Lễ hội Cầu ngư trên 200 năm tuổi ở Bình Định là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

Lễ hội được hình thành trên 200 năm gắn kết với quá trình lập làng của ngư dân địa phương, hình thành nét đặc trưng riêng ở Bình Định.

Bộ trưởng Bộ VH,TT&DL vừa kí Quyết định số 3994/QĐ-BVHTTDL ghi danh Lễ hội Cầu ngư Vạn đầm Xương Lý, xã Nhơn Lý, TP Quy Nhơn, Bình Định vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Lễ hội Cầu ngư Vạn đầm Xương Lý là lễ hội truyền thống được ngư dân địa phương tổ chức hàng năm, bắt đầu từ ngày mùng 10 tháng Giêng âm lịch.

Trước đó, ngày 16/7, UBND tỉnh Bình Định đã có văn bản gửi Bộ VH,TT&DL, đề cử Lễ hội Cầu ngư Vạn đầm Xương Lý đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Theo UBND tỉnh Bình Định, Lễ hội Cầu ngư Vạn đầm Xương Lý là một trong các lễ hội truyền thống lâu dời, gắn kết với đời sống ngư dân miền biển ở Bình Định, đã trở thành địa chỉ tham quan, nghiên cứu, trải nghiệm về quá trình hình thành, phát triển mô hình vạn chài gắn với các hoạt động đánh bắt, chế biến hải sản với các tiết lễ cổ truyền diễn ra hàng năm, là không gian di sản văn hóa phi vật thể đặc trưng, tiêu biểu về loại hình lễ hội truyền thống mà nét đặc sắc là nghi thức tế lễ, hát múa bả trạo, sinh hoạt bài chòi.

 Một nghi lễ trong Lễ hội Cầu ngư Vạn đầm Xương Lý. Ảnh: baobinhdinh.

Một nghi lễ trong Lễ hội Cầu ngư Vạn đầm Xương Lý. Ảnh: baobinhdinh.

Lễ hội được hình thành trên 200 năm gắn kết với quá trình lập làng, hình thành nét đặc trưng rất riêng ở Bình Định.

Lễ hội là một hồi ức về không gian đánh bắt hải sản trên biển cả, ẩn chứa nét văn hóa tín ngưỡng ngư dân vùng biển qua nhiều giai đoạn trong diễn trình lịch sử. Lễ hội được vun bồi, kiến tạo qua nhiều thế hệ, tạo nên những sinh hoạt dân gian của cộng động ngư dân qua mùa đánh bắt hải sản, tạo ra những hoạt động giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm của các nghệ nhân gắn bó với vạn chài từ khi còn rất trẻ.

Các nghệ nhân, ngư dân Vạn chài Xương Lý nói riêng, ngư dân mọi miền liên quan đến lễ hội truyền thống này luôn trân trọng và yêu quý; bảo vệ, phát huy giá trị di sản; trân trọng vùng đất ẩn chứa, lưu giữ di sản và vai trò của chủ thể di sản đối với đời sống kinh tế - văn hóa trên địa bàn bao thế kỷ qua.

Các hoạt động lễ hội mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, giáo dục truyền thống đoàn kết, yêu quê hương đất nước, có trách nhiệm cụ thể dối với vạn chài; là niềm tự hào vì nó gắn liền với tinh thần bảo vệ biển đảo, phát triển kinh tế bền vững trước những thử thách biến đổi khí hậu, cũng như thăng trầm trong lịch sử; từ đó khơi dậy tinh thần tiếp nối truyền thống yêu nước trong nhân dân; cố gắng trong lao động, sản xuất để xây dựng vạn chài trở thành một điểm bảo tàng sinh thái văn hóa phi vật thể về biển đảo, một điểm du lịch cộng động trong quá trình xây dựng Quy Nhơn trở thành trung tâm văn hóa phía Nam của vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ.

PV

Nguồn BVPL: https://baovephapluat.vn/van-hoa-xa-hoi/goc-van-hoa/le-hoi-cau-ngu-tren-200-nam-tuoi-o-binh-dinh-la-di-san-van-hoa-phi-vat-the-quoc-gia-169675.html
Zalo