Mỹ hộ tống khỏi sân khấu của sự kiện vận động tranh cử tại bang Pennsylvania sau khi xảy ra vụ nổ súng, ngày 13/7/2024. (Ảnh: THX/TTXVN)

Vụ việc cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump bị ám sát hụt khi đang vận động tranh cử ở bang Pennsylvania ngày 13/7 đang là chủ đề nóng được thế giới quan tâm.

Nhiều ý kiến cho rằng đây là cuộc khủng hoảng an ninh lớn của Cơ quan Mật vụ Mỹ.

Một loạt câu hỏi được đặt ra xung quanh nghi vấn làm cách nào một trong những nhân vật chính trị được bảo vệ chặt chẽ nhất trên thế giới, được các đặc vụ tinh nhuệ bao quanh, lại có thể bị một tay súng bắn tỉa ngắm bắn ở khoảng cách gần.

Chỉ vài giây sau khi loạt tiếng súng vang lên, các nhân viên của Cơ quan Mật vụ Mỹ (USSS) đã tiêu diệt được nghi phạm.

Thi thể của hắn gục ngay trên nóc một tòa nhà chỉ cách bục diễn thuyết ngoài trời nơi ông Trump đang đứng khoảng 150m.

Tuy nhiên, giới chuyên gia tỏ ý quan ngại về phạm vi giám sát của các cơ quan an ninh, đặc biệt là Cơ quan Mật vụ Mỹ - nơi chịu trách nhiệm bảo vệ các nhân vật chính trị hàng đầu của nước này.

Phát biểu với đài MSNBC, ông Richard Goldinger - công tố viên hạt Butler, bang Pennsylvania - đã bày tỏ bất ngờ trước việc cựu Tổng thống Trump bị một đối tượng trèo lên mái nhà và nổ súng bắn. Trong tòa nhà đó có văn phòng của một số cơ quan thực thi pháp luật và vì vậy, việc đối tượng tấn công xuất hiện tại đó lại "càng đáng ngạc nhiên hơn."

Trong khi đó, ông Richard Painter, một quan chức Nhà Trắng dưới thời Tổng thống George W. Bush và hiện là Giáo sư Luật tại trường Đại học Minnesota - đánh giá đây là "thiếu sót an ninh nghiêm trọng" và kêu gọi tiến hành cuộc điều tra chi tiết.

Ông cho rằng lẽ ra các nhân viên của Cơ quan Mật vụ phải được bố trí để rà soát phần mái của tòa nhà, nơi tay súng trên ẩn nấp vốn cách bục diễn thuyết không xa.

 Nhân viên mật vụ Mỹ phong tỏa hiện trường vụ nổ súng nhằm vào cựu Tổng thống Donald Trump ở thành phố Butler, bang Pennsylvania, ngày 13/7/2024. (Ảnh: AP/TTXVN)

Nhân viên mật vụ Mỹ phong tỏa hiện trường vụ nổ súng nhằm vào cựu Tổng thống Donald Trump ở thành phố Butler, bang Pennsylvania, ngày 13/7/2024. (Ảnh: AP/TTXVN)

Ông Painter đồng thời nhắc lại Kho lưu trữ sách Texas - tòa nhà nơi đối tượng Lee Harvey Oswald đã ám sát Tổng thống John F. Kennedy bằng súng bắn tỉa tầm xa vào năm 1963 và khẳng định rằng "kẻ nổ súng đã ở bên ngoài phạm vi kiểm soát an ninh của Sở Mật vụ."

Theo ông Painter, ai cũng có thể dễ dàng mua được một khẩu súng trường ở Mỹ và do đó phạm vi giám sát cần phải ở địa điểm xa nhất có thể nhìn thấy được.

Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) ngày 14/7 xác nhận đối tượng nổ súng là Thomas Matthew Crooks, 20 tuổi, sống tại Bethel Park, thuộc bang Pennsylvania.

Phân tích của hãng tin AP sau khi tổng hợp các video và hình ảnh ghi lại tại cuộc vận động tranh cử của ông Trump, cũng như những hình ảnh vệ tinh xung quanh địa điểm này, cho thấy kẻ nổ súng có thể tiếp cận gần một cách đáng kinh ngạc sân khấu nơi ông Trump đang phát biểu.

Súng trường kiểu AR như Crooks đã sử dụng để bắn ông Trump là phiên bản dân sự bán tự động của khẩu M16 sử dụng trong quân sự. Trong khi đó, 150m là khoảng cách mà các tân binh trong quân đội Mỹ phải bắn trúng tấm bia có kích thước bằng người thật trong khóa huấn luyện cơ bản, để có thể đủ điều kiện sử dụng súng trường tấn công M16.

Tổng thống Joe Biden ngày 14/7 đã chỉ đạo tiến hành cuộc điều tra độc lập về vụ việc này.

Ông cũng yêu cầu Cơ quan Mật vụ Mỹ đánh giá lại tất cả các biện pháp an ninh cho Đại hội toàn quốc của đảng Cộng hòa, sẽ khai mạc trong ngày 15/7 tại Milwaukee.

Ông Biden kêu gọi người dân Mỹ không đưa ra giả định về động cơ của kẻ nổ súng, trong khi các nhà điều tra đang khẩn trương điều tra vụ tấn công.

Ông nêu rõ: “Đoàn kết là mục tiêu khó thực hiện nhất, nhưng không có gì quan trọng hơn mục tiêu đó vào lúc này”./.

(TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/nghi-van-ve-lo-hong-an-ninh-nghiem-trong-cua-co-quan-mat-vu-my-post964779.vnp
Zalo