Nghị sỹ Trẻ Toàn cầu: Cổ vũ người trẻ kiến tạo những giá trị mới
Là một trong những thanh niên Việt Nam tiêu biểu tham dự Hội nghị Nghị sỹ Trẻ Toàn cầu lần thứ 9, nhạc sỹ Hứa Kim Tuyền đã được tiếp thêm cảm hứng trong sáng tạo nghệ thuật.
Hội nghị Nghị sỹ Trẻ Toàn cầu lần thứ 9 có sự tham gia của đông đảo đại biểu Quốc hội trẻ khóa XV, đại biểu Hội đồng Nhân dân một số tỉnh/thành phố cùng các thanh niên tiêu biểu.
Trong số các đại biểu trẻ Việt Nam có nhạc sỹ Hứa Kim Tuyền, “cỗ máy tạo hit” của nhạc Việt, tác giả các ca khúc được giới trẻ yêu thích như “Đi về nhà” (MV “Đi về nhà” của Đen-Justa Tee đã giành Giải thưởng Âm nhạc Cống hiến của Báo Thể thao&Văn hóa năm 2021); “Một ngàn nỗi đau,” “Sài Gòn đau lòng quá”…
Nhạc sỹ sinh năm 1995 đã trò chuyện với phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus về nguồn cảm hứng và động lực anh cảm nhận được từ hội nghị.
Động lực để bước ra thế giới
- Là một trong những thanh niên Việt Nam tiêu biểu được mời tham dự Hội nghị Nghị sỹ Trẻ Toàn cầu lần thứ 9, bạn có cảm xúc như thế nào?
Nhạc sỹ Hứa Kim Tuyền: Thú thật là tôi rất bất ngờ. Tôi đã đặt câu hỏi “tại sao lại là mình?” bởi hội nghị là nơi bàn về các vấn đề vĩ mô như tìm giải pháp cho các vấn đề toàn cầu và thực hiện Các Mục tiêu Phát triển Bền vững. Các đại biểu phải là những người làm việc trong lĩnh vực lập pháp, giáo dục, y tế, kinh tế, chính trị… trong khi đó tôi lại là người hoạt động trong lĩnh vực văn hóa giải trí.
Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng hội nghị xoay quanh các chủ đề “Chuyển đổi Số,” “Đổi mới Sáng tạo và Khởi nghiệp,” “Thúc đẩy tôn trọng đa dạng văn hóa vì sự phát triển bền vững,” nghĩa là rất gần với chuyên môn của mình. Tôi đến với hội nghị với tâm thế sẵn sàng lắng nghe, học hỏi từ các đại biểu quốc tế để có thể áp dụng vào công việc của mình và dùng sức ảnh hưởng của mình, lan tỏa những điều đó đến các bạn trẻ Việt Nam.
- Trong số các phiên thảo luận, chủ đề về đa dạng văn hóa rất gần với chuyên môn của bạn. Vậy, bạn đánh giá như thế nào về phiên thảo luận này?
Nhạc sỹ Hứa Kim Tuyền: Bản thân Hội nghị Nghị sỹ Trẻ Toàn cầu lần thứ 9 chính là một biểu hiện của sự tôn trọng đa dạng văn hóa. Tôi bắt gặp ở đây nhiều đại biểu từ các quốc gia, có chuyên môn ở nhiều ngành nghề khác nhau, họ mặc trang phục dân tộc rất đặc sắc. Điều đó thôi thúc chúng ta tôn trọng đa dạng văn hóa.
Việt Nam là một quốc gia có nền văn hóa đặc sắc, đa dạng trong thống nhất. Tôi cho rằng tôn trọng đa dạng văn hóa là nền tảng để phát triển văn hóa dân tộc. Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc đều đã rất thành công trong việc xuất khẩu văn hóa và chắc chắn Việt Nam cũng sẽ có ngày thành công như vậy.
Sự kiện này không chỉ mang đến cơ hội cho những người trẻ mở rộng tư duy, tiếp nhận thêm kiến thức mà còn truyền cảm hứng, động lực để chúng tôi tự tin và dũng cảm hơn trong việc mang bản sắc dân tộc Việt Nam ra thế giới.
Các thị trường âm nhạc như Mỹ, Hàn Quốc... có nhiều cá tính âm nhạc thú vị. Các bạn trẻ ở Việt Nam cũng tài giỏi và đa màu sắc, nhưng đôi khi các bạn chưa mạnh dạn thử những điều khác biệt, sợ rằng mọi người sẽ không ủng hộ. Từ những gì được truyền cảm hứng tại hội nghị, tôi muốn cổ vũ các bạn mạnh mẽ, sáng tạo, để bức tranh nhạc Việt đa màu sắc hơn.
Người trẻ không ngại thất bại
- Có thể thấy rằng Quốc hội, Nhà nước đang đặt niềm tin và trao quyền cho giới trẻ trong công cuộc Chuyển đổi Số. Theo bạn, trở ngại lớn nhất với giới trẻ Việt Nam hiện nay là gì?
Nhạc sỹ Hứa Kim Tuyền: Ở một số nước phát triển trên thế giới, Chuyển đổi Số đã được thực hiện từ những năm 2000, còn ở Việt Nam, Internet bắt đầu xuất hiện năm 1997 và phát triển mạnh mẽ vào khoảng năm 2010.
Tôi cho rằng các bạn trẻ vẫn đang phải tự mò đường trong việc Chuyển đổi Số. Tuy nhiên, Nhà nước cũng đang tích cực tạo ra chuyển biến về chính sách, thể chế để hỗ trợ cho người trẻ. Điều này được bàn đến rất nhiều trong hội nghị.
Trong thách thức luôn có những cơ hội. Những người tìm đường cũng chính là những người tiên phong, kiến tạo ra những giá trị mới. Tôi đã có cơ hội làm việc với các bạn trẻ Thái Lan, Hàn Quốc… và nhận ra rằng người trẻ Việt Nam rất giỏi, năng động, cầu thị, ham học hỏi, không ngại khó khăn. Tôi tin rằng những cản trở sẽ sớm được giải quyết.
- Có ý kiến cho rằng tài sản lớn nhất của người trẻ là tinh thần không sợ thất bại. Điều này có đúng đối với bạn không?
Nhạc sỹ Hứa Kim Tuyền: Tôi có sợ thất bại. Tôi nghĩ rằng ai cũng sợ điều đó. Nói đúng hơn thì người trẻ không ngại thất bại. Bản thân tôi đã nhiều lần “vấp ngã” và mỗi lần như vậy, tôi lại có những bài học để bước đi một cách vững vàng hơn, có những sản phẩm tiếp theo chỉn chu hơn.
Từ những sai lầm, tôi nhìn lại mình xem đã sai ở đâu để rút kinh nghiệm. Sau những trải nghiệm đó, tôi nhận ra mình không chỉ sáng tạo vì bản thân mà còn phải có trách nhiệm với xã hội. Chẳng hạn, bên cạnh những bài hát về tình yêu như “Cứ yêu đi,” “Anh sẽ đến cùng cơn mưa,” “Sài Gòn đau lòng quá” thì tôi cũng đã có những sáng tác liên quan đến gia đình như “Ước mơ của mẹ,” “Đi về nhà” hay những bài mang lại giá trị tích cực cho cuộc sống như “Nếu một mai tôi bay lên trời,” “Người gieo mầm xanh.”
Tôi nghĩ là nghe một bài hát thì không thể nào thay đổi được một con người, nhưng âm nhạc sẽ góp phần làm cho tâm hồn chúng ta rộng mở hơn, dần dần sẽ hướng đến chân, thiện, mỹ, trở thành một phiên bản tốt đẹp hơn của chính mình.
- Xin cảm ơn bạn đã chia sẻ./.